TỪ GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC LỜI THƠ.
3.1. Ngôn ngữ thơ.
Theo Hữu Đạt “Thơ ca là hiện tượng độc đáo của văn học ở cơ chế
vận hành bộ máy ngôn ngữ của nó” (Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb GD,
1996). Ngôn ngữ thơ được hình thành trong quá trình vận động sáng tạo nghệ thuật. Mọi hiện tượng thi ca đều chứa đựng những yếu tố cảm xúc thẩm mỹ và khát vọng của con người vươn tới cái đẹp. Khác với văn xuôi, thơ ca chỉ dùng một lượng ngôn ngữ hữu hạn để biểu hiện cái vô hạn của cảm xúc con người trước cuộc sống. Để hoàn thành thiên chức đó, ngôn ngữ thơ ca phải là những kiểu tổ chức đặc biệt, điều đó khiến cho nhiều người nghĩ rằng: Thơ là một thể loại có hình thức ngôn ngữ quái đản. Chính cái tổ chức ngôn ngữ đặc biệt này của nhà thơ đã tạo nên biết bao cuộc tranh luận gay gắt thú vị về thơ ca.
Bất cứ một nghành nghệ thuật nào của nhân loại cũng đều lựa chọn cho mình một phương tiện biểu hiện. Trong khi âm nhạc lấy âm thanh làm
phương tiện biểu hiện, hội họa lấy màu sắc, đường nét làm phương tiện...thì văn học lấy ngôn ngữ làm phương tiện đầu tiên và duy nhất của mình. Cũng như văn học nói chung, ngôn ngữ thơ ca chính là ngôn ngữ dân tộc, là lời ăn tiếng nói của dân tộc. Có điều, những yêu cầu của phong cách, thể loại, ngôn ngữ dân tộc khi đi vào thơ ca đều được tổ chức lại theo những kiểu đặc biệt. Trước hết là hai phương thức tổ chức tạo hình và tổ chức biểu hiện.
Như chúng ta biết, bất cứ một tác phẩm nào cũng tồn tại hai mặt: mặt phản ánh và mặt biểu hiện. Hai mặt này gắn bó chặt chẽ do đặc trưng thể loại, loại hình nghệ thuật. Do đặc điểm phong cách từng nghệ sỹ, có khi mặt này hoặc mặt kia được nổi lên vị trí hàng đầu. Đặc trưng của phương thức tạo hình là phản ánh trực tiếp đối tượng, nghĩa là miêu tả đối tượng như nó vốn có trong thực tế khách quan. Một tác phẩm thơ có tính chất tạo hình là một tác phẩm đem đến cho người đọc những bức tranh sinh động về cuộc sống và con người
Trong thơ ca, dù phát triển theo hướng nào thì những đặc trưng ngôn ngữ thơ vẫn giữ vai trò quan trọng, thơ phải tinh vi, tế nhị, hàm súc, nhà thơ phải là người sáng tạo công phu về hình thức biểu hiện. Một bài thơ hay là một thể thống nhất trọn vẹn giữa nội dung và hình thức. Tất cả chỉ vừa đủ, gắn bó, hòa điệu, cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ chọn lọc, gợi cảm. Nghệ thuật trong thơ cũng là sáng tạo để đạt được hình thức đẹp. Nói đến hình thức trong thơ không thể không kể đến vấn đề thể loại. Mỗi thể thơ là một kiểu cấu tạo và tổ chức ngôn ngữ đặc biệt làm nên tính hàm súc, cô đọng trong thơ.
Ngôn ngữ trong thơ văn xuôi cũng mang những đặc trưng của ngôn ngữ văn học nói chung, nhưng cũng mang những đặc điểm loại biệt quan trọng. Ngôn ngữ thơ văn xuôi là ngôn ngữ nhịp điệu giàu cảm xúc, hình ảnh, giàu sắc thái và biến hóa tài tình của nhạc tính. Nhạc điệu trong thơ văn xuôi không giống với âm nhạc, trong âm nhạc, âm thanh được tổ chức trong tính
nhất quán của toàn bài. Nhạc điệu trong thơ văn xuôi cũng không bị phụ thuộc vào sự phân bổ câu chữ, vào nhạc tính của từng âm tiết và sự tổ hợp nhạc tính của các âm tiết trong cấu trúc cú pháp như trong các hình thức thơ khác (Thơ cách luật, Thơ tự do). Nếu ngôn ngữ âm nhạc là nội dung trực tiếp thể hiện chủ đề của tác phẩm, là những giai điệu giàu tính gợi cảm và sắc thái được tổ chức theo những nguyên lý của cái đẹp và của luật hòa thanh. Còn nhạc điệu trong thơ văn xuôi chủ yếu là do sự phối hợp với nội dung ý nghĩa của bài thơ. Cấu trúc âm thanh trong thơ văn xuôi dựa trên những chất liệu của tiết tấu, nhịp điệu, âm thanh và sự hòa phối âm thanh.
Sử dụng ngôn ngữ thơ ca là một vấn đề khó, đòi hỏi nhiều nỗ lực sáng tạo. Nhiều nhà thơ có tài năng, kinh nghiệm đều thấy rõ khó khăn và công phu trong việc tìm kiếm và tổ hợp câu chữ một cách phù hợp, sáng tạo. Chính vì vậy, cấu trúc âm thanh và cú pháp của câu thơ được tổ chức theo những mô hình khá đặc biệt. Ngày nay, ở thời hiện đại, ý thức khẳng định cá nhân, cá thể, tự do tìm tòi thể hiện nội tâm buộc các nhà thơ tìm chữ, tìm câu để diễn tả đúng những rung động tinh tế của tâm hồn một cách sinh động và chân thành. Các nhà thơ nhìn cuộc đời và thiên nhiên theo quan niệm của mình, chủ quan hóa ngoại giới. Họ tư duy bằng liên tưởng, bằng ấn tượng, bằng cảm giác, âm thanh, nhịp điệu, biến cái trừu tượng thành cái cụ thể, cái cụ thể thành trừu tượng.
Đặc biệt, ngày nay, khi mà những quan niệm về cuộc sống, về cái đẹp đã thay đổi, nội dung thơ thay đổi về hình thức biểu hiện, nhất là ngôn ngữ thơ cũng thay đổi. Nếu đem so sánh ngôn ngữ thơ trước và sau 1975, chúng ta thấy, ở những ngày đầu cách mạng tháng Tám 1945, thơ vẫn còn nhiều nếp cũ. Trong thơ có sự không ăn nhập giữa nội dung và hình thức, giữa thi đề mới và ngôn ngữ xưa. Những từ ngữ mới về sinh hoạt chính trị và đời sống mới được đưa vào thơ nhưng chưa nhuần nhị, chưa chọn lọc. Đây là thời kỳ
thơ đang chuyển hóa giữa cái cũ và cái mới. Khi thơ có tác dụng thiết thực tới cuộc sống, có ý nghĩa gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của nhân dân. Các nhà thơ xuất hiện từ phong trào sáng tác của quần chúng ở các đơn vị bộ đội, các cơ sở sản xuất, ...đã có những đóng góp cho ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ của họ là ngôn ngữ cuộc sống, từ cuộc sống đi vào thơ, không cầu kì gò bó mà giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ biểu hiện nội dung mới là một cố gắng của thơ. Nhưng từ yêu cầu về mặt nhận thức, thơ phải dễ hiểu, trong sáng, ...ngôn ngữ thơ nhiều khi rơi vào đơn giản, dễ dãi, ít chọn lọc, hạn chế hàm súc, tính hình tượng, đa nghĩa, ...vốn là đặc trưng của ngôn ngữ thơ.
Sau 1975, chủ yếu là sau năm 1986, thơ tìm tòi, biểu hiện những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Cuộc sống đặt ra nhiều so sánh đối nghịch: tập thể - cá nhân, chung - riêng, lí tưởng - hiện thực, được - mất, cống hiến - hưởng thụ,...Những suy tư, chiêm nghiệm về năm tháng đã qua và hiện tại, về những việc đã làm, cần làm và cả những điều phi lí, cái có nghĩa và cái vô nghĩa đều được đặt ra. Cái tôi trong thơ bây giờ không còn ở tâm thế trang trọng, ở tầm cao để khái quát, ngợi ca khẳng định mà là ở quan hệ gần gũi, bình thường, có khi tầm thường. Ngôn ngữ cũng phù hợp với hệ thống những hình tượng, hình ảnh đời thường bé nhỏ, thậm chí lấm láp, bụi bặm. Ngôn ngữ thơ văn xuôi cũng không nằm ngoài hệ thống ngôn ngữ đó.
Thực ra, sâu xa, sau năm 1986, vấn đề dân chủ hóa diễn ra ở cấp độ toàn xã hội. Trong sáng tạo nghệ thuật, trong thơ, từ chủ thể trữ tình, đến quan niệm thẩm mĩ, đề tài, thể loại, ngôn ngữ,...như muốn đoạn tuyệt với quá khứ. Bây giờ tư thế khác, câu thơ khác, lời thơ khác. Nhìn chung là một cuộc chuyển động mạnh mẽ. Thơ thực sự có những bứt phá, khai mở những hướng mới, những cách biểu hiện mới, đặt trọng tâm vào sáng tạo ngôn ngữ. Theo
cuốn Văn học hiện đại Việt Nam (vấn đề tác giả) của tác giả Mã Giang Lân có thể chia làm mấy loại ngôn ngữ sau đây:
Loại ngôn ngữ trong sáng, giản dị, thể hiện trực tiếp tình cảm, tạo cảm giác thuận, thoải mái trong tiếp nhận. Ở đây tập trung chọn lọc chi tiết. Có khi chi tiết xuất hiện liên tiếp, bề bộn. Nhà thơ như ở trung tâm những sự kiện, sự việc và người đọc cũng tiếp xúc tự nhiên, tự thanh lọc và thể hiện thái độ với thực tại cuộc sống: “Đè lên mái nhà thành phố hôm nay, những đồng hồ cực
lớn, những dàn ăng ten, những tờ báo điện, những panô quảng cáo nhiều màu” (Không đề, Nguyễn Trác). Trình bày như khách quan, có khi dồn nén
cảm xúc, hướng tới những liên tưởng bất ngờ, nâng hiện tượng thành khái quát.
Loại ngôn ngữ giàu sức gợi, tạo nghĩa mờ, hàm ngôn, từ ngữ được chọn lọc, gia công kĩ nằm trong những kết hợp đậm chất biểu cảm.
Loại ngôn ngữ đời thường thể hiện sự thay đổi cái nhìn của nhà thơ về cuộc sống, về quan niệm thẩm mĩ. Thơ từng hướng về thiên nhiên thanh sạch, thế giới bồng lai mê hoặc, những cảm xúc kỳ vĩ, rộng lớn để tôn thờ, làm đẹp hiện thực. Giờ đây thơ nhìn xuống, nhìn xung quanh mình, cuộc sống hiện ra với mọi màu sắc của nó: hạnh phúc và đau khổ, vinh quang và cay đắng, giàu sang và cơ cực, cao cả và thấp hèn,...Con người hiện hữu với những gì thật nhất được phơi bày trong thơ: “Người đàn bà góa bụa”, “lũ trẻ cởi truồng”, “những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen, tõe ra như móng gà mái” ; rồi “những con chó ngửa mặt tru trăng”, “đêm vũ hội đầy bọ chó”. Và con gián, con sâu, bầy kiến, con nhện, cào cào,...xuất hiện trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Phía sau bảng từ ngữ lạnh lùng là một hiện thực nghiệt ngã.
Tuy vậy, nghệ thuật của thơ còn bao gồm nhiều phạm vi sáng tạo khác, từ cách cấu tạo một bài thơ đến việc dắt dẫn và phát triển một tứ thơ, kết thúc một bài thơ cho đúng lúc, bằng một ý thơ cho hấp dẫn, một câu thơ chắt lọc
cũng là một nghệ thuật. Thậm chí cho đến chỗ ngừng, chỗ nghỉ, chỗ im lặng trong thơ cũng góp phần nói lên được điều gì của nội dung nghệ thuật.
Như vậy nói đến ngôn ngữ thơ là nói đến một hệ thống tổ chức ngôn ngữ đặc biệt. Bằng phương pháp tạo hình, biểu hiện bằng các thao tác lựa chọn, kết hợp với tài ba của mình, người nghệ sỹ đã sáng tạo nên những áng thơ tuyệt đẹp làm say đắm lòng người. Trong đó, cấu trúc thơ và thủ pháp nghệ thuật tổ chức lời thơ có một vị trí vô cùng quan trọng.
Thơ văn xuôi sau 1975 - như đã nói ở trên là một thể nghiệm, tìm tòi. Đó là một thể loại thơ trữ tình có cấu trúc giống câu văn xuôi, câu nọ tiếp câu kia không xuống dòng, gần như không vần, nhịp điệu không mang đầy đủ tính chất cố định, mạch câu chảy tràn không theo niêm luật nào, là sự giãn ra của các hình thức thơ tự do, rất dạt dào tình ý và cảm xúc.
Một số nhà thơ đã thử bút vào thể loại này: Thu Bồn, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Đỗ Trung Quân, Lê Chí...Đã có một số bài thơ chiếm vị trí trong giải thưởng: Thế giới đang tồn tại - Lê Hoài Nguyên; Trượt giá - Huỳnh Kim (Giải thưởng báo Văn nghệ 1989 - 1990), Em yêu anh như tháng giêng - Phạm Thị Ngọc Liên (Giải thưởng Tạp chí VNQĐ 1989 - 1990).
Thơ văn xuôi là biểu hiện của việc đi tìm một cách thể hiện mới cho các hình thức trữ tình với hai khuynh hướng:
- Tìm kiếm một giọng điệu vừa phức tạp, vừa gai góc; lắm lí sự, nhiều chất suy nghĩ.
- Bộc lộ cảm xúc ào ạt, mãnh liệt, gấp gáp, không điềm tĩnh mà say đắm, buông thả, không muốn bị ràng buộc bởi bất kì một niêm luật nào để giải phóng tối đa sự dạt dào của cảm xúc với lối kiến trúc bề thế, tầng lớp của hình ảnh, từ ngữ.
Thanh Thảo với Khối vuông Rubích là một sự chuyển giọng, chuyển cách nhìn vốn có mầm mống từ thơ viết trước 1975 khi nhà thơ vẽ chân dung
thế hệ mình với cái nhìn gai góc, lí lẽ nhiều khi phức tạp. Nhà thơ nhận thấy sự đổi giọng của chính mình, từ những lời thơ chiến tranh rất đỗi mượt mà êm ái:
Bình yên nhé em ơi và kiên nhẫn Anh đã học điều này từ buổi chia li Ta như cọng bàng vươn lên chầm chậm Như hoa móng bò làm dịu mát đường đi.
đến những câu thơ trần trụi đầy suy nghĩ và lí sự, tỉnh táo và rạch ròi: Tôi
xoay những ô vuông. Có nhà thơ than rằng đời bây giờ tỉnh quá. Tôi, ngược lại, tôi thích: tỉnh táo, tỉnh khô, tỉnh bơ, tỉnh như sáo! Vì tôi biết cái tỉnh đó chỉ là phía nhìn được của đam mê.
Sự mượt mà du dương của những lời thơ trong chiến tranh lại như là chứng tỏ một bản lĩnh, một sức sống mãnh liệt, mềm dẻo, bền bỉ và bất diệt. Còn đời sống ồn ào, sôi động phức tạp ngày hôm nay lại qui định giọng trục trặc, gân guốc của văn học thời hậu chiến. Chuyển cách nói uyển chuyển nhuần nhị sang thơ văn xuôi, Thanh Thảo đã thể nghiệm khả năng lí sự, biện luận, tranh cãi, tăng phần trí tuệ, cố gắng hạ nhiệt độ cảm xúc để đưa cái tỉnh táo của lí trí lên cao. Loại thơ văn xuôi này không dùng để ngâm ngợi được nhưng tác động rất mạnh vào lí trí người đọc. Vì thế nhà thơ rất chú ý tới sự kiện chứ ít giãi bày cảm xúc (hộp sữa giá bằng nửa tháng lương, con chó béc giê ăn phở, anh lính tâm thần vui vẻ giúp mọi người, trung đội trưởng giao liên đá bay ống cóng nấu cháo của các chiến sĩ đang lên cơn sốt).
Cũng như nhà thơ Thanh Thảo, thơ văn xuôi đối với các nhà thơ khác cũng là sự thể nghiệm của mật độ cao về chất suy nghĩ, tranh luận, lí sự, trình bày lôgic, đưa ra những vấn đề và diễn tả những nghịch lí đau đớn, nghiệt ngã của đời sống. Trong khi đó, có nhà thơ đến với thơ văn xuôi như sự tuôn trào dòng cảm xúc mạnh, một cảm xúc mà bất cứ sự ngắt quãng đều đều, cân đối
của niêm luật sẽ phá hủy sự ào ạt, mạnh mẽ của nó. Thơ Thu Bồn và Phạm Thị Ngọc liên thuộc khuynh hướng này. Bài thơ được giải nhì của Tạp chí Văn nghệ quân đội 1989 - 1990 của Phạm Thị Ngọc Liên là sự bùng nổ ngất say không kìm hãm của cảm xúc: Em sẽ yêu anh như tháng giêng thương
nhớ. Ôi tháng giêng, tháng giêng, tháng giêng. Tháng lộng lẫy của cả mười hai tháng, tháng tiếng hát của các loài chim, tháng vương miện các loài hoa, tháng hạnh phúc trăm thứ quả...Tháng giêng dài như sông, tháng giêng rộng như biển. Tháng giêng chở những lời tha thiết - nói rằng Em yêu anh, yêu anh...
Do cảm xúc mạnh, tuôn chảy nên từ ngữ rất đẹp đẽ, sang trọng, cấu trúc rất bề thế, tầng tầng lớp lớp: Thơ xin trọn đời là thơ nhưng sức vóc hơn
xưa, giản dị hơn xưa lắng đọng hơn xưa. Thơ có thể là kim chỉ là dao là búa là tạ nhưng thơ cũng là kim chỉ là em. Thơ viết trên lá tre rì rào, thơ tạc trên đá tảng, thơ mọc theo vầng trăng khuyết, thơ ngủ trên ngực em, thơ thẹn thùng má đỏ, hạnh phúc khổ đau này xin tặng hết cho thơ...(Thu Bồn).
Đã có ý kiến cho rằng, đứng trên phương diện ngôn ngữ thì thơ văn xuôi là đỉnh phát triển cao nhất của thơ tự do. Ở thể thơ này, đơn vị câu thơ thường kéo dài hơn câu thơ tự do, về hình thức câu thơ, có dáng dấp gần giống với một câu văn xuôi ở chỗ mang nhiều hình ảnh, chất thơ và được hình thành do nhiều cảm xúc trực tiếp của nhà thơ còn câu văn xuôi nặng hơn về cách miêu tả, đánh giá, nhận định có tính lí trí. So với các thể thơ khác, thơ văn xuôi có ưu điểm là diễn đạt được cùng một lúc những cảm xúc trùng điệp, những hình ảnh, những hình ảnh, những ý thơ liên tiếp. Do đó, trong một câu