IV. TẾ BÀO EUKARYOTE
Vách tế bào có các chức năng:
o Trao đổi ion như nhóm carboxyl có trong pectin với H+, K+ và các cation khác. o Chất suberin tham gia điều tiết chế độ nước và nhiệt của cây.
o Vách tế bào ở cạnh nhau liên kết lại thành hệ thống gian bào, có vai trò trong vận chuyển vật chất.
o Vách tế bào có các lỗ, nơi mà các sợi liên bào xuyên qua, đảm bảo cho sự thông thương, sự vận chuyển các chất và truyền thông tin giữa các tế bào.
o Vách tế bào duy trì hình dạng tế bào nhờ áp suất nước và quyết định kích thước của tế bào.
4.14 Màng nguyên sinh (plasma membrane)
4.14.1 Cấu trúc
Màng sinh chất là màng khảm lỏng, là lớp sinh chất ngoài cùng của tế bào chất, có cấu tạo đặc thù của màng sinh học bao gồm:
Hình 2.40: Mô hình màng khảm lỏng
Lớp phospholipid kép: Các phân tử phospholipid sắp xếp với đầu kị nước quay vào nhau và đầu ưa nước quay ra môi trường tạo nên lớp phospholipid kép. Các hydrocarbon ở đầu kị nước của phân tử phospholipid có thể chuyển động theo nhiều hướng tạo nên tính linh động của màng. Các phân tử phosphilid có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong cùng một lớp phospholipid hoặc chuyển từ lớp phospholipid này sang phospholipid khác.
Hình 2.41: Tính lỏng của màng sinh chất
Các protein:
Một số protein xuyên qua lớp phospholipid kép một phần hay hoàn toàn. Phần không phân cực của protein tương tác với đầu kị nước của phospholip và thường có cấu trúc xoắn alpha. Phần ưa nước của protein quay ra phía ngoài màng.
Hình 2.42: cấu trúc của protein xuyên màng
Một số protein không xuyên màng: Các protein neo trực tiếp vào phospholipid kép hay thông qua phân tử đường hay phân tử lipid.
Các protein gắn vào màng thông qua sự tương tác với protein khác của màng.
Các protein trên có thể là các enzyme, các chất nhận hay chất mang, các kênh vận chuyển qua màng, protein điều hòa và protein cấu trúc.
Hình 2.43: Một vài chức năng của protein màng
Cũng giống như phospholipid, một số protein có thể di chuyển trong một lớp hoặc giữa hai lớp phospholipid. Tuy nhiên, do protein lớn hơn các phân tử phospholipid nên chuyển động chạm hơn nhiều.
Nhiều phân tử protein mặt ngoài của màng gắn vào bộ xương tế bào thật sự bất động. Sự gắn xen của các protein vào màng có vai trò điều hòa tính chất cơ học của màng.
Cholsterol (hình 2.40)
Các phân tử cholesterol xếp xen kẽ vào giữa các phân tử phospholip theo cách nhóm phân cực xếp ở mức các đầu ưa nước của phospholipids và nhân steroid xen kẽ vào đuôi hydrocarbon của phospholipids. Cholesterol có vai trò cố định cơ học cho màng.
Các glycoprotein và glycolipid (hình 2.40)
Một số protein và phospholipid ở mặt ngoài màng gắn với các oligosaccharide bằng liên kết hóa trị tạo nên các hợp chất glycoprotein và glycolipid.
Các glycoprotein và glycolipid là điểm nhận biết các tín hiệu và quan hệ giữa các tế bào.
Tính chất của màng sinh chất
Màng có tính lỏng (fluidity): Phụ thuộc và thành phần cấu trúc của màng (phospholipid có duôi là các hydrocarbon không no làm tăng tính lỏng của màng và ngược lại; Cholesterol làm giảm tính lỏng của màng).
Màng có cấu trúc khảm: Các protein khảm vào lớp phospholipid kép.
Màng nguyên sinh là màng bán thấm có chọn lọc, cho nước và một số chất hòa tan đi qua nhưng không cho các chất hòa tan khác đi qua.
4.14.2 Chức năng
Màng nguyên sinh chất ngăn cách tế bào với môi trường: điều này tạo cho tế bào một hệ thống riêng biệt; qua màng, tế bào trao đổi các chất và thông tin với môi trường ngoài cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của tế bào.