Giải pháp phòng ngừa nợ xấu

Một phần của tài liệu Thực trạng nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Thanh Xuân (Trang 65 - 69)

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ ngân hàng

Để đáp ứng yêu cầu kinh doanh ngân hàng trong điều kiện hội nhập quốc tế, chi nhánh cần đào tạo các cán bộ có khả năng nghiệp vụ cao, phẩm chất đạo đức tốt và cần chú ý hơn nữa trong vấn đề đào tạo nghiệp vụ quản lý nợ và khả năng dự báo rủi ro cho cán bộ tín dụng. Nền kinh tế luôn có nhiều biến động và thay đổi, việc cập nhập các kiến thức mới cung cấp cho các cán bộ tín dụng sẽ giúp nâng cao trình độ trong việc đánh giá, đo lường, phân tích, kiểm soát rủi ro tín dụng. Nhưng số lượng khóa học nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ do chính chi nhánh tổ chức còn quá ít, chủ yếu là tham gia các buổi tập huấn do Agribank TW tổ chức. Vì vậy chi nhánh cũng cần mở nhiều khóa học nghiệp vụ có chất lượng; nhất là khi có sự biến động tiêu cực của môi trường kinh doanh, chi nhánh cần cung cấp kịp thời kĩ năng xử lý nghiệp vụ phù hợp

- Nâng cao chất lượng thẩm định trước khi ra quyết định cấp tín dụng

Trong quá trình thẩm định của cán bộ tín dụng, cần đặc biệt quan tâm đến thẩm định tư cách khách hàng vì điều này có ảnh hưởng rất lớn đến thiện chí hoàn trả

tiền vay của khách hàng. Và để kiểm chứng những thông tin tài chính do khách hàng cung cấp, chi nhánh cần có sự liên thông với các cơ quan khác như Thuế, Hải quan,.... Việc làm này có điểm thuận lợi sau: Các doanh nghiệp sẽ hạn chế đưa ra các thông tin sai lệch với tình hình thực tế của mình. Nếu họ đưa ra báo cáo với lợi nhuận âm hoặc thấp, khi chi nhánh kết hợp với Cơ quan Thuế trong quá trình thẩm định, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn. Còn nếu họ đưa ra một bản báo cáo đẹp, thuế họ phải nộp sẽ cao hơn thực tế. Sự liên thông với các cơ quan này sẽ giúp các cán bộ tín dụng có các đánh giá chuẩn xác về doanh nghiệp, hạn chế việc khai khống trong các báo cáo của doanh nghiệp, và giúp nhà nước gia tăng khoản thu ngân sách.

- Cần coi trọng việc kiểm tra, giám sát sau khi cho vay

Cán bộ tín dụng kiểm tra các khoản vay bằng cách tiếp tục thu thập thông tin về khách hàng, thường xuyên giám sát và đánh giá xếp loại khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống rủi ro có thể phát sinh. Đặc biệt, đối với các khách hàng có dư nợ lớn, cán bộ tín dụng ngoài việc theo dõi thường xuyên cần phải dự trù các phương án để chủ động ngăn ngừa phát sinh nợ xấu.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cho vay của các cán bộ tín dụng

Chi nhánh tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nguyên tắc, thủ tục cho vay và cấp tín dụng khác, tránh xảy ra sự cố gây thất thoát tài sản đồng thời tìm kiếm những xu hướng tiềm ẩn tiêu cực, bất ổn và thiếu xót trong hoạt động cho vay để đưa ra biện pháp chấn chỉnh.

- Cán bộ ngân hàng khuyến khích khách hàng mở tài khoản tại chi nhánh của mình

Việc này sẽ giúp chi nhánh theo dõi phần nào tình hình hiện tại của khách hàng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Ví dụ: khi thấy có sự sụt giảm bất thường số dư tài khoản tiền gửi tại chi nhánh, cán bộ tín dụng sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và sẽ có những phản ứng mau lẹ, hiệu quả. Trong trường hợp nợ xấu phát sinh, chi nhánh sẽ dễ dàng phong tỏa tài khoản.

- Phòng ngừa nợ xấu thông qua việc mở rộng các nghiệp vụ phái sinh, nghiệp vụ chứng khoán hoá bảng tổng kết tài sản của ngân hàng

+ Chứng khoán hóa các khoản cho vay và các tài sản khác: là việc ngân hàng đem tài sản nội bảng chưa đến hạn bán cho những người đầu tư dưới hình thức phát hành chứng khoán. Thông qua công nghệ chứng khoán hóa tài sản ngân hàng có thể giảm được thời lượng của danh mục đầu tư; tăng khả năng thanh khoản của tài sản; giúp ngân hàng đa dạng hóa, giảm rủi ro, giảm các chi phí đối với việc giám sát khoản cho vay.

+ Các công cụ tài chính phái sinh: là các hợp đồng tài chính bảo vệ người thụ hưởng trong trường hợp các khoản nợ không thể được thanh toán, có thể được sử dụng hiệu quả trong việc giảm rủi ro phát sinh nợ xấu cũng như giảm rủi ro lãi suất của ngân hàng.

• Hợp đồng trao đổi tín dụng: Thông qua loại hợp đồng này, ngân hàng có thể nâng cao tính đa dạng hoá của danh mục cho vay, đặc biệt nếu các ngân hàng hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ đó phân tán rủi ro sẽ hạn chế được các khoản nợ xấu phát sinh.

• Hợp đồng quyền tín dụng: nó sẽ là công cụ bảo vệ ngân hàng trước những rủi ro chi phí vay vốn tăng do chất lượng tín dụng của ngân hàng giảm. Khi ngân hàng lo ngại về chất lượng tín dụng của một khoản cho vay, ngân hàng có thể ký hợp đồng quyền tín dụng với một tổ chức kinh doanh quyền. Nếu như khách hàng vay vốn trả nợ như kế hoạch, ngân hàng sẽ thu được những khoản thanh toán như dự tính và hợp đồng quyền sẽ không được sử dụng, như vậy ngân hàng sẽ mất toàn bộ chi phí trả trên hợp đồng quyền. Song hợp đồng này sẽ đảm bảo thanh toán toàn bộ khoản cho vay nếu như khoản cho vay này giảm giá đáng kể hoặc không thể được thanh toán. Ngân hàng cũng thực hiện các hợp đồng quyền tương tự để bảo vệ danh mục đầu tư trong trường hợp những tổ chức phát hành không thể hoàn thành trách nhiệm thanh toán hoặc trong trường hợp giá trị thị trường của các khoản chứng khoán giảm sút đáng kể do chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành thay đổi. Ngoài ra, hợp đồng quyền tín dụng cũng có thể được sử dụng để bảo vệ ngân hàng trước những rủi ro chi phí vay vốn tăng do chất lượng tín dụng của ngân hàng giảm. Khi ngân hàng lo ngại rằng mức xếp hạng tín dụng của khoản vay có thể giảm trước khi ngân hàng phát hành

các trái phiếu dài hạn để huy động thêm vốn, và do vậy ngân hàng có thể bị ràng buộc phải trả một mức lãi suất huy động vốn cao hơn. Một giải pháp trong hoàn cảnh này là ngân hàng mua hợp đồng quyền bán với mức chênh lệch lãi suất cơ bản cam kết trong hợp đồng được xác định là mức phổ biến trên thị trường hiện tại áp dụng đối với mức rủi ro tín dụng hiện tại của ngân hàng. Giống như các hợp đồng quyền khác, hợp đồng quyền rủi ro tín dụng cũng mang mức chênh lệch lãi suất cơ bản. Hợp đồng quyền sẽ thanh toán toàn bộ phần chênh lệch mức lãi suất cơ bản thực tế (so với một chứng khoán không có rủi ro) vượt trên phần lãi suất cơ bản được thoả thuận. • Hợp đồng trao đổi các khoản tín dụng rủi ro: Thông qua những người môi

giới, ngân hàng sẽ mua một hợp đồng quyền bán đối với một bộ phận danh mục cho vay hoặc danh mục đầu tư nhằm ngăn chặn tổn thất do giá trị tài sản giảm.

- Xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro đối với các khoản nợ

Việc cảnh báo sẽ tập trung vào việc đánh giá rủi ro tín dụng và từ đó có thể tính toán mức độ phù hợp của vốn hoặc các quỹ dự phòng để trang trải các khoản lỗ về tín dụng. Cán bộ ngân hàng thực hiện phân tổ rủi ro tín dụng nghĩa là danh mục khoản cho vay của ngân hàng được chia thành các nhóm để phục vụ mục đích quản lý sao cho có hiệu quả, hạn chế rủi ro đến mức có thể. Ví dụ: khi ngân hàng thực hiện việc phân tổ này sẽ tránh được các khoản nợ xấu bằng cách từ chối cấp hạn mức tín dụng nếu thấy khách hàng có rủi ro mất khả năng thanh toán. Đồng thời, phân tổ rủi ro tín dụng sẽ phục vụ ngân hàng trong việc lập dự phòng về các tổn thất liên quan đến các khoản nợ xấu dựa trên đánh giá và xem xét lại khoản vay theo định kỳ, thông thường là dựa trên quá trình quan hệ tín dụng của một khách hàng vay hay một nhóm khách hàng để bù đắp tổn thất khi rủi ro phát sinh, đảm bảo mức độ đầy đủ vốn đối với các khoản nợ xấu để thực hiện các yêu cầu về an toàn vốn theo quy định của pháp luật.

Hệ thống này phải bao gồm các thủ tục và quy trình thích hợp để xây dựng một hệ thống cảnh báo toàn diện. Một quy trình cảnh báo sớm điển hình bao gồm rất nhiều các yếu tố cơ bản, trong đó tính đầy đủ, cập nhật và chính xác của thông tin là yếu tố then chốt.

- Cơ cấu lại bộ máy tổ chức đối với hoạt động tín dụng

Chi nhánh nên phân cán bộ tín dụng thành các nhóm chuyên về khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, hoặc chuyên về cho vay tiêu dùng hay cho vay SXKD, để nâng cao sự chuyên sâu trong từng đối tượng khách hàng, từng lĩnh vực.

Một phần của tài liệu Thực trạng nợ xấu tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Thanh Xuân (Trang 65 - 69)