Từ sau 1975, đất nước chuyển sang một giai đoạn mới. Cuộc đời của mỗi người cũng bắt đầu có những đổi thay cùng với sự đổi thay của dân tộc. Hiện thực cuộc sống không phải là những tháng năm hào hùng chiến đấu và chiến thắng, mà ẩn chứa đằng sau những vinh quang của một thời đã qua là những đắng cay của con người khi đối diện với muôn mặt của cuộc sống đời thường. Vấn đề đặt ra lúc này không chỉ là vận mệnh dân tộc, nhân dân mà còn là số phận của từng cá nhân con người. Cái tôi, cái cá thể của mỗi người lâu nay bị chìm khuất trong cái ta thì lúc này nổi lên như một yêu cầu bức thiết của đời sống. Cảm hứng lịch sử và cảm hứng dân tộc đang được thay dần bởi cảm hứng thế sự và đời tư. Nhưng không vì thế mà biên độ phản ánh của thơ bị thu hẹp, mà trái lại nó càng được mở ra theo những chiều kích mới, đa dạng và phong phú hơn. Thơ ca lúc này đứng trước muôn ngàn lớp sóng của cuộc đời, đòi hỏi mỗi nhà thơ phải tự nhận thức lại để đáp ứng những yêu cầu mới của hiện thực.
Xưa nay, thơ vốn là tiếng nói của đời sống cá nhân, của những cõi miền riêng tư, với bản chất thể loại, thơ là tiếng nói nhạy cảm nhất của tình cảm, của trái tim con người. Nhìn nhận con người từ nhiều phía, mỗi nhà thơ có cái nhìn riêng, độc đáo, bộc lộ được độ sâu của chính bản thân mình, từ đó tạo nên được sự đa dạng, phong phú, sinh động cho thơ. Trong cái đa dạng, phong phú, sinh động của thơ, có một nguồn cảm hứng bí ẩn và kì diệu nhất là cảm hứng về tình yêu và hạnh phúc. Tình yêu là chủ đề muôn thủa, là đối tượng khai thác không bao giờ cạn kiệt trong cảm hứng thi ca. Nói như một nhà thơ nữ : Tình yêu là “quà tặng của Thượng đế”. Thơ tình dồn dập và mạnh bạo. Sự xuất hiện hàng loạt các tập thơ tình hiện nay đã nói lên những đòi hỏi bức thiết của ý thức cá nhân con người trong hoàn cảnh lịch sử mới. Trước đây cả dân tộc đang “gồng mình” chiến đấu, các nhà thơ “không nỡ”
viết về tình cảm riêng tư, bây giờ hết thế hệ này đến thế hệ khác viết thơ tình. Như là nhu một cầu nội tại, mà cũng còn có lí do khác từ duy lí của nhà thơ: Sợ mang tiếng là thiếu tình cảm, là không có tình yêu, không phải là “nghệ sỹ”, được bộc lộ tình yêu cũng là một tính cách người. Và thơ vốn phát khởi từ lòng người, từ nhiều nỗi niềm tâm trạng, nhờ vậy thơ tình có nhiều giọng điệu. Tất nhiên mỗi thế hệ nhà thơ đều để lại những dấu ấn của mình. Thời kháng chiến cái riêng hòa với cái chung, tình yêu con người gắn với tình yêu đất nước trtong mộtlựa chọn tự giác, tự nguyện. Sự lựa chọn sau này, chủ yếu ở lớp nhà thơ trẻ là đi sâu vào tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình, những buồn vui và cả những mất mát với nhiều cung bậc, sắc thái, có êm ái, có thơ mộng nhưng nhiều hơn là những éo le, nghịch lí cùng những đam mê cuồng nhiệt. Tiếng nói thơ tình hôm nay thực hơn, đời hơn, phức tạp và cũng đau đớn hơn. Lúc này thơ tình không ồn ào, sáng chói mà bình dị, thâm trầm, không có chuẩn mực, không có khuôn mẫu nào gò ép, những vần thơ như bật lên từ cuộc sống con người. Thơ khai thác tình yêu, hạnh phúc ở nhiều khía cạnh khổ đau, mất mát, dằn vặt và sự thiếu hụt để rồi chia sẻvới con người và mách bảo con người biết trân trọng những gì cao đẹp,quý báu mà tình yêu hạnh phức mang đến. Các nhà thơ đã trình bày mọi dạng thái trữ tình vĩnh cửu, những cung bậc tình cảm: hạnh phúc và bất hạnh, hi vọng và thất vọng, tin tưởng và ngờ vực, sum họp và chia li...Tư thế, thái độ, cung cách ứng xử của con người trong tình yêu đã được nâng lên một chiều kích mới: mạnh mẽ và tự tin, đam mê và chấp nhận. Đặc biệt “thiên tính nữ” nổi trội trong thơ tình những năm gần đây với Em yêu anh như tháng giêng của Phạm Thị Ngọc Liên, Với loài chim di trú của P. N. Thường Đoan...
Con người trong thơ tình hiện nay đối diện với mọi dạng thái, tâm trạng, tình cảm của chính mình. Nói về một hạnh phúc tự nhiên, bình dị, người con gái trong thơ Vũ Duy Thông thổ lộ:
“Em nói cùng anh em chẳng hứa hẹn gì. Chỉ trao anh điều hôm nay
mình có... Em nói cùng anh em chẳng hứa hẹn gì. Pháo giao thừa trái đất như rạn vỡ. Giao thừa giã từ thời thiếu nữ. Em tung tăng chạy nhảy giữa cỏ mềm. Hà Nội mờ trong khói xanh lam. Hà Nội từ mai khô cằn xưa cũ. Anh hiện tại anh cũng là quá khứ. Ngày tháng từ mai lũ lượt kéo nhau đi.
Cùng anh em héo tan. Cùng anh em rực rỡ. Lặng im không hứa hẹn gì.” (Tình yêu không lời hứa - Vũ Duy Thông, Tuyển tập Thơ văn xuôi,
NXB Văn học, 1997)
Tình yêu mà nhân vật trữ tình xưng là em kia thổ lộ ra cùng với mọi người là một tình yêu với mơ ước về một hạnh phúc giản dị, tự nhiên, không chút gò bó, gượng ép. Mặc dù tình yêu ấy là một tình yêu mà “em chẳng hứa
hẹn gì”, người con gái ấy không hứa trước một điều gì cao sang, không hứa
sẽ đem lại cho tình yêu với chàng trai kia một sự vĩnh cửu, trường tồn hay giàu có về mặt vật chất cũng như về tinh thần như chúng ta vẫn thường thấy trong tình yêu ở mọi thời đại. Người ta yêu nhau, hứa hẹn với nhau là chuyện bình thường, là điều dễ hiểu. Từ xa xưa, trong ca dao chúng ta nhận thấy tình yêu của cha ông ta cũng có rất nhiều những lời hứa hẹn, thề nguyền:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.
Và chúng ta đã từng xem đấy là những cử chỉ đẹp, những cách ứng xử hay của người xưa. Ngày nay, trong thời hiện đại, những lời hứa hẹn trong tình yêu cũng là một nét văn hóa của con người.Thế nhưng, cũng trong thời hiện dưđại, với nhiều những sự thay đổi của xã hội, của cơ chế thị trường, lời hứa trong tình yêu đôi khi không còn được thuần khiết như xuất phát điểm ban đầu của nó nữa. Con người ta có thể vì một mục đích nào đó mà sẵn sàng buông mình một lời hứa suông, cái thứ lời hứa như giới trẻ vẫn thường lí luận mỗi khi không thực hiện đúng như đã hứa rằng: Lời hứa là lời nói, mà lời nói
thì gió bay. Nhưng ở đây, trong bài thơ trên, dù cho“em chẳng hứa hẹn gì”,
chúng ta đều biết rằng, đấy là một tình yêu thủy chung, một tình yêu thực sự không vì một chút vụ lợi, không vì một mục đích xấu xa hay một toan tính nhỏ nhen nào. Đó đơn giản chỉ là tình yêu, một tình yêu tự nhiên, bình dị...
“Cùng anh em héo tan. Cùng anh em rực rỡ. Lặng im không hứa hẹn gì.”
Tình yêu trong thơ hiện nay cũng không chỉ là sự mơ ước về một hạnh phúc giản dị mà với nhiều cung bậc của tình cảm, con người đối diện với chính, thể hiện nhiều trạng thái tình cảm. Đó có thể là sự nuối tiếc âm thầm mà chua xót:
“Thôi - không trách anh loài chim di trú - Đến đời em tránh rét mùa Đông. Thôi - nín đi - Đừng khóc chi cho phí những giọt nước mắt thủy chung. Hãy để dành nước mắt cho ngày mất mẹ.
Em đã ngốc nghếch làm mái che cho một loài chim bạc bẽo. Chỉ biết ấm riêng mình nào hiểu nỗi lạnh của ai đâu! Em đã ngô nghê sống trong tiếng hót của loài chim sâu mà ảo tưởng một thiên đường hoàng yến. Em đã mê muội và vắt kiệt dòng máu của mình đi hồi sinh cho một kẻ không tim”
(Với loài chim di trú - P. N. Thường Đoan, Tuyển tập Thơ văn xuôi, NXB Văn học, 1997)
Người con gái đã dâng hiến tình yêu thuần khiết của đời mình (một tình yêu mà nhân vật trữ tình tự nhận là tình yêu thủy chung) cho một con người bạc bẽo, vô tình để rồi chỉ biết tự an ủi, động viên mình “Thôi - nín đi -
Đừng khóc chi cho phí những giọt nước mắt thủy chung. Hãy để dành nước mắt cho ngày mất mẹ”.
Sự lạnh lùng, dửng dưng của người đàn ông trong bài thơ biểu hiện sự xuống cấp của môi trường nhân tính. Xã hội từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường đã trở nên phức tạp, căng thẳng. Sự băng hoại, sự tha hóa, sự xuống cấp của những chuẩn mực đạo đức có thể không phải là bản chất của xã hội,
nhưng rã ràng đó không phải là hiện tượng hiếm thấy, ít có. Do vậy, tình trạng ấy rất đáng rung chuông báo động, đáng phê phán, đáng đấu tranh để môi trường nhân tính trong sáng hơn. Đó cũng là lời cảnh tỉnh đầy tính nhân văn của những ngòi bút có tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống sôi động hôm nay.
Sau 1975, nhất là từ giữa thập niên 80 trở lại đây, sự nghiệp đổi mới đã đưa đến một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của xã hội, nó làm thay da đổi thịt, tạo những bước khởi sắc đưa nước ta hòa nhập cùng với cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nó là gây ra sự xáo trộn trong đời sống xã hội, sự tác động của cơ chế thị trường...đã khiến cho tâm lí con người bị phân hóa. Không ít người tỏ ra bi quan, hoang mang trước sự đảo lộn các giá trị, trước sức mạnh của đồng tiền, trước sự trượt dốc, băng hoại của đạo đức, nhân cách...Từ đó con người bộc lộ những gì tích cực cũng như tiêu cực, những khát khao và bất lực, những bản lĩnh và những tuyệt vọng, những sự bứt phá, kiếm tìm và cả những sự cô đơn và hoài nghi. Điều này cũng lí giải cho sự tiếc nuối của người con gái khi “vắt kiệt dòng máu của mình đi hồi
sinh cho một kẻ không tim”. Mặt khác, sự bội bạc của người đàn ông trong
bài thơ kia cũng chính là sự phản ánh đúng cái mặt trái của con người trong xã hội hiện đại.
Văn học bao giờ cũng rất mẫn cảm với không khí tinh thần, nhu cầu của thời đại. Bởi vậy các nhà văn đã cố gắng nắm bắt thể hiện những biến đổi và những dòng mạch đang diễn biến của ý thức xã hội. Như chúng ta biết, bước ra khỏi cuộc chiến tranh, những biến đổi to lớn trong đời sống xã hội đã đưa đến những sự thay đổi các thang chuẩn quan trọng trong trong mọi mối quan hệ và cả trong khi nhìn nhận các giá trị của cuộc sống và của văn học nghệ thuật. Sự thức tỉnh về ý thức cá nhân, sự quan tâm nhiều hơn đến con người cá nhân cá thể, với những nhu cầu trong thời bình là bước chuyển biến
tất yếu của ý thức xã hội. Con người tồn tại trong vô vàn các quan hệ và các bình diện: tập thể - cá nhân, lý tưởng - hiện thực, sống - chết, được - mất, cho - nhận, cống hiến - hưởng thụ, vì người - vì mình, lý tưởng chung - số phận riêng... đều được phản ánh vào trong văn học.
Viết về tình yêu, các nhà thơ không chỉ nói về những khổ đau, mất mát, không chỉ là mơ ước về một hạnh phúc giản dị với những e dè, mà còn bộc lộ một tình yêu tha thiết, cháy bỏng như trong thơ của Phạm Thị Ngọc Liên
Em sẽ yêu anh như tháng giêng thương nhớ. Ôi tháng giêng, tháng giêng, tháng giêng. Tháng lộng lẫy của cả mười hai tháng, tháng tiếng hát của các loài chim, tháng vương miện các loài hoa, tháng hạnh phúc trăm thứ quả...Tháng giêng dài như sông, tháng giêng rộng như biển. Tháng giêng chở những lời tha thiết - nói rằng Em yêu anh, yêu anh...
(Em yêu anh như tháng giêng - Phạm Thị Ngọc Liên, giải thưởng Tạp chí VNQĐ 1989 - 1990)
Lấy hình ảnh tháng giêng để ví với tình yêu của mình, mạnh mẽ và tự tin, đam mê và tha thiết, Phạm Thị Ngọc Liên đã thể hiện “thiên tính nữ” nổi trội như lời ai đó nhận xét.
Trước đây, trong Thơ mới, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh “tháng
giêng” trong thơ Xuân Diệu:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật Này đây hoa của đồng nội xanh rì Này đây lá của cành tơ phơ phất Của yến anh này đây khúc tình si Và này đây ánh áng chớp hàng mi Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Có lẽ trước Xuân Diệu trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác “Tháng
giêng ngon như một cặp môi gần...”. Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm
giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ - tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể nào cưỡng được của một người tình rạo rực, trinh nguyên.
Tháng giêng xuân sắc, ngọt ngào, rạo rực xuân tình cũng được Phạm Thị Ngọc Liên sử dụng để ví với tình yêu tha thiết của mình, còn với Xuân Diệu thì đó là cảm giác của ái ân, tình tự. Ở đây, trong bài Em yêu anh như
tháng giêng hình ảnh tháng giêng được sử dụng để diễn tả về tình yêu tha
thiết của mình bởi vì tháng giêng là: Tháng lộng lẫy của cả mười hai tháng,
tháng tiếng hát của các loài chim, tháng vương miện các loài hoa, tháng hạnh phúc trăm thứ quả...Tháng giêng dài như sông, tháng giêng rộng như biển.
Phạm Thị Ngọc Liên đã diễn tả sự hài hòa trong tình yêu của mình một cách kỳ diệu, giàu chất khái quát, chất trí tuệ, biểu trưng, song cũng rất thơ, không khô xác bởi vì nó gắn với cái kỳ diệu.
Tinh yêu trong thơ văn xuôi 1975 - 2000 không chỉ là sự bày tỏ tình cảm đơn thuần mà nó con là sự lo lắng trước những cám dỗ của cuộc sống thường nhật, của cơ chế thị trường giữu dòng người đầy đua chen, dòng đời bất trắc: “Trước cuộc đời với bao tai nạn ngẫu nhiên, bao lừa lọc, xấu xa náu
mình trong bóng tối” ( Trước cửa ga, Bế Kiến Quốc, Tuyển tập thơ văn xuôi)
Đây là sự trông ngóng “thẫn thờ”, chân thật rất cảm động: “Đêm đã
khuya. Tàu lại về sai giờ. Phút đợi chờ ứ dồn bao lo lắng. Là hương thơm thầm lặng một loài hoa, tiếng sơn ca long lanh treo giữa trời, em thuần khiết, thanh cao, yếu đuối và trẻ thơ. Mà cuộc đời bao tai nạn ngẫu nhiên, bao lừa lọc, xấu xa náu mình trong bóng tối...”
“...Cuộc đời như là ga, bao nhiêu điều ngẫu nhiên, bao nhiêu xáo động, có kẻ lỡ tàu, có người nhầm chuyến, bao số phận may rủi buồn vui ngược xuôi...”
“Tình yêu rất đẹp, rất thiêng liêng, nên tình yêu cũng vô cùng mong manh.”
“Anh giăng tâm hồn mình trên từng ga con tàu đi qua, trên từng toa, trên từng cửa sổ...Anh giăng tâm hồn mình trên mỗi ngọn đèn xanh đèn đỏ, trên mỗi đoạn đường ray, trên mỗi thanh tà vẹt...Tâm hồn anh thức canh, giữa dòng người đua chen...phải canh chừng bao nhiêu điều ngẫu nhiên, cho đêm nay tình yêu về tới đích”.
Không thể nói hết được các sắc thái tình yêu trong thơ. Có nhà thơ quay về trò chuyện với trái tim mình, có người trở về với quá khứ, hay mượn thiên nhiên để gửi gắm tình người. Thiên nhiên với cỏ cây, hoa lá, bầu trời, rừng xanh,...là sức sống, là chỗ dựa cho sự bình yên, là sự che chở, là điểm tựa cho tâm hồn, là nguồn cảm xúc cho cái đẹp của tình yêu, hạnh phúc gia đình và quê hương đất nước.