1. Kết quả đạt được.
Xét trên tổng thể hiện trạng công nghệ thông tin của tỉnh Nam Định ở vị trí trung bình so với cả nước. Theo đánh giá xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) năm 2005 và năm 2006 ta có:
Bảng 2.6: Xếp hạng ICT Index tỉnh Nam Đinh
Chỉ tiêu Năm 2005 Năm 2006
Xếp hạng so với cả nước 24 40
Hạ tầng công nghệ thông tin 16 16
Ứng dụng công nghệ thông tin 56 28
Nhân lực công nghệ thông tin 12 32
Công nghiệp công nghệ thông tin 31 42
Môi trường chính sách 41 51
Theo bảng xếp hạng chỉ số ICT Index ta thấy tỉnh Nam Định có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt, bước đầu xây dựng được hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, triển khai các hệ thống thông tin, các kho dữ liệu điện tử phục vụ
công tác quản lý, điều hành của Đảng uỷ - HĐND – UBND tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn.
Về ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ từ vị trí thứ 56 lên thứ 28 trên cả nước, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn yếu, việc đưa công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, hệ thống phần mềm dùng chung của đề án 112 không triển khai được.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành có xu hướng được nhân rộng: Theo kết quả tổng hợp chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 147 phần mềm ứng dụng các loại. Đã có một số phần mềm ứng dụng đạt hiệu quả như các chương trình: cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định, trang thông tin điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, CSDL về các văn kiện của đảng bộ tỉnh, quản lý hồ sơ đảng viên, phần mềm quản lý thi đua khen thưởng, các phần mềm chuyên ngành của sở GD & ĐT, sở Xây dựng, Sở tài nguyên môi trường, Sở tài chính, sở kế hoạch và đầu tư, sở khoa học và công nghệ, cục thống kê… Thông qua những phần mềm ứng dụng này, các đơn vị đã thực hiện việc truyền, nhận thông tin đa chiều, bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống báo cáo định kỳ, đột xuất và thư tín điện tử…. đảm bảo nhanh chóng, an toàn, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan của đảng, quản lý hành chính nhà nước và phục vụ thiết thực cho sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin đã có sự chững lại do ảnh hưởng của việc dừng triển khai Đề án 112/CP.
2. Những tồn tại hiện có.
Trong những năm qua, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra của Đề án tin học hoá hoạt động các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005 và đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 thì kết quả đạt được rất thấp. Có thể nêu lên một số tồn tại và nguyên nhân cơ bản sau:
Về nhận thức: Chưa thực sự coi công nghệ thông tin là phương tiện chủ lực để đi tắt, đón đầu trong quá trình CNH-HĐH đất nước như Chỉ thị 58 của Bộ chính trị đã nêu, chưa kết hợp chặt chẽ quá trình ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, thực hiện kỷ cương hành chính trong việc cập nhật thông tin điện tử, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào guồng máy hoạt động của bộ máy đảng và nhà nước để đổi mới phương thức lãnh đạo. Các cơ quan nhà nước chưa kiên quyết gắn việc ứng dụng công nghệ thông tin với xử lý công việc hàng ngày, chưa thực sự chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của đảng và chính sách nhà nước về công nghệ thông tin còn chậm: Chưa có cơ quan chủ trì giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyêt, chính sách về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đảng và nhà nước, do đó việc tổ chức triển khai thưc hiện chưa kịp thời và hiệu quả; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể và thích hợp để khuyến khích, ràng buộc trách nhiệm và lợi ích của các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và phần mềm ứng dụng vẫn còn bất cập, không đồng bộ. Mặc dù đã được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về tin học, song cán bộ, công chức chưa thực sự quen với cách làm việc trên mạng máy tính, (cập nhật, phối hợp xử lý,…), mà chủ yếu là xử lý văn bản và khai thác số liệu có sẵn trên mạng, phần đông ý thức của lãnh đạo, chuyên viên, cán bộ tự học về công nghệ thông tin còn chưa cao nên hiệu quả sử dụng thiết bị thấp.
Đầu tư chưa thoả đáng, hiệu quả chưa cao trong những năm vừa qua, Nam Định đã có sự quan tâm đầu tư cho ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, nhưng mới chỉ thực hiện chủ yếu ở các cơ quan đảng và nhà nước. Mặt khác, việc đầu tư về kinh phí còn nhiều hạn chế.
Rõ ràng sự phát triển của ngành CNTT tỉnh Nam Định đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên nhiều ngành nghề và các doanh nghiệp còn phát triển theo hướng tự phát, hiệu quả các chính sách và các định hướng vạch ra chưa cao. Qua đó ta có thể thấy được sự cần thiết phải có những chiến lược và phương hướng cụ thể, thiết thực hơn nữa, sâu sắc hơn nữa cho phù hợp với tình hình đặt ra đòi hỏi.
CHƯƠNG 3: ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CNTT TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011-2020