Quá trình mở rộng giao lưu tiếp xúc và sự thức tỉnh ý thức cá nhân.

Một phần của tài liệu Thơ văn xuôi việt nam 1975 - 2000 (Trang 52 - 66)

Hơn một phần tư thế kỷ qua đi, từ khi cuộc kháng chiến chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của dân tộc ta ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, đất nước, xã hội và con người Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn chồng chất và không ít thử thách hiểm nghèo của thời hậu chiến để đứng vững và hơn thế nữa tạo được những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc, nhất là từ khi công cuộc đổi mới mở ra cho đến nay. Nền văn học như một tấm gương tinh thần của cuộc sống đất nước, có chung vận mệnh và đồng hành cùng dân tộc qua những thăng trầm của lịch sử, từ sau 1975 cũng đã phải đứng trước nhiều thách thức gay gắt và đã có những biến đổi sâu rộng trên mọi mặt của quá trình văn học.

Như chúng ta đã biết, lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc giao lưu tiếp xúc, qua mỗi lần giao lưu tiếp xúc như vậy chúng ta đã thu lượm không ít những kết quả tốt đẹp, không chỉ về thể loại mà còn về các phương diện khác của văn học như đề tài, nội dung cảm hứng, quan niệm nghệ thuật, sự chuyển động của ngôn ngữ, giọng điệu, ... góp phần làm nên sự vận động của văn học nước nhà. Đặc biệt từ sau 1975, đất nước ta hoàn toàn được giải phóng, Bắc Nam xum họp một nhà, dân tộc ta có hòa bình, nhân dân ta lại cùng nhau chung sức, đồng lòng góp phần vào dựng xây lại đất nước, cũng từ đây, chúng ta càng rộng mở vòng tay đón chào sự giao lưu hợp tác với nhiều nước trên thế giới. Quá trình mở rộng giao lưu tiếp xúc càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Chính công cuộc đổi mới, sự giao lưu, tiếp xúc này đã là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có văn học. Chính vì vậy mà trong “Hội thảo khoa học 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám” đã nhận định: “Văn học Việt Nam từ sau tháng 4 năm 1975, nhất là từ giữa những năm 80 trở lại đây, đã đi những bước tiếp xa hơn trên con đường

hiện đại hóa nền văn học dân tộc ở thế kỷ XX, để hòa nhập đầy đủ vào tiến trình văn học thế giới”. Xu hướng dân chủ hóa trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học. Dân chủ hóa đã thấm nhuần và được thể hiện ở nhiều cấp độ và bình diện của đời sống văn học. Trong xu hướng dân chủ hóa của xã hội, văn học không hề từ bỏ vai trò vũ khí tinh thần - tư tưởng của nó, nhưng nó được nhấn mạnh trước hết ở sức khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự báo, dự cảm. Thêm nữa, nó còn được xem là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện, bao gồm cả việc phát triển tư tưởng, quan niệm, chính kiến của mỗi người nghệ sỹ về xã hội và con người. Văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng, mà còn có thể là phát ngôn của mỗi cá nhân. Trong một nền văn học hướng tới tinh thần dân chủ, càng đòi hỏi và có thể thừa nhận tư tưởng riêng, cái nhìn riêng của mỗi người thì người viết dù rất tin và muốn bênh vực cho những quan niệm của mình cũng không thể biết đến những tư tưởng và quan niệm khác.

Xu hướng dân chủ hóa và đổi mới trong văn học đã thâm nhập và được biểu hiện ra trên nhiều bình diện của sáng tác, từ hệ đề tài, các kiểu kết cấu và mô tuýp chủ đề cho đến giọng điệu, ngôn ngữ. Và một điều rất dễ phân biệt nữa đó là ai cũng dễ dàng nhận ra trong nền văn học sử thi của giai đoạn trước có giọng điệu bao trùm là ngợi ca, trang trọng với những sắc thái hoặc hào hùng, hoặc trữ tình ngọt ngào, thắm thiết như chúng ta gặp trong Bài ca chim

Chơ-rao của Thu Bồn, Tàu đi của Chế Lan Viên,... Tính độc thoại cũng là

đặc điểm không thể tránh khỏi của khuynh hướng sử thi. Khi văn học hướng tới tinh thần dân chủ, thì tính chất đơn thanh sẽ dần nhường chỗ cho tính đa thanh, phức điệu. Xu hướng dân chủ hóa đã đưa đến sự nở rộ của các phong cách, các bút pháp, bộc lộ hết mình các cá tính sáng tạo của nhà thơ cùng với việc ra sức tìm kiếm, thử nghiệm nhiều hình thức và thủ pháp thể hiện mới, kể

cả tiếp thu và vận dụng những yếu tố của các trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây.

Ngược dòng lịch sử trở về với hồi đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những năm 20, do sự chuyển biến của hình thái xã hội và sự tác động, ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng phương Tây, ý thức cá nhân đã được nảy nở mạnh mẽ cùng với tinh thần dân chủ trong xã hội Việt Nam đương thời, đặc biệt là trong tầng lớp tiểu tư sản thành thị và trí thức Tây học. Đó là cơ sở tư tưởng cho sự hình thành và phát triển cái “tôi” cá nhân, cá thể trong văn học, đặc biệt là trong khuynh hướng lãng mạn. Cái “tôi” ấy chống lại sự kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng cá nhân, cá tính, giải phóng tình cảm, cảm xúc mà trước hết là trong tình yêu và hôn nhân. Cái “tôi” đã đem lại cho văn học nguồn cảm hứng mới mẻ và khá dồi dào, tự nhiên, nhưng rồi cũng mau chóng khô cạn, bế tắc. Cuộc cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến liền tiếp sau đó đã khơi dậy và phát triển đến cao độ ý thức cộng đồng mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức giai cấp. Có thể nói, nền văn học cách mạng suốt ba mươi năm (1945 - 1975) đã được xây dựng và phát triển trên nền tảng tư tưởng là ý thức cộng đồng ấy. Cảm hứng chủ đạo của nền văn học là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ sau năm 1975 khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Sự thức tỉnh trở lại ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm đổi thay quan niệm về con người. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái

đích đến cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Con người được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: con người xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác, với chính mình... Con người cũng được văn học soi chiếu, khám phá ở nhiều bình diện, tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát.

Xu hướng dân chủ hóa và sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã đưa tới sự phát triển phong phú, sôi nổi, đa dạng của văn học từ sau 1975, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới đất nước. Sự đa dạng và phong phú được thể hiện trên nhiều bình diện văn học: Đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, nhiều tìm tòi về thủ pháp nghệ thuật; đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mỹ. Quả thực khu vườn văn học ngày nay là một cảnh tượng rất đa sắc màu nhiều hương vị, lắm dáng vẻ, thậm chí còn có những hiện tượng kì dị, lạ lùng.

Có thể nói rằng, văn học sau đổi mới, trong đó có hình thức thơ văn xuôi đã xuất hiện nhiều lối viết khác trước đây. Trong vận hội mới, trước thị hiếu công chúng mới, các nghệ sỹ không thể đi theo đường xưa, lối cũ, một số tác giả đã tự đổi mới trong tư duy sáng tạo với bao chiêm nghiệm và dự cảm về sự biến đổi của xã hội, thời cuộc, thân phận con người. Sau chiến tranh, đất nước đổi thay, đáp ứng với hiện thực văn học phải có đổi mới. Điều này mang tính phát triển và phù hợp với quy luật khách quan: “Khi những biến động xã hội luôn luôn tác động đến cuộc sống, số phận con người đổi thay, những vấn đề thế sự và nhân sinh luôn đặt ra những câu hỏi giày vò lương tâm của mỗi người thì người viết cũng phải suy nghĩ và có thái độ thích hợp” (Hà Minh Đức). Cuộc sống hôm nay không còn đơn giản, nó đòi hỏi nhà thơ phải có cái

nhìn khắt khe hơn, hoài nghi hơn, cần phải đóng dấu được cái bản ngã của mình vào trang viết. Sẽ là trái với quy luật phát triển nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận những dàn đồng ca tẻ nhạt, đơn điệu với lối thơ như điệu ru ầu ơ. Thơ hôm nay phải bộc lộ được những màu sắc phong phú của đời sống, những ngõ ngách sâu kín của tâm linh, những oán hận, những bất trắc, những khổ đau, những niềm tin và khát vọng mãnh liệt. Mỗi người một dáng vẻ, người nói ngược, người phá phách, người tự thú, người trở lại cội nguồn...Rất nhiều gương mặt đã hăm hở tham dự vào cuộc hành trình thơ ấy và có không ít những tìm tòi đã thành công.

Tính từ 1985, văn học Việt Nam thực sự đã có một giai đoạn phát triển mới. Đời sống văn học sôi động và phong phú hẳn lên. Số lượng sách báo in ra, kể cả sách dịch và các sáng tác trong nước, ngoài nước tăng hơn trước đây rất nhiều. Lượng văn học dịch rất nhiều có dấu ấn rõ ràng của sự mở rộng giao lưu tiếp xúc. Theo GS Trương Đăng Dung: “Sự thâm nhập của văn học dịch vào các nền văn học khác nhau với mức độ tiếp nhận cũng khác nhau đã soi sáng và gợi mở những khía cạnh lý luận của nghiên cứu văn học so sánh”.

Trong quá trình phát triển của văn học, việc mở rộng giao lưu tiếp xúc là một phần không thể thiếu của lịch sử văn học. Khi một nền văn học này được tiếp nhận, ảnh hưởng bởi một nền văn học khác hoặc ngược lại thì chúng sẽ dễ dàng phát hiện ra bản thân mình hơn vì chúng được nhìn bằng con mắt của một nền văn học khác. Chỉ trong giao tiếp và đối thoại thì thế đứng của mỗi nền văn học mới được củng cố và tự khẳng định. “Khi hai nền văn học gặp gỡ, đối thoại với nhau. Chúng không hòa trộn vào nhau, mỗi bên bảo vệ sự thống nhất và sự nguyên vẹn để ngỏ của mình” ( Bakhtin ).

Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ VĂN XUÔI 1975 - 2000.

Cho đến nay sự tồn tại của thơ văn xuôi trong đời sống thơ ca hiện đại là một thực tế không thể phủ nhận. Nó được nhìn nhận như một hiện tượng tự nhiên trong quá trình dân chủ hóa hình thức thơ mang tính toàn cầu, gắn với nhu cầu của con người hiện đại. Chúng ta được biết đến hàng loạt các nhà thơ

có tên tuổi, gắn liền với những bài thơ văn xuôi nổi tiếng như W. Whitman (1819 - 1892), C. Baudalaire (1821 - 1867), A. Rimbau (1854 - 1891), Lỗ Tấn (1881 - 1936), R. Tagore (1861 - 1941), Chế Lan Viên (1920 - 1989)....Tuy nhiên cho đến nay thơ văn xuôi là một thể loại chưa hoàn tất, đang trong quá trình vận động sinh thành. Chính vì vậy, việc xác định nội hàm khái niệm là một điều chưa thể, cũng như việc dựng nên một bức tranh chung về thơ văn xuôi Việt Nam 1975 - 2000 là một công việc cực kỳ khó khăn.

Nhìn vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, chúng ta có thể thấy số lượng những bài thơ văn xuôi thành công ở vào giai đoạn nào cũng ít và hiếm. Tuy nhiên, nó lại được xem là có tính dân chủ, tự do nhất của thể loại trữ tình, là “phương tiện của người nghệ sỹ hiện đại tha thiết”. Theo C. Baudelaire (1821 - 1867), đó là loại “thơ du dương không điệu, không vần, hơi mềm và

hơi cứng, để có thể thích ứng với những chuyển động trữ tình của tâm hồn, với làn sóng nhấp nhô của mơ mộng, với những xúc cảm bất thường của lương tri”. Đặc điểm nổi bật của thể loại thơ văn xuôi là sự mở rộng những

vùng giao thoa giữa hai thể loại thơ và văn xuôi. Cảm xúc của nhà thơ vượt khỏi sự ràng buộc của vần, nhịp, độ ngắn dài của câu thơ, bài thơ. So với thơ ca truyền thống, cấu trúc một bài thơ văn xuôi đã được mở dần biên độ, dung nạp trong nó nhiều yếu tố văn xuôi như cốt truyện, lời kể, lời đối thoại, những nghịch lí...mở ra một khả năng to lớn cho việc kết hợp những hài hòa tư tưởng và tình cảm, lý trí và cảm xúc trong thơ.

Với sự xuất hiện của thơ văn xuôi, ranh giới thơ đã được mở rộng, đánh dấu quá trình tự do hóa hình thức thơ. Chính vì vậy, thơ văn xuôi được xem như là một khuynh hướng phát triển của thơ ca hiện đại, có khả năng đáp ứng một cách cao nhất nhu cầu hướng nội, với niềm khát khao được tự thú, tự bạch của con người cá nhân, cá thể. Mặt khác, sự dung nạp lối biểu hiện của

văn xuôi vào thơ cho phép nhà thơ không chỉ khám phá, bày tỏ mà còn có thể lý giải mọi vấn đề của đời sống.

Thơ văn xuôi, theo Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (NXB Giáo dục, 2006) là “Một hình

thức cơ bản của thơ được viết bằng văn xuôi. Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là “câu thơ”) làm đơn vị nhịp điệu, không có vần. Chất thơ của thơ văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu sức gợi, bất ngờ, chất triết lý thâm thúy, thơ mộng”.

Theo từ điển văn học Pháp “Diễn giả dường như bay bổng bằng lời

hùng biện, hoặc sứ giả say sưa khi mô tả kỳ tích lịch sử, đó là những người đích thực làm thơ bằng văn xuôi”: cha xứ địa phận La Bresche, định nghĩa

như vậy về thể thơ văn xuôi vào năm 1663.

Như vậy, có thể thấy rằng, ý niệm về thơ văn xuôi đã được nhìn nhận không phải từ hình thức ngôn từ mà trước hết là từ sự chi phối mạnh mẽ của áp lực cảm xúc của chủ thể.

Ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng thể thơ văn xuôi đã có mầm mống từ trong thể văn biền ngẫu trong văn chương trung đại: Cáo, Hịch, Phú... Tiêu biểu cho quan niệm này là Xuân Diệu, Hà Minh Đức. Xuân Diệu, nhà thơ có công đầu trong việc đóng góp những suy nghĩ, tìm tòi mang tính lí luận về sự hình thành và phát triển của thơ văn xuôi nói chung và thơ văn xuôi Việt Nam nói riêng, trong tiểu luận Vài ý kiến về Thơ văn xuôi (in trên Báo Văn nghệ số 88 - 1965), đã cho rằng: Thơ văn xuôi có nguồn gốc từ thể phú, một thể loại

vừa là thơ, vừa là văn; nó là thơ vì nó có âm thanh theo luật bằng trắc, có

Một phần của tài liệu Thơ văn xuôi việt nam 1975 - 2000 (Trang 52 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(144 trang)
w