HIỆN TRẠNG CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VTHKCC TUYẾN BUÝT SỐ 04, NHỮNG PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ
2.2.2 Đặc điểm luồng hành khách trên tuyến 04.
Hành khách tuyến buýt 04 rất đa dạng gồm học sinh, sinh viên, công nhân, cán bộ công nhân viên chức… cùng với đó là mục đích sử dụng xe buýt là khác nhau, như ; đi học, đi làm….với đặc điểm như trên sẽ tạo ra sự biến động luồng hành khách trên tuyến. Ở đây ta xét tới 2 sự biến động chính là : sự biến động hành khách theo thời gian và sự biến động hành khách theo không gian.
a. Biến động hành khách theo thời gian :
Xem xét sự biến động luồng hành khách theo thời gian là ta chia thời gian ra các khoảng nhất định và xem xét sự thay đổi của luồng hành khách.
Theo thời gian hoạt động của tuyến buýt 04 trong 1 ngày : biến động của luồng hành khách của tuyến trong ngày ta chia làm 2 loại :
− Luồng hành khách giờ cao điểm.
− Luồng hành khách giờ thấp điểm.
Đối với giờ cao điểm. Theo chu trình hoạt động của tuyến buýt 04 là từ 5h30 tới 20h30 thì ta có các khoảng thời gian cao điểm sau :
− Từ 7h tới 9h
− Từ 11h tới 13h
− Từ 17h tới 19h
Việc hình thành nên giờ cao điểm là do nhu cầu đi lại thiết yếu của hành khách vào một cung thời gian nhất định. Nhu cầu này là thường xuyên và ít có sự thay đổi nhu: đi học, đi làm,…. Với việc các cơ quan tập trung giờ học và giờ làm vào một cung thời gian nhất định làm cho nhu cầu đi lại của hành khách cũng tuân thủ theo một quy luật nhất định. Việc tập trung đi lại vào một thời gian tạo nên sự quá tải về dịch vụ cung ứng, trong khi đó, các khoảng thời gian còn lại trong ngày thì lượng hành khách lại rất ít. Đó chính là nguyên nhân hình thành nên giờ cao điểm.
Xét rộng hơn ta tính tới sự biến động hành khách theo các ngày trong tuần. Sự biến động luồng hành khách sẽ được chia làm 2, với ngày bình thường và ngày nghỉ , ngày lễ. Trong ngày nghỉ, ngày lễ mục đích chuyến đi của người dân thường là vui chơi , giải trí, mua sắm, thăm hỏi….với mục đích chuyến đi như vậy thì người dân thường sử dụng phương tiện cá nhân hơn là sử dụng xe buýt làm phương tiện chuyên chở. Đối với ngày thường, với việc % sử dụng xe buýt của học sinh, sinh viên là chủ yếu sẽ đẩy lượng nhu cầu sử dụng xe buýt tăng.Chính vì vậy, tạo nên sự biến động luồng hành khách theo các ngày trong tuần.
Với phương pháp điều tra đếm số lượng hành khách vào các khoảng thời gian trong ngày mà xe buýt 04 hoạt động. Cùng với việc đếm số lượng hành khách vào ngày nghỉ và ngày thường ta có biểu đồ số liệu như sau:
Hình 0-11: Biểu đồ luồng hành khách tuyến 04 chiều Bến Thành – An Sương.
Qua biểu đồ, dễ dàng nhận thấy là lượng hành hành tập trung chủ yếu vào các giờ cao điểm trong ngày. Với lượng hành khách đặt mức cao nhất vào khoảng thời gian từ 17h tới 19h với 462 hành khách. Trong khi đó lượng hành khách sử dụng xe buýt rất ít vào khoảng thời gian từ 13h tới 15h với chỉ 187 hành khách. Bên cạnh đó, lượng hành khách trong ngày bình thường cao hơn hẳn lượng hành khách xét vào ngày nghỉ. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi mà vào các khoảng thời gian cao điểm thì là giờ tan học của học sinh, sinh viên…giờ nghỉ làm của của cán bộ, công nhân… phát sinh nhu cầu về nhà, và xe buýt là một trong những cách mà họ sử dụng.
Hình 0-12: Biểu đồ luồng hành khách tuyến 04 chiều An Sương – Bến Thành.
Cũng giống như chiều đi từ Bến Thành đi An Sương, lượng hành khách chiều An Sương – Bến Thành lượng hành khách lại tập trung chủ yếu vào các giờ cao điểm trong
ngày. Với lượng hành khách đạt mức cao nhất là 780 trong khoảng thời gian từ 17h tới 19h (ngày thường) và lượng hành khách thấp nhất là 368 vào khoảng thời gian từ 15h tới 17h (ngày thường). Lượng hành khách giờ ngày thường và ngày nghỉ có sự chênh lệch rõ rệt. Với lượng hành khách ngày thường lớn hơn hẳn. Bên cạnh đó, lượng hành khách chiều An Sương – Bến Thành lớn hơn lượng hành khách chiều ngược lại.
b. Biến động luồng hành khách theo không gian.
Xét tới sự biến đổi luồng hành khách theo không gian, ta phân tích sự biến động hành khách tại cái điểm dừng đỗ xe buýt. Để biết được sự biến động hành khách tại các điểm dừng đỗ mà xe buýt 04 đi qua, tiến hành điều tra trên tuyến. Phương pháp điều ta áp dụng ở đây là phát bảng hỏi hành khách, cùng với đó la đếm hành khách lên xuống tại các điểm dừng đỗ. Theo kết quả khảo sát vào ngày thường và ngày nghỉ, luồng hành khách tại các điểm dừng đỗ mà tuyến buýt 04 đi qua theo chiều Bến Thành – An Sương được biểu diễn dưới biểu đồ sau :
Hình 0-13: Biểu đồ hành khách lên xuống tại các điểm dừng, chiều Bến Thành – An Sương.
Theo biểu đồ, luồng hành khách lên xuống tập trung lớn nhất tại 2 điểm đầu cuối,lượng hành khách lên lớn nhất ở đầu Bến Thành với con số trung bình là 17 hành khách/ chuyến xe/ Bến Thành – An Sương. Lượng hành khách xuống tập trung chủ yếu ở Bến xe An Sương với gần 12 hành khách/ chuyến xe. Lượng hành khách lên xuống tại cái điểm dừng trên tuyến tập trung nhiều ở các vị trí điểm dừng số 17 tới vị trí điểm dừng số 27. Điều này là hoàn toàn hợp lý, vì đây là khu vực tập trung siêu thị, khu thương mại lớn.
Hình 0-14: Biểu đồ hành khách lên xuống tại các điểm dừng, chiều An Sương - Bến Thành
Theo chiều từ An Sương tới Bến Thành thì số điểm dừng đỗ ít hơn ( 38 so với 43 theo chiều Bến Thành – An Sương ) Luồng hành khách giữa ngày thường và ngày nghỉ ít có sự chênh lệch lớn. Lượng hành khách lên xe tập trung nhiều nhất ở Bến xe An Sương với trung bình 18 hành khách/ chuyến xe. Lượng hành khách xuống lớn nhất ở chiều Bến Thành, Với trung bình 16 hành khách/ chuyến xe. Lượng hành khách lên xuống tập trung lớn từ điểm dừng số 23 tới 37. Điều này được lý giải bởi việc tập trung các khu vui chơi giải trí, công viên. Khu mua sắm lớn… tạo nên nhu cầu của hành khách.