Chứng minh acid nucleic là vật chất mang thông tin di truyền

Một phần của tài liệu giao_trinh_hoa_sinh_hoc docx (Trang 78 - 83)

I. ACID NUCLEIC LÀ VẬT CHẤT DI TRUYỀN Ở CẤP ĐỘ PHÂN TỬ 1 Tiêu chuẩn của vật chất di truyền

2. Chứng minh acid nucleic là vật chất mang thông tin di truyền

2.1 Sự khám phá ra hiện tượng Biến nạp (transformation)

Năm 1928, Frederick Griffith quan sát thấy một hiện tượng bí ẩn khi tiến hành các thí nghiệm trên Streptococcus pneumoniae. Vi khuẩn này vốn gây bệnh viêm phổi ở người nhưng lại có khả năng gây chết ở chuột. Tuy vậy, những chủng khác nhau của loài này có độc lực khác nhau.

Trong thí nghiệm, Griffith sử dụng hai chủng vi khuẩn khác biệt nhau bởi hình dạng khuẩn lạc và độc tính. Chủng độc gây chết chuột, ký hiệu là S (smooth) cho khuẩn lạc nhẵn, láng vì tế bào được bọc bởi một vỏ nhày bằng polysaccharide. Chủng không độc được ký hiệu là R (rough), không có vỏ nhày, cho khuẩn lạc sần.

Nếu dùng chủng R sống hoặc chủng S đã bị đun sôi, tiêm một cách riêng rẽ cho chuột thì chuột đều không chết. Nhưng nếu bị tiêm đồng thời chủng R sống và chủng S đã đun sôi thì chuột sẽ chết vì viêm phổi. Hơn thế nữa, từ xác chuột chết có thể phân lập được những vi khuẩn sống. Những vi khuẩn này sẽ hình thành khuẩn lạc trơn láng và biểu hiện độc tính nếu cho lây nhiễm lần sau. Như vậy, bằng một cách nào đó, những mảnh vỡ tế bào từ chủng S bị đun sôi đã biến đổi các vi khuẩn R sống trở thành các vi khuẩn S sống. Hiện tượng này được gọi là Biến nạp.

Tiếp nối nghiên cứu trên, năm 1944, Oswald Avery, C. M. MacLeod và M. McCarty đã xác định được bản chất của hiện tượng biến nạp. Các tác giả đã phân tách các phân tử thu được từ các mảnh vỡ tế bào S thành từng nhóm chất và kiểm tra khả năng biến nạp của chúng.

Đầu tiên, họ thấy rằng bản thân các polysaccharide không gây biến nạp tế bào R. Vì vậy, dù chắc chắn có liên quan đến tính gây bệnh, vỏ nhày polysaccharide chỉ là một biểu hiện kiểu hình của độc tính. Quan sát các nhóm chất khác, các tác giả nhận thấy duy nhất chỉ có nhóm phân tử DNA gây ra sự biến nạp tế bào R. Họ suy luận rằng DNA chính là yếu tố xác định đặc tính vỏ polysaccharide và từ đó xác định đặc tính gây bệnh. Việc cung cấp DNA của tế bào S cho các tế bào R sống cũng ngang bằng với việc cung cấp gen S (gen quy định vỏ nhày) cho chúng.

2.2 Thí nghiệm của Hershey – Chase

Mặc dù các thí nghiệm của Avery và cộng sự đã có câu trả lời cuối cùng, nhưng các nhà khoa học thời bấy giờ vẫn miễn cưỡng chấp nhận DNA (hơn là protein) là vật chất di truyền. Năm 1952, thí nghiệm của Alfred Hershey và Martha Chase trên phage T2

đã chấm dứt tranh luận đó. Họ suy đoán rằng sự nhiễm phage phải bao hàm việc đưa vào vi khuẩn một thông tin chuyên biệt giúp tái sản xuất virus.

Phosphor không tìm thấy trong protein nhưng lại có trong cấu trúc DNA; ngược lại, lưu huỳnh chỉ hiện diện trong protein mà không có mặt trong DNA. Hershey và Chase đã dùng 32P để đánh dấu DNA của một nhóm phage T2 và dùng 35S để đánh dấu protein của một nhóm phage T2 khác. Kế đó, dùng hai nhóm phage này cho nhiễm riêng rẽ vào E.coli với số lượng lớn virus. Sau thời gian gây nhiễm thích hợp, họ dùng lực khuấy để tách vỏ virus còn bám bên ngoài ra khỏi tế bào vi khuẩn. Sử dụng phương pháp ly tâm để tách riêng vỏ virus với tế bào vi khuẩn rồi phân tích phóng xạ. Với nhóm phage đánh dấu bằng 32P, trong tế bào vi khuẩn có chứa chất phóng xạ chứng tỏ DNA của phage đã vào trong vi khuẩn. Với nhóm phage đánh dấu bằng 35S, chất phóng xạ nằm trong phần vỏ virus bỏ lại.

Kết quả thí nghiệm trên cho thấy protein vỏ của phage không xâm nhập tế bào vi khuẩn mà chỉ có DNA của phage được nạp vào. Phân tử DNA này giúp sản sinh ra thế hệ phage mới. Như vậy, DNA chính là vật liệu di truyền của phage.

2.3 RNA cũng là vật chất di truyền

Phần lớn virus ký sinh thực vật có cấu tạo chính gồm phần vỏ bằng protein và phần lõi là RNA, điển hình như virus gây bệnh khảm thuốc lá TMV (Tobacco Mosaic Virus) và HRV (Holmes ribgrass virus). Cả hai loại virus này khi xâm nhập vào tế bào lá sẽ làm biến đổi sự trao đổi chất của tế bào khiến cho diệp lục tố bị phân hủy, gây ra những đốm màu trên nền lá xanh. Tuy nhiên, chúng khác biệt nhau bởi cách gây bệnh, màu sắc và kích thước các đốm khảm.

Người ta có thể phân lập riêng rẽ protein vỏ và RNA dưới dạng tinh, sau đó tổng hợp trở lại thành hạt virus. Cũng có thể dùng protein và RNA của hai loài hoặc hai chủng virus khác nhau để tổng hợp nên một dạng virus ghép.

Năm 1957, Fraenkel – Conrat và cộng sự đã tổng hợp nên một loại virus ghép từ RNA của HRV và protein vỏ của TMV. Cho nhiễm loại virus ghép này vào cây thuốc lá

lành thì thấy cây bị nhiễm bệnh với triệu chứng bệnh của HRV. Người ta cũng phân lập được HRV từ lá cây bị bệnh. Như vậy trong trường hợp này, RNA chính là cơ sở vật chất của sự di truyền còn protein chỉ đóng vai trò vỏ bọc hỗ trợ.

Một phần của tài liệu giao_trinh_hoa_sinh_hoc docx (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w