Kể từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế đến nay, công nghiệp chế biến gỗ đã trải qua các giai đoạn phát triển, suy giảm gắn liền với những thay đổi của ngành lâm nghiệp nói chung.
Giai đoạn 1986-1995:
Theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý gỗ và lâm sản, gỗ được coi là một loại hàng hóa thông thường, được quản lý theo cơ chế thị trường và lưu thông tự do. Sau quá trình hợp nhất và hình thành các cơ sở chế biến gắn với khai thác và xuất nhập khẩu, đến thánh 1 năm 1990 cả nước có 62 xí nghiệp chế biến gỗ (23 xí nghiệp trung ương và 39 xí nghiệp địa phương).
Sau đó, trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần trong lâm nghiệp, các ngành, các địa phương đã phát triển tràn lan các xưởng chế biến gỗ không theo quy hoạch và kế hoạch chung của ngành thời kỳ đó, hệ quả là rừng bị xâm hại nặng nề. Vì vậy, Nhà nước đã có những quyết sách mạnh mẽ để thiết lập lại trật tự trong quản lý khai thác, chế biến và xuất nhập khẩu gỗ, lâm sản. Thực hiện Quyết định số 14/CT ngày 15/01/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giao Bộ Lâm nghiệp thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản, Bộ Lâm nghiệp (cũ) đã ban hành Thông tư số 07/LSCNR hướng dẫn thực hiện Quyết định số 14/CT. Theo đó, ngành lâm nghiệp đã tiến hành tổ chức quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới chế biến gỗ, lâm sản cho các ngành, địa phương, đơn vị, đồng thời tiến hành cấp Giấy phép hành nghề chế biến gỗ cho các đơn vị đủ điều kiện. Sau đó, số lượng xí nghiệp chế biến gỗ cả nước đã giảm từ 1.600 xuống còn khoảng 600 xí nghiệp.
Giai đoạn từ 1995 đến nay:
Cuối năm 1995, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ: Lâm nghiệp; Thủy lợi; Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (nay là Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối) là cơ quan tham mưu cho Bộ về chế biến nông lâm sản.
Để hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên, kể từ năm 1995, Nhà nước đã giảm sản lượng khai thác, đồng thời khuyến khích việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ và sản phẩm chế biến từ rừng trồng, trong đó bao gồm các loại ván nhân tạo.
Tiếp sau đó, Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 24/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu sản phẩm gỗ, lâm sản và nhập khẩu gỗ nguyên liệu
Sau khi có Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ 84 giấy phép trái với Luật doanh nghiệp, thủ tục thành lập doanh nghiệp khá thông thoáng, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ hơn, sâu rộng hơn, công nghiệp chế biến, thương mại sản phẩm gỗ đã phát triển rất nhanh với những thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, công nghiệp chế biến, thương mại sản phẩm gỗ Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn chủ yếu sau:
2.11.1. Thuận lợi
(1) Môi trường chính trị xã hội của Việt Nam ổn định; hành lang pháp lý thông thoáng từ khi có Quyết định số 65/QĐ-TTg và Quyết định số 19/2000/QĐ- TTg nêu trên. Luật đầu tư nước ngoài, cùng với những ưu đãi đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh đầu những năm 2000, đồ gỗ nội thất sản xuất tại một số quốc gia gần Việt Nam có nguy cơ bị kiện bán phá giá. Nhiều Tập đoàn đã chuyển sang đầu tư vào Việt Nam, nơi có hệ thống cảng biển thuận lợi.
(2) Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tranh thủ được nguồn lực trong nước, kể cả Việt kiều, tạo ra khả năng về tài chính, công nghệ-thiết bị và cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Đài loan…
(3) Giá nhân công lao động tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt người Việt Nam có kỹ năng về tay nghề tương đối khéo léo. Tuy nhiên, giá nhân công hiện nay không còn là lợi thế của Việt Nam.