• Các yếu tố kinh tế
Cà phê là thứ đồ uống hấp dẫn và hữu ích và cho đến ngày nay không ai còn phủ nhận công dụng và sự nổi tiếng của loại đồ uống này. Cà phê giúp con người tỉnh táo và minh mẫn hơn, nó được sử dụng ở mọi nơi và trong mọi hoạt động, ở nhà, ở công sở hay nơi vui chơi…Nó cũng được coi như một món tráng miệng, một bữa ăn phụ của người dân nhiều nước trên thế giới. Cà phê dần trở thành một thứ đồ uống không thể thiếu đối với nhiều người. Nhu cầu đó không
bị tác động suy giảm quá nhiều khi nền kinh tế gặp khó khăn và càng tăng cao khi nền kinh tế tăng trưởng, thu nhập của người dân được cải thiện.
Trong những năm qua nền kinh tế Việt Nam có những sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ta có thể thấy được điều này qua sự tăng trưởng không ngừng về tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay mức tiêu dùng cuối cùng của người dân (C). GDP năm sau luôn được cải thiện cao hơn năm trước (kể cả GDP tính theo giá thực tế hay tính theo giá so sánh). Và theo đó tốc độ tăng GDP hàng năm cũng tăng và trong những năm qua vẫn được giữ ổn định ở mức trên 8%. Chính nhờ vậy mà thu nhập của người dân cũng cao hơn và khiến người dân có khả năng chi tiêu nhiều hơn dẫn đến tiêu dùng cuối cùng cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ cũng cao hơn.
Tổng sản phẩm trong nước năm 2007 đạt 1.144.015 tỷ đồng tăng 169749 tỷ so với năm 2006, tương đương với mức tăng 8,48%. Tiêu dùng cuối cùng năm 2007 tăng 135.405 tỷ đồng so với năm 2006 và đạt mức 811.321 tỷ đồng, chiếm 70,92 % của GDP.
Cà phê vốn đã trở thành một thứ đồ uống không thể thiếu với nhiều người dân trên thế giới. Công dụng và tính hữu ích của cà phê cũng đã được khẳng định. Và nền kinh tế tăng trưởng là một cơ hội để người tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nói chung và các sản phẩm cà phê chế biến nói riêng.
Bảng 2.3: Một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Việt Nam giai đoạn 2000-2007 Năm GDP theo giá thực tế GDP theo giá so sánh Tốc độ tăng GDP Tiêu dùng cuối cùng Tiêu dùng cuối cùng/GDP
(tỷ đồng) (tỷ đồng) (%) (tỷ đồng) (%) 2000 441.646 273.666 6,79 321.853 72,87 2001 481.295 292.535 6,89 342.607 71,18 2002 535.762 313.247 7,08 382.137 71,33 2003 613.443 336.242 7,34 445.221 72,58 2004 715.307 362.435 7,79 511.221 71,47 2005 839.211 393.031 8,44 584.793 69,68 2006 974.266 425.373 8,23 675.916 69,38 2007 1.144.015 461.443 8,48 811.321 70,92 Nguồn: Tổng cục thống kê
Trong những năm qua nền kinh tế phát triển đã giúp cho thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện từ đó dẫn đến khả năng tiêu dùng cho hàng hóa dịch vụ cao hơn, trong đó không thể không kể tới các sản phẩm cà phê đặc biệt là cà phê hòa tan vốn được ưa chuộng trong cuộc sống công nghiệp phát triển như hiện nay. Doanh nghiệp có nhiều hơn khả năng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước khai thác nhiều hơn thị trường nội địa để từ đó có thể vươn xa hơn ra các thị trường nước ngoài đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ rộng lớn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê cũng có nhiều cơ hội hơn cho việc đầu tư trang thiết bị cũng như mở rộng sản xuất từ đó gián tiếp dẫn tới khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
• Các yếu tố chính trị, pháp luật
Trong những năm qua, Việt Nam với một môi trường chính trị ổn định cùng những chính sách hợp lý, cơ sở pháp lý thuận lợi từ phía Chính phủ và hiệp
hội cà phê Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê cho xuất khẩu.
Chiến lược của nhà nước ta trong giai đoạn 2003- 2010 là phát triển các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong đó cà phê là một trong những mặt hàng giữ vị trí hàng đầu. Việt Nam với chính sách là phát triển nền kinh tế thị trường hướng mạnh vào xuất khẩu, đặc biệt có những chính sách mặt hàng xuất khẩu chủ lực cho cà phê vì thế nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho ngành cà phê. Những lợi thế về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất của nông dân cùng với chế độ chính trị, xã hội ổn định, cơ chế chính sách thời kỳ đổi mới được khẳng định trong đường lối kinh tế do Đại Hội IX của Đảng đề ra đã và đang trở thành sức mạnh để cà phê Việt Nam hội nhập với thế giới và khu vực.
• Các yếu tố văn hóa xã hội
Yếu tố văn hóa Việt không những được thể hiện trong chất lượng của các sản phẩm được chế biến từ những hạt cà phê nhân mang hương vị đậm đà riêng vốn có được trồng trên đất đỏ bazan của Tây nguyên Việt Nam mà còn được thể hiện trong thương hiệu, mẫu mã, logo của sản phẩm…
Tuy nhiên thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghiên cứu kĩ lưỡng các yếu tố về văn hóa của quốc gia nhập khẩu được thể hiện bằng thị hiếu, sở thích tiêu dùng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường Hoa Kỳ, một quốc gia có đa sắc tộc. Nó tồn tại những sự khác biệt giữa phong tục tập quán của Hoa Kỳ so với các nước khác và bản thân giữa các bang hay từng vùng miền của Hoa Kỳ. Họ thích uống cà phê hoà tan hay là cà phê đen, thích cà phê phin
hay cà phê uống liền? Như vậy buộc chúng ta phải tìm hiểu kĩ lưỡng và cụ thể để có chính sách xuất khẩu phù hợp.
• Yếu tố môi trường kinh doanh quốc tế
Với việc ra nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) thì quan hệ mua bán hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đã không ngừng được mở rộng và tăng cường. Và một trong số những bạn hàng quan trọng hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ. Ra nhập WTO cũng có nghĩa là các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam nói chung và các sản phẩm cà phê chế biến nói riêng khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng sẽ phải chấp nhận sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn trong một môi trường kinh doanh quốc tế sẽ tạo ra những cơ hội, tiềm năng nhưng cũng không ít những khó khăn thách thức cho các sản phẩm khi phải cạnh tranh trên thị trường rộng lớn hơn.
2.2.1.2. Các yếu tố bên trong của bản thân doanh nghiệp
• Quá trình sản xuất, thu hoạch cà phê nhân làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình chế biến.
Đây là một yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của các sản phẩm cà phê chế biến sau này. Bởi chỉ có những hạt cà phê tươi được trồng và chăm sóc đúng kĩ thuật, thu hoạch đúng thời điểm, đem về phơi khô đúng độ cần thiết thì mới có thể tạo nên được các sản phẩm có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh lớn. Chính vì vậy các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi kiểm tra giám sát từ những hoạt động ban đầu này. Điều này đặc biệt quan trọng khi xét tới cà phê rang xay (cà phê bột pha phin kiểu truyền thống), nó thường không có nhiều thay đổi trong thành phần chất lượng mà chủ yếu là magn hương vị cố hữu của cà phê
nguyên chất chính vì vậy chất lượng cà phê nhân làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất và chế biến là yếu tố quan trọng hàng đầu.
• Trình độ công nghệ kĩ thuật, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư, trình độ nhân sự, quản lí…
Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của cà phê chế biến Việt Nam. Việc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy mới, cố gắng tìm tòi đổi mới kĩ thuật, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, chất lượng nguồng nhân lực cũng góp phần giúp cho bản thân các doanh nghiệp cũng như các sản phẩm cà phê chế biến của doanh nghiệp có thêm nhiều ưu thế trong việc cạnh tranh.
Ta có thể lấy ví dụ với Trung Nguyên: việc tháng 11 năm 2005 nhà máy cà phê hòa tan G7 tại Bình Dương chính thức đi vào hoạt động, Trung Nguyên hiện đang nắm giữ nhà máy có công suất sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất Việt Nam hiện nay, với công suất 3000 tấn/năm, tổng chi phí đầu tư trên 10 triệu USD. Toàn bộ dây chuyền thiết bị, công nghệ của nhà máy chuyển giao trực tiếp từ FEA, công ty hàng đầu trong chế biến thực phẩm và café hòa tan của Ý. Việc liên tục đẩy mạnh quy mô sản xuất này đã đưa sản phẩm G7 của Trung Nguyên có mặt tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường tiềm năng nhất của café G7 là Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Nhật…
Hiện nay Trung Nguyên có khoảng 2.000 công nhân làm việc cho công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên,công ty cổ phần thương mại và dịch vụ G7, công ty truyền thông bán lẻ Nam Việt tại ba văn phòng, hai nhà máy và năm chi nhánh trên toàn quốc cùng với công ty liên doanh Vietnam Global Gateway (VGG) hoạt động tại Singapore. Ngoài ra,Trung nguyên còn gián tiếp tạo ra việc
làm cho hơn 15.000 lao động qua hệ thống 1.000 quán café nhượng quyền trên cả nước.
Với chiến lược trở thành một tập đoàn kinh tế bao gồm mười công ty thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như trồng, chế biến, xuất khẩu, chăn nuôi, truyền thông, bất động sản…tập đoàn Trung Nguyên luôn bổ sung một đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, tâm huyết và sáng tạo, sẵn sàng cùng Trung Nguyên xây dựng thành một tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Việt Nam. Đội ngũ quản lý của tập đoàn Trung Nguyên hầu hết là những người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản, cùng với các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn nước ngoài. Đội ngũ nhân viên của tập đoàn Trung Nguyên luôn được tạo những điều kiện làm việc tốt nhất để có thể học hỏi, phát huy khả năng và cống hiến với tinh thần “cam kết - trách nhiệm - danh dự”. Tất cả đã góp phần tạo nên thành công cho Trung Nguyên.
Hay như với Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafé) có 53 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, trong đó có sáu doanh nghiệp chuyên doanh xuất nhập khẩu, 40 doanh nghiệp nông trường, hai doanh nghiệp chế biến cà phê thành phẩm, năm doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác. Các đơn vị đều có xưởng sản xuất, xưởng chế biến cà phê. Về nguồn nhân lực của Tổng công ty cà phê Việt Nam: tổng số cán bộ công nhân viên 26.000 người, khối sản xuất là 23.500 người, khối kinh doanh có 2.500 người. Như vậy, Tổng công ty là một doanh nghiệp có quy mô lớn, mạnh lưới kinh doanh phủ khắp cả nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ cao, có kiến thức chuyên môn sâu. Đội ngũ cán bộ này đề ra các chiến lược kinh doanh xuất khẩu cho Tổng công ty. Đội ngũ lao động sản xuất có kinh nghiệm, cần cù chịu khó, tích cực tìm kiếm áp dụng khoa học kỹ thuật. Điều đó còn giúp cho doanh nghiệp những thích ứng với sự
thay đổi của môi trường kinh doanh xuất khẩu đồng thời có thể nắm bắt được cơ hội kinh doanh. Tổng công ty cà phê Việt Nam đã trở thành một trụ cột vững chắc cho ngành cà phê Việt Nam.
• Quá trình tìm hiểu thị trường đảm bảo đầu ra cho sản phẩm
Đây cũng là một trong các nhân tố có ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của các sản phẩm cà phê của Việt Nam. Sản phẩm có đến được với người tiêu dùng hay không là nhờ vào quá trình này. Với công tác marketing, quảng cáo, khuyến mại…doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, cả hai sản phẩm cà phê bột và cà phê hòa tan của các thương hiệu nổi tiếng như Cafe Moment, Vinacafe, Nescafe, Trung Nguyên…đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và mục tiêu xa hơn đó là với người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Tóm lại, năng lực cạnh tranh của cà phê chế biến Việt Nam chịu ảnh hưởng của rất nhiều những nhân tố bao gồm cả những nhân tố thuộc môi trường vĩ mô lẫn những nhân tố thuộc bản thân của doanh nghiệp. Chúng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp hay kết hợp với nhau cùng tác động tạo nên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Chính vì vậy các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam cần thiết phải hiểu được những nhân tố và cách thức ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam để từ đó có thể tìm ra những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho cà phê chế biến khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.