Các yếu tố đặc thù của TTCK Việt Nam

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động lên tỷ suất sinh lợi chứng khoán.pdf (Trang 87 - 88)

Mặc dù có những hạn chế trên, việc nghiên cứu mô hình cũng có một ý nghĩa nhất định trong quá trình ra quyết định đầu tư. Ở phần này ta tìm hiểu những yếu tố đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam, trên cơ sở đó kết hợp với kết quả của những mô hình đưa ra ở trên để đưa ra kiến nghị cho nhà đầu tư.

Thị trường Việt Nam đang còn ở buổi ban đầu và phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý, do đó những dữ liệu thống kê trên thị trường Việt Nam, ví dụ như giá cổ phiếu, không mang tính ổn định. Giá cổ phiếu trong nhiều thời gian biến động bất thường do tâm lý của nhà đầu tư, có thể là xuất phát từ một nguyên nhân cụ thể về phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn, thông tin về khả năng tạo lợi nhuận…; nhưng chính tâm lý nhà đầu tư đôi lúc đã thổi phồng những ảnh hưởng của các yếu tố này lên giá chứng khoán. Do đó khi đưa vào mô hình thì mối quan hệ giữa các nhân tố là không nhất quán và có thể là không phản ánh đúng bản chất mối quan hệ, làm cho mô hình giảm bớt tính đúng đắn và gây khó khăn trong việc giải thích mô hình. Do đó quá trình ra quyết định đầu tư không nên quá phụ thuộc vào mô hình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm phần lớn là nhà đầu tư cá nhân. Theo thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, kết thúc năm 2010, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tăng mạnh, lên đến hơn 1 triệu tài khoản, chiếm đa số là các tài khoản nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư tổ chức hiện có 102 công ty chứng khoán (hầu hết đều có mảng tự doanh), khoảng 50 công ty quản lý quỹ trong nước, trên 60 ngân hàng thương mại cổ phần, vài chục công ty tài chính, bảo hiểm và hàng trăm tổ chức đầu tư nước ngoài tham gia. Tuy nhiên các tổ chức trên vẫn chiếm thiểu số. Tỷ trọng giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 20% trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (Số liệu từ Cơ quan thông tin Bộ Tài chính,trang web tapchitaichinh.vn). Đây gần như là điều đối nghịch với các thị trường phát triển trên thế giới. Nhà đầu tư cá nhân vẫn còn thiếu kiến thức đầu tư, thiếu am hiểu thị trường, nghiên cứu thông tin, do đó khiến thị trường Việt Nam đôi lúc vận động không theo quy luật. Chính vì vậy, việc áp dụng các mô hình Fama-French, Carhart vào thị trường Việt Nam phải tính đến những đặc thù này của thị trường để có thể áp dụng mô hình cho phù hợp.

so với các thị trường khác như Mỹ, Nhật,…

Đồng thời thị trường chứng khoán Việt Nam còn chịu sự tác động và chi phối nhiều của Chính phủ, các chính sách tác động lên thị trường chứng khoán mang tính không nhất quán và trong một số trường hợp thay đổi thường xuyên, và do đó TSSL chứng khoán còn chịu ảnh hưởng của những nhân tố khác ngoài những yếu tố có trong mô hình. Ví dụ như mô hình có thêm nhân tố sự ổn định trong hệ thống pháp lý, khi đó đối với những thị trường có hệ thống pháp lý phát triển ổn định, nhân tố này là hằng số, trong khi đối với Việt Nam đây lại là một nhân tố thay đổi thường xuyên. Chính vì vậy mà mô hình chỉ gồm các nhân tố theo Fama-French, Carhart khi đưa vào Việt Nam có thể không hiệu quả và phải có những cải biến cần thiết.

Một nhân tố đặc thù nữa mà nhà đầu tư cần xem xét khi ra quyết định trên thị trường chứng khoán Việt Nam là phần lớn các công ty niêm yết trên TTCK hiện nay xuất thân từ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đồng thời chất lượng thành viên Hội đồng quản trị các công ty niêm yết là một yếu tố rất khác khi so sánh với các thị trường quốc tế. Do đó khi đầu tư còn cần quan tâm đến các yếu tố thuộc về đặc tính của Hội đồng quản trị: tỷ lệ sở hữu nhà nước, tỷ lệ sở hữu nước ngoài do thành viên Hội đồng quản trị làm đại diện, tỷ lệ thành viên có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên trong Hội đồng quản trị, tỷ lệ thành viên độc lập (không sở hữu cổ phần) trong Hội đồng quản trị, sự tách biệt giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc…

Một phần của tài liệu Các nhân tố tác động lên tỷ suất sinh lợi chứng khoán.pdf (Trang 87 - 88)