TỪ GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC LỜI THƠ.
3.3.2. Thủ pháp trùng điệp.
Trùng điệp là một hình thức thường gặp trong sáng tạo văn chương, nhất là trong thơ. Về thực chất, trùng điệp là cách tổ chức lời thơ theo nguyên tắc lặp lại, láy lại các đơn vị khác nhau của văn bản, nhằm tạo ra những ý nghĩa mới cho văn bản, mà khi tách riêng các đơn vị đó không hề có được. Hiệu năng của thủ pháp nghệ thuật này là rất lớn. Chính vì vậy, nó được dùng khá phổ biến trong thơ, ngay cả thơ cách luật - một thể loại mà mọi tìm tòi sáng tạo luôn bị chế ước bởi những nguyên tắc, luật lệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế không phải nhà thơ nào cũng có ý thức sử dụng trùng điệp như một thủ pháp nghệ thuật để tổ chức lời thơ. Việc sử dụng thủ pháp trùng điệp trong thơ hoàn toàn là một vấn đề mang tính chủ quan, gắn liền với ý đồ nghệ thuật, tài năng, cá tính sáng tạo của nhà thơ.
Trong thơ văn xuôi, bên cạnh thủ pháp so sánh, trùng điệp cũng là một thủ pháp được sử dụng nhiều, góp phần tạo nên dấu ấn một phong cách thơ. Trên đại thể thủ pháp trùng điệp có thể chia làm bốn dạng thức: điệp câu,
điệp ngữ, điệp từ, điệp cú pháp. Vị trí xuất hiện của các yếu tố trùng điệp
cũng rất khác nhau: có khi điệp liên tục trong một đoạn thơ; có khi điệp cách quãng tương ứng đầu, cuối mỗi đoạn; có khi yếu tố trùng điệp lại ở vào vị trí nối tiếp nhau giữa hai câu thơ - đoạn thơ. Không ít trường hợp, trong một bài thơ cùng xuất hiện nhiều hình thức trùng điệp khác nhau. Chẳng hạn như bài
Em yêu anh như tháng giêng của Phạm Thị ngọc Liên:
Em sẽ yêu anh như tháng giêng thương nhớ. Ôi tháng giêng, tháng giêng, tháng giêng. Tháng lộng lẫy của cả mười hai tháng, tháng tiếng hát của các loài chim, tháng vương miện các loài hoa, tháng hạnh phúc trăm thứ
quả...Tháng giêng dài như sông, tháng giêng rộng như biển. Tháng giêng chở những lời tha thiết - nói rằng Em yêu anh, yêu anh...
Ngoài điệp từ “tháng giêng”, bài thơ còn có hiện tượng điệp cú pháp. Trong một bài thơ ngắn mà có tới sáu lần điệp cú pháp, thể hiện độ căng của cảm xúc của nhân vật trữ tình, nhấn mạnh được ý nghĩa biểu đạt của lời thơ, tạo nên tính nhạc cho bài thơ. Ấn tượng manh mẽ nhất mà bài thơ mang lại là một tiếng nói trữ tình tinh tế, chứa đựng một cảm xúc ngập tràn, dào dạt, tha thiết, không kém phần mãnh liệt, nhưng cũng hết sức tinh tế, yêu kiều.
Nếu hình dung bài thơ là một bản nhạc không lời, thì chủ đề âm nhạc đã được hé mở ngay từ giai điệu đầu tiên, một giai điệu tha thiết, sâu lắng. Sau giai điệu mở đầu, hình tượng âm nhạc đã phát triển mở rộng với những hình thức mới, tiếp đó lại trở về với giai điệu chủ âm bằng việc lặp lại một kiểu cú pháp. Nhạc điệu bài thơ vận động, phát triển dựa trên nền một giai điệu chủ âm xuất hiện từ đầu. Niềm khát khao được dâng hiến trái tim tình yêu không chỉ được biểu hiện bằng hình tượng thơ ca, mà còn bằng cả hình tượng âm nhạc, nhờ thủ pháp trùng điệp lời thơ, lặp lại điệu tính. Điệp khúc “tháng giêng” thực sự đã trở thành một giai điệu chủ âm, làm nền cho bản nhạc, có sức ám gợi mạnh mẽ, đi về trong tâm tưởng mỗi người đọc, người nghe. Trong thơ văn xuôi 1975 - 2000, hình thức trữ tình này còn thấy rõ trong một số bài thơ như: Những ví dụ của Nguyễn Quang Thiều, Nhật thực của Lê Huy Mậu, Khối vuông Rubích của Thanh Thảo, Hát với vùng than quê hương của Trần Tâm, Tình yêu không lời hứa của Vũ Duy Thông...Mỗi bài
thơ mang một vẻ đẹp riêng về ý, tứ, nhưng lại tỏ ra gần nhau trong hình thúc trùng điệp lời thơ.
Ở một hình thưc thể hiện khác, các yếu tố trùng điệp trong bài thơ lại được bài trí theo kiểu đan xen, vừa điệp cú pháp, vừa điệp câu theo hình thức lặp lại ở đầu, cuối mỗi đoạn thơ một cách đều đặn, mang đến cho bài thơ một
âm điệu du dương, trầm bổng. Mỗi đoạn thơ là một biến tấu, vừa là yếu tố trong chỉnh thể hình tượng, vừa có tính độc lập tương đối, chuyển tải một ý tưởng của nhà thơ:
Tôi yêu vùng than quê tôi như người con trai yêu người con gái. Yêu cháy lòng cả cái không ngoan lẫn điều khờ dại. Nơi tôi có những mùa xuân mưa như hoa dâu da bay. Những cơn giông ròng, mưa quất như ném sỏi. Tôi yêu em từ một mùa than sóng nổi. Những mùa trăng tầm thấp, tầng cao đêm sáng như ngày. Huyền thoại trở về trong lớp lớp mây bay.
Tôi yêu vùng than quê tôi, không như người con trai yêu người con gái. Vì than, tôi có thể ra đi, trở về, nằm lại. Tôi muốn có nhiều, rất nhiều người yêu vùng than quê tôi, khi tầng mỏ khó khăn dồn về như mưa dội. Không ghen tuông. lườm nguýt, giận hờn. Tôi kề vai cứu máy, cứu tầng mà tầng máy. Vùng than với người như tim phổi.
Tôi yêu vùng than cả khi những khó khăn đời thường ập vào tôi gằn hắt. Vợ chồng giận nhau không thèm nhìn mặt. Đồng tiền trượt giá như lốp xe quay trên đường trơn. Đêm mất điện, mỏ im, khiến tôi cảm thấy mình bé lại. Xe máy thiếu dầu, thiếu điện, khao khát phụ tùng như nỗi mong tình yêu hẹn cùng cô gái. Sắp qua lứa hoa rồi. Ba bốn mươi năm trời đứng mãi tuổi ba mươi.
( Hát với vùng than quê hương, Trần Tâm).
Đọc đoạn thơ ta dễ dàng nhận ra sự trùng điệp trong mỗi đoạn thơ. Chính sự trùng điệp tạo nên sự liên kết, vận động của cảm xúc trong đoạn thơ, tạo nên tính thống nhất, chỉnh thể cho hình tượng bài thơ. Những tình cảm mà nhà thơ dành cho vùng than quê hương được diễn tả một cách tinh tế bằng những lời thơ trang nhã và một giai điệu thiết tha, nồng ấm.
Hình thức trùng điệp câu thơ còn xuất hiện ở dạng thức điệp theo nguyên tắc lặp lại. Ý tứ bài thơ dường như đã kết tinh vào những câu thơ
trùng điệp, giọng điệu bài thơ triền miên trong một dòng suy tưởng, dẫn dắt con người vào một thế giới suy tư, suy ngẫm về thế sự, về cuộc đời:
Tôi xoay những ô vuông. Tôi cần gì ư? Có thể cần tất cả, có thể chỉ cần cảnh củi để nhen lên ngọn lửa khi thiếu lửa. Một màu rơm tươi gợi nhớ mùa gặt, mùi vỏ bào dẫn ta về những cánh rừng mùa khô, khoảng trống nhỏ đủ hình dung bầu trời, thoáng nhìn cửa ánh chớp định hình sự vật mà nó soi sáng, một bông hồng dầu dãi không tàn úa giữa những bố cục kỳ quặc nhất của thế kỷ hai mươi...Chúng ta xoay mình trên đất, trên gỗ, trên sắt thép, trên giấy, trên con người...chúng ta xoay còn nhanh hơn rubíc trong trong bàn tay nhà vô địch.
Tôi xoay những ô vuông. Đây quả táo chỉ vừa miệng một cháu bé, cháu ăn và nhằn ra cái hạt. Tôi giữ lấy đem gieo. Sang năm, nó sẽ nảy lên một cây táo non. Không nhu cầu tự thân của cái sống làm nảy lên cây táo non, làm nảy lên nghệ thuật.
Tôi xoay những ô vuông. Nhớ hồi mới tập làm thơ, tôi được một nhà thơ đi trước biếu không bài học này : “ Làm thơ khó lắm!” Hình như lúc nói câu ấy, anh ta có vẻ mặt rất nghiêm, mũi phồng lên và hơi đỏ - biểu hiện của sự tập trung - mãi sau này, mỗi khi viết có nguy cơ thành quen tay, tôi lại giật mình nhớ lời cảnh cáo đanh thép : “ Làm thơ khó lắm! ” Mặc dù phát từ miệng một nhà thơ chuyên sản xuất những vần thơ dễ dãi, câu nói đó đã là điều tâm niệm, ít nhất với riêng tôi.
Tôi xoay những ô vuông. Chúng tôi cùng đứng trên bãi cỏ , dưới nắng gắt. Có một tiếng nói:
- Anh viết đi !
- Nhưng trước hết, cô gái này cần những bàn tay giúp đỡ, đưa cô về sống như mọi người. Với mọi người. Sau đó , tôi sẽ viết.
- Tại sao không phải là anh chìa bàn tay ra trước nhất, anh và những bài văn bài thơ của mình.
- Tôi hiểu, nhưng chuyện này phức tạp lắm, mong anh thông cảm.
- Các anh khôn thật, ở những chỗ lội, các anh đều tìm cách tụt lại sau, cho chắc ăn...trong khi bao giờ cũng có lội nước đi trước.
Tôi xoay những ô vuông. Bản Xônát Kroize của Béttôven. Cái đẹp quyết liệt, cường tráng, ngự trị. Cái đẹp là sự thật. “ Thà đi tìm kiếm sự thật suốt một đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Có phải Phiđrich En-ghen từng nói vậy. Và người đã thức biết bao đêm. Với ngọn đèn dầu, Người đến sự thật. Với hai bàn tay không. Người chạm tới cái đẹp vĩnh cửu.
Tôi xoay những ô vuông. Làm sao tính toán được hạnh phúc? Anh có thể xoay các ô vuông, tìm các màu sắc, nhưng anh hãy chỉ tôi xem : ô vuông nào cất giữ hạnh phúc, màu sắc nào tượng trưng hạnh phúc?
Làm sao tính toán được thơ. Anh hãy chỉ tôi xem; ô vuông nào hàm chứa thơ, màu sắc nào tiêu biểu thơ? Có một sự trung hợp giữa thơ và hạnh phúc. Ngẫu nhiên, đùa cợt, nghiêm chỉnh, những sai số cực kỳ lớn cho mỗi dự định, những cú phản phê, những trò oái oăm dành cho những kẻ vào đây với cái đầu lạnh lùng hòng sắp xếp mọi nấc thang thành đạt.
Còn tôi, như người đi câu nghiệp dư, tôi buông cần và giật vung mạnh mỗi lần thấy phao động đậy. Có thể mười lần giật tôi chỉ được một lần, với tôi như thế là thắng rồi.
(Khối vuông Rubích, Thanh Thảo)
Trong nghệ thuật thơ ca, trùng điệp là thủ pháp nghệ thuật đã được dùng từ rất lâu và có tính phổ biến ở nhiều hình thức thơ ca. Thơ văn xuôi cũng không nằm ngoài sự bao quát chung đó.
Ngoài những hình thức trùng điệp trên đây, trong thơ văn xuôi 1975 - 2000 còn xuất hiện khá nhiều hình thức điệp từ, điệp ngữ. So với hình thức
điệp câu, vị trí xuất hiện của những điệp từ, điệp ngữ có phần phong phú, đa dạng hơn. Có lúc vị trí trùng điệp nằm ngay ở mỗi đầu câu thơ, nhưng cũng có không ít trường hợp nó lại nằm rải rác trong bài thơ. Lối trùng điệp này có tác dụng nhấn mạnh một ý tưởng hay một trạng thái cảm xúc cụ thể nào đó của chủ thể trữ tình trước đối tượng. Tiêu biểu cho hình thức trùng điệp này là các bài thơ như: Tình yêu không lời hứa của Vũ Duy Thông, Những ví dụ của Nguyễn Quang Thiều, Em yêu anh như tháng giêng của Phạm Thị Ngọc Liên...
Em nói cùng anh em chẳng hứa hẹn gì. Chỉ trao anh điều hôm nay mình có. Cành di lăng vì anh em ngước nhìn lên. Vụn hoa xà cừ vì anh em quỳ xuống cỏ. Bông hồng cuối cùng hái giấu mẹ cha đến nơi gặp gỡ. Em đặt bên đường đi, nơi anh lỡ hẹn về.
Em nói cùng anh em chẳng hứa hẹn gì. Chỉ trao anh điều hôm nay mình có. Giọt nước mắt rơi giấu giếm trong đêm.Tiếng chuông đồng hồ bao lần mất ngủ. Vườn hoa góc hồ lá tối sẫm màu. Con tàu đến miền xa. Thanh chắn đường và mảnh giấy bay vèo qua cửa.
Em nói cùng anh em chẳng hứa hẹn gì. Pháo giao thừa trái đất như rạn vỡ. Giao thừa giã từ thời thiếu nữ. Em tung tăng chạy nhảy giữa cỏ mềm. Hà Nội mờ trong khói xanh lam. Hà Nội từ mai khô cằn xưa cũ. Anh hiện tại anh cũng là quá khứ. Ngày tháng tư mai lũ lượt kéo nhau đi.
Cùng anh em héo tàn. Cùng anh em rực rỡ. Lặng im không hứa hẹn gì.
(Tình yêu không lời hứa, Vũ Duy Thông) Bàn về thơ, nhìn từ góc độ cấu trúc ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho rằng: “Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt
người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.” Theo cách hiểu đó, lối trùng điệp trong thơ văn xuôi
chuỗi suy tư bằng cảm xúc trong tâm hồn nhà thơ, góp phần tạo nên một “ma
thuật âm thanh” có sức ám gợi trong tâm hồn người đọc. Những tư tưởng triết
lí thâm trầm, những tình cảm tha thiết, mãnh liệt đã được thể hiện không phải chỉ bằng những hình ảnh, những biểu tượng nên thơ mà còn bằng cả nhạc tính của câu thơ, bài thơ, một thứ nhạc tính được tạo nên không dựa trên nguyên tắc láy âm (phối âm, hiệp vần, hài thanh) như trong thơ cách luật cổ điển, mà dựa vào sự trùng điệp. Đó là thứ nhạc tính mà nói theo cách của Tố Hữu là “vang lên trong chữ, tiếng vang của cả những khoảng cách, giữa những chữ, những dòng”, là “sự im lặng giữ những câu từ”. Nói cách khác, đóa là sự cộng hưởng giữa những dòng, những chữ mà thủ pháp trùng điệp đã tạo nên. Theo như R. Tagore, một nhà thơ có những tác phẩm thơ văn xuôi nổi tiếng, người đã viết nhạc cho những lời thơ, tạo nên sự hòa phối giữa hình ảnh và âm thanh, ngôn từ và giai điệu, đưa tâm hồn con người siêu thoát vào một thế giới tinh thần thuần khiết, thì đó là thứ âm nhạc được tạo nên không phải “từ một chuỗi âm thanh nối tiếp nhau”, mà là từ “một ý nhạc” được nảy sinh “trong lòng chuỗi âm thanh”. Ông viết: “Một chuỗi giản đơn những âm thanh nối tiếp nhau không làm nên âm nhạc và bài ca chỉ được sáng tạo nên một khi có một ý nhạc nảy sinh từ lòng chuỗi âm thanh. Niềm tin của chúng ta ở cái thực tế vô biên của sự hoàn thiện chính là cái ý nhạc đó”.
Trên đây là hai thủ pháp nghệ thuật tiêu biểu trong thơ văn xuôi 1975 - 2000 có ảnh hưởng lớn đến cảm hứng chủ đạo của thơ văn xuôi giai đoạn này. Hiệu ứng thẩm mỹ mà những thủ pháp nghệ thuật ấy tạo nên là hết sức lớn lao, không chỉ tạo cho thơ văn xuôi sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện mà còn đem đến một khả năng khơi gợi mạnh mẽ tâm hồn người đọc. Nó góp phần mang đến cho thơ văn xuôi một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của một sự kết hợp hài hòa giữa thơ và văn xuôi. Mỗi bài thơ văn xuôi có một sức cuốn hút riêng,
giúp con người nhìn rõ hơn, thấm thía hơn hiện thực cuộc sống, lý giải hiện thực, lý giải về sự sống, cái chết...
Lịch sử phát triển của thơ ca hiện đại đã chứng kiến những tìm tòi, thể nghiệm theo nhiều chiều hướng khác nhau, mà một trong những thể nghiệm ngày càng được khẳng định là đưa chất trí tụê vào thơ, dân chủ hóa hình thức thể hiện, mở rộng những vùng giao thoa giữa thơ và các thể loại khác. Thơ không chỉ để tỏ bày nỗi niềm, giải tỏa những dồn nén cảm xúc, mà còn khám phá, lí giải muôn mặt cuộc sống con người. Với cách nhìn ấy, thơ vă xuôi 1975 - 2000 đã hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của thơ ca hiện đại, vượt ra khỏi những rào cản của thơ ca truyền thống, giải phóng tới mức tối đa dòng cảm xúc cá nhân, cá thể, với sự xuất hiện một cái tôi trữ tình kiểu mới. Nhà thơ không tự giam mình trên đỉnh thi sơn, mà sống trong cõi đời với đầy đủ bổn phận, trách nhiệm của một con người.
* * *