Đại thắng mùa xuân 1975 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân ta: đất nước thống nhất, non sông liền một dải, một kỷ nguyên mới mở ra cho dân tộc.
Nhưng thực tế thì mọi ý nguyện diễn ra không dễ dàng và đơn giản. Ba mươi năm chiến tranh để lại bao khó khăn, phức tạp, đời sống thiếu thốn, nhếch nhác và cả những mệt mỏi thường tình hiện về dưới nhiều dạng vẻ.
Nói rằng chiến tranh đã kết thúc, nhưng biên giới Tây Nam và phía Bắc, tiếng súng vẫn không ngừng, máu của đồng bào ta, chiến sỹ ta vẫn còn đổ. Bao nhiêu cuộc tiễn đưa, bao nhiêu gia đình lại li tán. Rồi những thế lực phản động bên ngoài tìm mọi cách kích động, xuyên tạc , bao vây, cô lập chúng ta giữa những ngổn ngang của thời kì hậu chiến.
Mặt khác về chủ quan, chúng ta vẫn tiếp tục quản lí xã hội theo cách vận hành đời sống chiến tranh và đến lúc này lại được đẩy lên mức cao hơn: tập trung, quan liêu, bao cấp. Hậu quả của cơ chế này là gần mười năm sản
xuất trì trệ, kinh tế không phát triển, đời sống nhân dân không được cải thiện. Từ đấy tâm tư, tình cảm của con người phân tán, bức tranh xã hội tiêu điều, chân dung đất nước mờ nhạt với thế giới bên ngoài. Lúc này vấn đề chiến tranh, vấn đề số phận đời tư, vấn đề đạo đức nhân cách, những kiểu tư duy, làm ăn cũ đều được nhìn nhận lại, phát hiện lại với ý nghía nhân văn mới.
Đây là thời kì của những dư âm anh hùng, cao cả, nhưng đã bộc lộ những bất ổn, những đổi thay, những mâu thuẫn, xung đột gay gắt: giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cái đúng hợp quy luật và cái lỗi thời trái tự nhiên, hài hước,...Đó là nguồn đề tài phong phú cho văn học nói chung. Tuy vậy trong khi văn xuôi tỏ ra nhạy bén hơn trong việc phản ánh hiện thực thì thơ nói chung vẫn mê mải trên những nẻo đường quen thuộc: viết về chiến tranh ở đầu biên giới hay hướng đến đời sống hòa bình, lao động xây dựng thì cảm hứng ngợi ca là cảm hứng chủ yếu. Phải ít năm sau, sang đầu những năm tám mươi, trong thơ mới có những chuyển biến rõ rệt và điều ấy trước hết được thể hiện ở một số tập thơ được giải thưởng văn học hằng năm của Ban sáng tác Hội nhà văn (nay là giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam): năm 1979: Dấu chân qua trảng cỏ của Thanh Thảo; năm 1980: Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh; năm 1981: Một góc quê hương của Chim Trắng; năm 1983: Bài thơ không năm tháng của Lâm Thị Mỹ Dạ, Những điều cùng đến của Vũ Quần Phương, Trăng phù sa của Võ Văn Trực; năm 1984: Ánh trăng của Nguyễn Duy; năm 1985: Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi, Hoa trên đá của Chế Lan Viên, năm 1986: Tiếng hát tháng giêng của Y Phương, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm của Nguyễn Khoa Điềm.
Nhìn chung, mười năm sau chiến tranh là quán tính của thơ cách mạng. Đời sống nhân dân, thân phận nhà thơ không xót xa trước tình cảnh chung của đất nước, nhưng thơ vẫn ca hát theo những cảm hứng vui tươi. Nhà thơ và thơ, thân xác và tâm hồn, đời sống và nghệ thuật cứ có những nghịch âm
trong một hợp xướng...Thế nhưng, ở chiều sâu của một quá trình chuyển động thực tế thơ đang có những phương thức biểu hiện mới. Do tự thân phát triển của thơ, do nhu cầu đổi mới của nhà thơ, thơ hướng về cá nhân chiêm nghiệm và đối thoại với chính mình, với cuộc sống. Có những nhà thơ đã nhận ra những bất cập và ân hận. Nguyễn Duy xót xa, tâm tình mà tự vấn: “Lúc này tôi làm thơ tặng em - Em có nghĩ tôi là đồ vô dụng? - Vô dụng lấy đi của cuộc sống những gì? - Và trả lại được gì cho cuộc sống? - Em có nghĩ tôi là con chích chòe - Ăn và gại mỏ? - Em có nghĩ tôi là tay chuyên sản xuất hàng giả” (Đánh thức tiềm lực)
Từ những nhận thức ấy các tập thơ tiêu biểu của thời kỳ đã có thay đổi: đề tài chiến tranh, đất nước, nhân dân anh hùng ,...chuyển dần sang cuộc sống đời thường, thơ bớt tả đi mà đi sâu biểu hiện tâm trạng cá nhân, cái tôi trở thành trung tâm của cảm hứng sáng tạo, hình thức thể hiện phong phú, nhiều tìm tòi. So với trước, thơ sau 1975 xuất hiện một tư duy nghệ thuật mới: cảm hứng nghệ thuật bắt nguồn từ chính số phận và kinh nghiệm của cá nhân nhà thơ. Thơ đã có một cái nhìn mới. Câc mặt, các khía cạnh khác nhau của hiện thực được soi rọi bằng một nhận thức mới. Nhận thức trong thơ đa dạng, đa chiều cả về nội dung và nghệ thuật. Tất nhiên sự xuất hiện một tư duy nghệ thuật mới, có tính lịch sử, phụ thuộc vào yêu cầu của thời đại, của người đọc và cả chính bản thân chủ thể sáng tạo. Nguyễn Đức Mậu viết: “Sau chiến tranh và những năm gần đây, thơ bắt nhịp cuộc sống mới đa chiều, phức tạp hơn. Cảm hứng ngợi ca trong thơ hôm nay dường như lắng lại, thay vào đó là dòng thơ mang chính nội tam của tác giả, trước sự bề bộn, lo toan của đời thường. Nhà thơ hướng vào nội tâm, lấy cái tôi làm chủ đạo. Sự đổi mới trong thơ hiên nay là trở về với bản chất vốn có của thơ, tạo ra giọng điệu thích hợp với thời đại mình sống” (Sự đổi mới trong thơ - Nhân dân chủ nhật, ngày 26 - 11 - 1989).
Nhìn chung, phong trào sáng tác thơ sau 1975 đã dần trở lại gắn bó hơn với cuộc sống hiện tại. Khoảng cách giữa thơ với nhà thơ được khỏa lấp. Những vấn đề mà trong chiến tranh thơ không đụng đến, hoặc có gợi lên thì vẫn nhằm tới lợi ích cộng đồng, bây giờ được khơi sâu, nhấn mạnh, khẳng định: nỗi buồn riêng, thân phận cá nhân, những phía chìm, mặt khuất của thế giới nội tâm, vấn đề muôn thủa của con người,....Thơ lúc này không phải chỉ là tả, là kể, trình bày, mà là biểu hiện hiện thực bằng những tâm trạng, những cá tính sáng tạo độc đáo, nhờ vậy vừa phản ánh cuộc sống, thơ vừa đi vào tầng sâu, vùng xa của tình cảm con người.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, hào quang chiến thắng, tiếng kèn và cờ hoa thắng trận bớt rực rỡ, ồn ào. Sau một quãng lùi lịch sử, một khoảng cách về thời gian, dòng sử thi nhạt dần, bớt đi khí vị anh hùng cao cả đầy màu sắc lãng mạn mà trở nên thâm trầm, sâu lắng hơn với những sắc màu và bình diện mới. Con người sử thi vốn vẫn tồn tại trong vô vàn các quan hệ và các bình diện: tập thể - cá nhân, lý tưởng - hiện thực, tiền tuyến - hậu phương, sống - chết, được - mất, cho - nhận, cống hiến - hưởng thụ, vì người - vì mình, lý tưởng chung - số phận riêng..., nếu trước đây con người ấy được nhìn nghiêng về mặt dân tộc, tập thể, lý tưởng, chiến trường, cống hiến...thì giờ đây những cảm nhận đã nghiêng về trục đối lập. Cảm hứng trữ tình chuyển từ tự hào, ca ngợi, chiêm ngưỡng xuống lắng đọng suy tư. Không gian chuyển từ rộng sang hẹp, từ không gian lịch sử sang không gian đời tư. Những vấn đề sử thi chuyển dần sang màu sắc thế sự. Cái nhìn chuyển từ vĩ mô xuống vi mô, từ cao xuống thấp, từ số phận chung của đất nước, dân tộc đến số phận những con người cụ thể. Sự cố gắng cao giọng, lên gân mất đi, nhiệt độ cảm xúc hạ xuống. Dòng thơ sử thi thiếu đi chất hùng tráng nhưng mang lại vẻ đẹp của tâm trạng, của sự cảm nhận chiến tranh trên những cung bậc mới. Thơ chuyển từ mô tả hiện thực cách mạng sang biểu hiện hiện thực riêng tư đời thường,
thân phận cá nhân...Thực ra cảm hứng đời tư, hạnh phúc gia đình, tình yêu đôi lứa lúc này vẫn còn ngượng ngập nhưng cảm hứng thế sự đã tìm được hướng đi. Cái tôi suy tư đích thực xuất hiện trong thơ Thanh Thảo, Ý Nhi, Nguyễn Quang Thiều,...Vấn đề con người nhìn nhận, đánh giá theo những chiều hướng khác nhau, đầy đủ hơn và cũng nhân ái, nhân bản hơn. Trong tập thơ Khối vuông Rubich của Thanh Thảo xác định một thái độ với con người: “Người ta đã nhìn trái đất từ nhiều hướng và trái đất chưa bao giờ được khám phá hết. Người ta đã thăm dò con người bằng vô số cách, mà con người vẫn là một bí mật”. Vậy thì không thể giản đơn, không thể một chiều, phiến diện. Ở các bài thơ mang cảm hứng ngợi ca, con người được nhìn nhận nghiêng về bề nổi, phía hành vi trong cuộc sống quan hệ với vận mệnh dân tộc. Với cảm hứng thế sự, thơ văn xuôi chú ý phân tích, lý giải con người ở nhiều bình diện, cả bề nổi lẫn bề chìm, cả mặt ổn định lẫn dao động, biến đổi, cả phần ý thức lẫn vô thức. Các nhà thơ khao khát tìm lại mình, tìm lại những giá trị đích thực trong cuộc đời, tình yêu bằng những rung động chân thành, thông cảm, chia xẻ cùng những lo toan, trách nhiệm. Thanh Thảo xoay những ô vuông ru bích để tìm sự thật: “Cái đẹp là sự thật”, “Thà đi tìm kiếm sự thật suốt một đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”. Có phải Phriđrich Ăngghen từng nói vậy”? Xoay những ô vuông, những nhân cách xuống cấp thời chiến tranh lộ ra: Kẻ lười biếng, ích kỷ, độc ác với đồng đội. Và xoay những ô vuông là hiện tại khắc khổ, giằng co, bất lực giữa đứa con nhỏ ốm sốt và hộp sữa giá cao nửa tháng lương. Nhà thơ “bây giờ mới thấm thía câu nói đã vang lên nhiều lần trong tác phẩm của Remarque: “Cái mà nhân loại đang thiếu, chính là một lòng tốt bình thường”. Những ý nghĩ dằn vặt về con người trở đi, trở lại, lật xới tận chiều sâu cõi người.
Trong thơ hiện thực của một thời chiến trận đã được thể hiện với một quy mô và bề dày đáng kể, thông qua hình ảnh của những người lính. Người
đọc không chỉ thấy sự hi sinh gian khổ, lòng dũng cảm ngoan cường mà còn thấy được những nghĩ suy, trải nghiệm, thấy được muôn mặt tình cảm trong cuộc đời phong phú của những người lính chiến:
Chúng tôi có những kỷ niệm riêng, những bài học, những điều để nghĩ Chúng tôi đầy rừng tắm giặt, hái rau, đào hầm, mơ mộng sống đời thường suốt cuộc đời chiến tranh, yêu đời lính yêu luôn gian khổ
Lính sáu chín, lính bảy hai, lính tái ngũ còn giữ nguyên chức vụ quân hàm, ríu rít giọng Nam, giọng Bắc lính xe tăng đột phá, lính pháo binh cõng lửa qua sông, làm sao anh quen, làm sao anh nhớ hết;
Làm sao có thể gọi tên hàng vạn người trong một chữ nôm na như cây rìu, cây dựa khi chúng tôi cầm chân giữa ba mặt kẻ thù; điện thoại chôn ngầm dưới đất, chằng chịt rễ cây chiến dịch, mệnh lệnh truyền qua suối qua nương.
Dù hăm hở đến đâu, bước chân anh cũng không đến được các trung đoàn, các trung đoàn hành quân, trung đoàn tăng gia, trung đoàn đánh lấn, trung đoàn đánh luồn sâu vu hồi đáng úp xé kẻ thù trong thế cài răng lược khắp Tây Nguyên.
(Hữu Thỉnh, Đường tới thành phố) Chiến tranh đã đi qua nhưng nó chưa bao giờ trở thành quá khứ trong cuộc đời của những người lính đã từng tham gia trận mạc. Những hồi ức đau thương, những thực tế dữ dội của chiến tranh luôn ám ảnh họ. Bài thơ Cánh
rừng nhiều đom đóm bay của Nguyễn Đức Mậu đã miêu tả cái tâm thế đó
bằng những hình ảnh rất cụ thể. Không gian của bài thơ là một góc rừng Trường Sơn thời chiến tranh chống Mỹ, thời gian trải dài trong một ngày đêm, nhân vật chính là người lính trong một đơn vị hành quân qua khu rừng...Tất cả những cảnh huống đó phải đòi hỏi một hình thức thể hiện thích hợp.
Hết phiên gác tôi ngủ vùi trong võng. Đom đóm rơi đầy trong giấc mơ của lính. Tôi đang ngủ, đang mơ, tôi nào hay bên những gốc cây bầy mối đục mòn đêm trên những xác người?
Sáng. Tổ anh nuôi múc nước nấu cơm và hoảng hốt nhận ra xác hai cô gái. Tiểu đội tôi xục vào các hốc đá, lùm cây, tìm thấy xác ba chàng trai nữa. Chúng tôi đắp năm ngôi mộ không ngày sinh, ngày mất, không họ tên, không địa chỉ thôn làng. Những cuộn dây điện, những chiếc máy bộ đàm im lặng. Chúng tôi đoán họ là lính thông tin bị giặc chặn đường
Chiến tranh lùi xa, con đường mòn Trường Sơn bao giờ tôi trở lại? Đâu cái giếng nước hòa máu người tôi uống trong cơn khát, gốc cây rào rào bầy mối đục mòn đêm. Đâu năm ngôi mộ vô danh đắp bằng nỗi đau nước mắt. Nơi cánh rừng có nhiều đom đóm bay.
(Nguyễn Đức Mậu, Cánh rừng nhiều đom đóm bay) Trong ngày lễ mừng chiến thắng, hàng mấy chục năm sau chiến tranh, người lính vẫn đau đáu một nỗi niềm nhớ về những đồng đội cũ đã nằm lại nơi chiến trường xưa. Những kỷ niệm ấy đã giúp cho họ sống xứng đáng với non sông, đất nước hôm nay:
[...] Không có ngày vui nào không đi kèm với nagỳ thương nhớ. [...] Bạn ở đâu dưới đất đen, đá đen, cây mục đen, hầm chữ A đen, trọng điểm đen, bóng cây đen trong dải rừng già Trường Sơn. Hơi ấm duy nhất của bạn trong mùa đông chỉ là đất Mẹ. Hơi mát duy nhất của bạn trong mùa đông chỉ là chút gió quạt từ cánh bướm hoang. Để có ngày hôm nay, ba triệu người Việt Nam đã ngã xuống. [...] Hãy về cùng tôi, một người lính bình thường như bao người lính khác. [...] Việt Nam, đồng đội tôi và tôi đã đổi bằng máu để giữu vẹn nguyên Người.
Mặc dù vậy, từ sau 1975 đã xuất hiện tâm thế đối thoại, một tâm thế xác nhận những quan niệm, giá trị, các tiêu chuẩn khác với cách nhìn nhận truyền thống theo con mắt sử thi.
Những cảm nhận về hi sinh đã khác xa cảm nhận cũ. Sự hi sinh không còn là sự hồi sinh, thăng hoa mà là nỗi lạnh lẽo, cô đơn, một nỗi buồn chiến tranh. Tư thế người lính không còn cao vòi vọi để người chiêm ngưỡng (như
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất - Tố Hữu) mà chính bản thân họ ý thức
được giá trị của mình, chối bỏ mọi hào quang: Ta là đất đai thôi, xin đừng
nặn ta thành những tượng thần, xin đừng nặn ta thành những núi cao...(Thu
Bồn). Xác định chỗ đứng thật của mình: Không biết từ bao giờ ta đã chán
trời xanh, ta quên đi cả sức mạnh khổng lồ ta gửi vào mây gió, Hồi ức của ta, khát vọng của ta đã cắm vào mặt đất, nơi những anh hùng gửi lại xương trước lúc ra đi (Đỗ Minh Tuấn). Nhìn thẳng vào hiện thực không tô vẽ của
chiến tranh: Con trai vừa lớn lên, chưa biết yêu đã biết cầm súng đứng vào
đội ngũ...Đường đến với Tổ quốc là đường đi qua cái chết (Lê Lâm). Đấy
chính là dấu hiệu đổi thay của hệ giá trị sử thi. Cái tôi sử thi không còn được nhìn ở góc độ nhiệm vụ, cống hiến, anh hùng mà được nhìn từ phía sau, phía của đời thường.
Do vậy mô típ người lính trở về, anh hùng giữa đời thường là một mô típ phổ biến. Chia tay với lịch sử, với sứ mệnh lớn lao để trở về với cuộc sống đời thường bộn bề, phức tạp và rắc rối, từ vị trí anh hùng trở về vị trí người dân, sự chuyển đổi khắc nghiệt nhưng tất yếu, người lính kiêu hãnh của giai đoạn sử thi sẽ suy nghĩ và ứng sử ra sao, cái gì con, cái gì mất, cái gì đã cho, cái gì sẽ nhận? Điều gì sẽ nảy sinh trong tâm hồn họ? Thánh Gióng trở về (Đỗ Minh Tuấn) là một cảm nhận mang tính triết lí về số phận anh hùng trong đời thường: Tất cả mọi người sẽ thắt lưng buộc bụng để nuôi ta, để muôn đời ta