TỪ GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC LỜI THƠ.
3.3.1. Thủ pháp so sánh mở rộng câu thơ.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Nhà xuất bản Giáo dục thì “So sánh còn gọi là tỉ dụ, là phương thức biểu đạt bằng ngôn ngữ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua thuộc tính của hiện tượng kia..
Chính vì thế, so sánh thường có hai vế. Vế đầu là hiện tượng cần được biểu đạt một cách hình tượng. Vế sau là hiện tượng được dùng để so sánh. Hai
vế này thường được nối liền với nhau bởi từ như hoặc bằng các từ so sánh khác: bằng, hơn, kém.
Ví dụ:
Thân em như dải lụa đào
(Ca dao)
Văn học dân gian thường lấy những sự vật cụ thể hoặc những hiện tượng tự nhiên làm chuẩn mực so sánh nhằm cụ thể hóa những hình tượng trừu tượng. Chẳng hạn:
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
(Ca dao)
Chức năng của so sánh trong văn học hiện đại rất đa dạng. Có khi so sánh được sử dụng như một phương tiện tạo hình. Ví dụ: “Cái râu mới lạ làm
sao? Nó đen như vệt hắc ín và cong như cái lưỡi liềm. Nó nhọn như cái mũi dùi nung và bầu như đầu dao trổ. Nó khum khum quắp lấy hai mép, giống
như hai cánh dơi. Nó vắt vểu ra hai mang tai, gần như hai cái sừng củ ấu”.
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn). Có khi so sánh được sử dụng như một phương tiện biểu hiện, hoặc kết hợp cả biểu hiện lẫn tạo hình. Chính vì thế, chuẩn mực so sánh trong văn học hiện đại rất da dạng. Có nhiều kiểu so sánh hết sức độc đáo, bất ngờ.
Ví dụ:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
(Xuân Diệu)
Bằng con đường so sánh, nhà văn có thể phát hiện ra rất nhiều đặc điểm, thuộc tính của một đối tượng hoặc hiện tượng. Do đó, so sánh là biện pháp nghệ thuật quan trọng, góp phần tạo cho người đọc những ấn tượng thẩm mĩ hết sức phong phú”.
Trong sáng tạo thơ ca, liên tưởng so sánh là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc, đặc biệt là trong sáng tác thơ văn xuôi - một hình thức được xem là tự do nhất trong mọi thể loại thơ ca. Dưới áp lực dồn nén của một dòng cảm xúc, và niềm khát khao được bộc lộ, giãi bày của chủ thể trữ tình, tác phẩm thơ văn xuôi vừa phát triển tự nhiên theo trục dọc như môt bài thơ tự do, vừa mở rộng liên tưởng theo hình thể tuyến tính của văn xuôi. Sự cộng hưởng của hai chiều liên tưởng ấy đã giúp cho tác phẩm neo đậu được trên ranh giới mong manh giữa thơ và văn xuôi. Việc đãi chữ, lọc từ đã không còn là quan trọng với các nhà thơ khi ngôn ngữ thơ luôn có xu hướng được văn xuôi hóa, dung nạp nhiều hình thức tổ chức lời thơ nhằm giải phóng mức tối đa sự dạt dào của tư tưởng, cảm xúc. Câu thơ văn xuôi có sự kết hợp hài hòa giữa tư duy lôgíc và tư duy hình tượng, với lối kiến trúc bề thế, nhiều tầng bậc, hình ảnh, đã trở thành đơn vị cơ bản, là tế bào làm nên sức sống, vẻ đẹp riêng cho bài thơ. Với những đặc điểm đó, liên tưởng so sánh đã chứng tỏ được khả năng, ưu thế của mình và trở thành một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong việc kiến tạo câu thơ văn xuôi, mà đây là một ví dụ:
Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn đọng lại
Sóng như hàng nghìn trưa xanh trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời.
Nếu núi là con trai thì bể là phận yểu điệu nhất của quê hương đã biến thành con gái, mỗi đêm hè da thịt sóng sinh sôi.
(Cành phong lan bể - Chế Lan Viên) Chúng ta nhận thấy chất sống và hiện thực cuộc đời ồ ạt đi vào tác phẩm. Hình ảnh đất nước trong dựng xây và chiến đấu tràn ngập trên những trang thơ. Rừng, biển, đồng bằng, núi non hiện lên với dáng đứng hiên ngang, bay lượn; bầu trời và mặt đất xanh biếc đến ngỡ ngàng.
Văn xuôi về một vùng thơ, Giờ của sổ thành...chính là sự khẳng định sự
thành công của một thể loại có ưu thế trong việc phản ánh hiện thực. Ở đấy, nhà thơ có dịp tung hoành, lĩnh xướng và ngợi ca Tổ quốc đẹp giàu, đầy dự cảm trong tương lai với hình ảnh những con tàu ra khơi, đến và đi tấp nập: “Say lảo đảo tàu hát từ đại dương hát tới - Hát từ bể vào - Cột tàu say, ống
khói say, say từ dây neo, dây cáp - Từ trên boong say xuống các buồng tàu - Tàu làm dáng làm duyên kéo hết quạt hết cờ xanh vàng vàng đỏ đỏ”.
Trong Tùy bút một mùa xuân đánh giặc nhờ thể thơ này mà Chế Lan Viên đã tạo ra được cách nghĩ, cách tư duy mới mẻ, khẳng định dáng đứng Việt Nam và sự kỳ diệu của con người Việt Nam “Cả phố phường ngất ngây - cùng nhân dân tổ quốc - Trọng điểm...hồng...thời gian”. So với dung lượng
của các thể thơ khác, rõ ràng thơ văn xuôi tỏ ra có ưu thế hơn trong việc ôm chứa hiện thực và cách liên kêt hình ảnh, ngôn ngữ. Nhưng cũng cần thấy rằng; “Hình thức thơ văn xuôi và việc đưa chất văn xuôi vào thơ là hai vấn đề khác nhau. Tuy vậy sự phát triển thơ tự do và sự thể nghiệm thơ văn xuôi cũng gián tiếp tác động đến việc đưa chất văn xuôi vào thơ - một phương diện mà nền thơ ca tiếng Việt còn biết đến khá ít”. (Lại Nguyên Ân và...Một thời
đại văn học mới, Văn học, Hà Nội, 1987, tr 41). Có thể nói rằng đến Chế Lan
Viên câu thơ tự do mới giãn ra đến cực đại để dung chứa đời sống mà vãn không làm giảm chất trữ tình đằm thắm của thơ. Đó chính là nhờ ông biết tạo nhịp điệu và hình ảnh, biết sáng tạo trong gieo vần và cấu trúc đối, biết dùng những động từ và tĩnh từ mạnh, dễ gây ấn tượng để làm hoán cải nội dung bên trong. “Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu và bảo vệ - Mây nước, cửa nhà, văn học,
ngữ ngôn”. Chúng ta nhận thấy nó gần với ngôn ngữ văn xuôi nhưng không
phải văn xuôi. Chế Lan Viên có cách tổ chức ngôn ngữ quái đản và lung linh, cân đối, nhịp nhàng, tạo từ, tạo nghĩa mới, mang tính biểu trưng cao. Cành
phong lan bể có nhiều câu dài mà vẫn hay, hình ảnh bất ngờ và vì vậy có khả
năng tồn tại lâu dài.
Nếu thơ lục bát, thơ năm chữ...dễ nhớ, dễ thuộc và đi vào lòng người nhanh thì thơ văn xuôi hoàn toàn trái lại. Bởi vì, nói như nhà nghiên cứu Phan Ngọc: “Nhà thơ bỏ sự gò bó bên ngoài về hình thức không phải để quay trở về với văn xuôi, mà chấp nhận những gò bó khác, ở cấp độ cú pháp và từ vựng”. Tuy vậy, một ưu thế của thơ văn xuôi là phóng túng trong câu chữ, giúp nhà thơ dễ dàng diễn đạt nôi dung xã hội, trạng thái tình cảm và phá cách trong gieo vần, ngắt nhịp, xen cài các thể thơ một cách linh hoạt. Chế Lan Viên đã vận dụng và biến nó thành phương tiện nghệ thuật hữu hiệu của mình. Các bài thơ Tiếng hát con tàu, Chim lượn trăm vòng, ý nghĩ mùa
xuân...trong tập Ánh sáng và phù sa là những thể nghiệm thành công ban đầu,
đến Cành phong lan bể, Tàu đến, Tàu đi và sau này trong các tập thơ Hoa
ngày thường, chim báo bão, Đối thoại mới, Những bài thơ đánh giặc...có thể
nói tiến trình mở rộng dung lượng phản ánh và tự do hóa hình thức thơ Chế Lan Viên đã đạt đến phong cách, thể hiện tài năng sáng tạo của ông ở thể thơ tự do, thơ văn xuôi.
Nhìn chung, hầu như các bài thơ văn xuôi luôn luôn thể hiện một sự phóng túng, tự do, vượt qua mọi rào cản của vần nhịp. Dòng cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ chảy tràn lên câu thơ một cách tự nhiên như không gì ngăn cản nổi. Độ dài ngắn của câu thơ, đoạn thơ luôn luôn thay đổi với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Khái niệm dòng thơ đã không còn ý nghĩa trong kết cấu bài thơ. Chính vì vậy, sự xuất hiện những câu thơ - đoạn thơ đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong thơ văn xuôi, trong đó thủ pháp so sánh giữ một vai trò quan trọng trong việc liên kết các từ, ngữ mở rộng biên độ câu thơ với nhiều sắc thái biểu cảm hòa quyện vào nhau. Hình thức câu thơ rất gần với câu văn xuôi, bộn bề chi tiết, hình ảnh, có trường hợp mang màu sắc lập
luận khá rõ. Rất nhiều các bài thơ văn xuôi sử dụng thủ pháp so sánh. Chẳng hạn như chỉ với hai đoạn thơ ngắn dưới đây mà có tới ba lần sử dụng so sánh.
Tháng năm đi qua đầy biến động trên một nửa kiếp người, từng lớp lá thay mùa rụng xuống vùn lên như nấm mồ thiên táng âm thầm, não nề, nhạt nhoà sương khói. Những mối tình con gái như những hòn cuội ném xuống dòng sông lặng chảy, tạo nên những vùng xoáy để rồi lắng sâu đến tận ruột cát chỉ thế thôi mà đời tôi oằn lên những khúc lở đoạn bồi. Để ai đó cất lên những câu hát ngợi ca, ai đó khóc lên những điệu buồn oán thán.
Tôi chỉ buồn, buồn dai dẳng và âm thầm, thỉnh thoảng những ánh mặt trời trách móc hờn tủi như những vết dao rạch xuống quá khứ - trái tim tôi bị những vết khía dọc của kỷ niệm và nhát cắt ngang của ngày hôm nay, bầm dập nhức buốt.
(Hồn đá, Phan Đình Tiến - Báo Văn Nghệ trẻ số 13)
Hay trong thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ cũng sử dụng nhiều hình ảnh so sánh:
Những ngưới đàn bà góa bụa làng tôi như những con cào cào áo nâu khuất dần sau cỏ. Từ chân trời xa chuyện về những ngọn gió loang lổ màu đỏ. Những ngón tay của gió như điên cuồng, như kiệt sức bới rối tung từng đám lá cỏ gai
...Những người đàn bà góa bụa làng tôi, gồng gánh trên vai, trên những con đường mòn như cột sống dị tật của ngàn đời vất vả.
(Những ví dụ, Nguyễn Quang Thiều) Hình thức so sánh phổ biến nhất trong thơ văn xuôi là sử dụng các liên từ so sánh: như, cũng như, hình như. Đây là hình thức so sánh trực tiếp, rất quen thuộc trong giao tiếp ngôn ngữ cũng như trong sáng tạo thơ ca. Và như chúng ta biết, văn học từ xưa đến nay bao giờ cũng xem so sánh là phương thức biểu đạt tốt nhất để nội hàm ngữ nghĩa, để những thuộc tính, sắc thái ý
nghĩa trong từng đối tượng xuất hiện. Trong ca dao, biện pháp so sánh được sử dụng rất sớm và trở thành phương thức tư duy có hiệu quả: “Thân em như tấm kụa đào”, “Thân em như chẽn lúa đòng đòng”...Ngày nay ta nhận thức
được kiểu so sánh này chính là nhờ đặc trưng tương đồng của các đơn vị ngôn ngữ, xuất phát từ sự khái quát, liên hệ những đặc điểm, tiêu chí gần nhau của những đối tượng. Khi đã so sánh và mọi người chấp nhận thì những hệ hình tương liên hình thành, làm xuất hiện phương cách tư duy mới: ẩn dụ, hoán dụ. Cả ẩn dụ và hoán dụ đều có tác dụng làm cho thông báo cô đọng, ít lời mà nhiều ý, tác động tới óc phán đoán, phân tích và năng lực tư duy của độc giả. Jakobson trong tác phẩm Mấy vấn đề thi pháp đã nói: “Mọi ẩn dụ đều phảng phất tính hoán dụ và mọi hoán dụ đều có nhiều tính cách ẩn dụ” (Thụy Khuê - Cấu trúc thơ, Văn nghệ, California, Hoa Kỳ, 1996, tr107). Nhờ hai biện pháp này mà thơ có vần và thơ văn xuôi, thơ tự do tưởng chẳng bao giờ gặp nhau lại có khả năng giao thoa để tạo thành chất thơ.
Nghiên cứu hoạt động giao tiếp của ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học từ F.de Saussure đến Joman Jakobson đều phân biệt hai trục chính trong hoạt động ngôn ngữ: lựa chọn và kết hợp. Cấu trúc ngôn ngữ thơ không nằm ngoài quy luật chung ấy. Do tính đặc thù của thể loại, ngôn ngữ thơ văn xuôi chủ yếu được xây dựng bằng hệ kết hợp với một số lượng âm tiết tự do. Với đặc điểm đó, so sánh đã trở thành thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu để tổ chức lời thơ theo xu hướng mở rộng biên độ câu thơ, phóng túng trong tiết tấu, tự do trong ngắt nhịp, đủ khả năng chuyển vận một dòng cảm xúc suy tưởng vừa đam mê, cuồng nhiệt, gấp gáp hối hả, lại vừa điềm tĩnh khách quan, nhiều lí sự của chủ thể trữ tình.
Tháng năm đi qua đầy biến động trên một nửa kiếp người, từng lớp lá thay mùa rụng xuống vùn lên như nấm mồ thiên táng âm thầm, não nề, nhạt nhoà sương khói.
Tôi chỉ buồn, buồn dai dẳng và âm thầm, thỉnh thoảng những ánh mặt trời trách móc hờn tủi như những vết dao rạch xuống quá khứ - trái tim tôi bị những vết khía dọc của kỷ niệm và nhát cắt ngang của ngày hôm nay, bầm dập nhức buốt.
(Hồn đá , Phan Đình Tiến - Báo Văn Nghệ trẻ số 13 năm 1998)
Em sẽ yêu anh như tháng giêng thương nhớ. Ôi tháng giêng, tháng giêng, tháng giêng. Tháng lộng lẫy của cả mười hai tháng, tháng tiếng hát của các loài chim, tháng vương miện các loài hoa, tháng hạnh phúc trăm thứ quả...Tháng giêng dài như sông, tháng giêng rộng như biển. Tháng giêng chở những lời tha thiết - nói rằng Em yêu anh, yêu anh...
(Em yêu anh như tháng giêng, Phạm Thị ngọc Liên, Giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội 1989 -1990) Những ví dụ trên đây cho thấy, biên độ câu thơ giãn nở một cách tự nhiên nhờ sự liên tưởng so sánh, kết hợp với việc mở rộng định ngữ bằng một chuỗi hình ảnh chứa đầy cảm xúc. Khái niệm dòng thơ chỉ còn có ý nghĩa tương đối, sự gắn kết trong câu thơ là hết sức tự nhiên, không hề có một dấu hiệu kỹ thuật, mà “chất keo” của nó chính là dòng cảm xúc, suy tưởng của nhà thơ. Giọng điệu câu thơ là giọng điệu giãi bày, bộc bạch, chứa đựng một tình cảm nồng nàn tha thiết. Hiệu ứng thẩm mỹ của phép so sánh này là hết sức rõ ràng, nó không chỉ mang đến cho câu thơ một khả năng truyền cảm, mà còn có khả năng gợi cảm, khơi dậy trí tưởng tượng của người đọc, tìm đến những liên tưởng xa xôi vừa mơ màng hư ảo, vừa gần gũi chân thực. Sức ám gợi của câu thơ, bài thơ nhờ vậy cũng trở nên mạnh mẽ, sâu sắc hơn, có khả năng tác động trực tiếp vào lí trí người đọc.
Những so sánh trên đây cũng cho chúng ta thấy nó không có gì mới về cấu trúc, nhưng lại luôn có khả năng mang đến một cảm giác bất ngờ, tạo nên hứng thú thẩm mỹ cho người tiếp nhận.