Kết quả của phương pháp VECM lại một lần nữa khẳng định kết quả của mô hình đồng liên kết. Với những biến có tác động lớn đến dự trữ ngoại hối trong dài hạn là Ird và M một lần nữa lại có tác động đến dự trữ ngoại hối trong ngắn hạn. Biến Ird có tác động mạnh nhất đến dự trữ ngoại hối với độ trễ 2 và 4 quý hay 6 và 12 tháng. Điều này có thể giải thích đây là kì hạn của trái phiếu ngắn hạn kho bạc Mỹ. Với những thay đổi lãi suất của ngân hàng nhà nước và chính phủ Mỹ thì các nhà điều hành chính sách ở Việt Nam đã thay đổi mức dự trữ ngoại hối bằng cách giảm bớt hay tăng thêm việc mua trái phiếu ngắn hạn chính phủ Mỹ để không phải mất đi chi phí cơ hội quá lớn.
Mức cung tiền M2 có tác động giảm dần theo thời gian vì những chính sách của ngân hàng nhà nước được đưa ra kịp thời để giải quyết những vấn đề nảy sinh.
Các biến Cad và Er không có nhiều tác động đến dự trữ ngoại hối trong ngắn hạn.
Có một điểm đáng chú ý là mức dự trữ ngoại hối ở quý trước cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến mức dự trữ ngoại hối hiện tại, điều này chứng tỏ mức dự trữ hiện tại cũng là một yếu tố được các nhà điều hành chính sách xem xét để đưa ra mức dự trữ ngoại hối trong tương lai.
Trong chương 4 này nhóm nghiên cứu đã tập trung vào hai vấn đề:
Một là, đánh giá qui mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong những năm gần đây qua ba tiêu chí: tỷ lệ dự trữ ngoại hối và giá trị một tuần nhập khẩu trong năm tiếp theo, tỷ lệ dự trữ ngoại hối và nợ ngắn hạn nước ngoài và tỷ lệ dự trữ ngoại hối và mức cung tiền rộng Hai là, ước lượng phương trình xác định mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam, và phân tích tác động trong ngắn hạn, cũng như dài hạn của các biến giải thích đến dự trữ ngoại hối qua các dãy số liệu chuỗi thời gian, bằng những phương pháp: đồng liên kết, VECM đã được trình bày ở chương 2.
Theo kết quả nghiên cứu, những sai biệt của lãi suất và mức cung tiền M2 có tác động lớn nhất đến mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong dài hạn và càng được khẳng định hơn trong ngắn hạn. Mức độ thâm hụt tài khoản vãng lai và sự thay đổi vể tỷ giá hối đoái cũng có những tác động lên mức dự trữ ngoại hối nhưng không thực sự rõ nét.
Chương 5:
Các nhóm giải pháp cho dự trữ ngoại hối Việt Nam sau
5.1 Xu hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam
Thông qua chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương (NHTW) tác động làm thay đổi tổng cung, tổng cầu của nền kinh tế, từ đó tác động đến lạm phát, sản lượng và công ăn việc làm. Chính sách tiền tệ là một trong các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô chủ yếu của Nhà nước nhằm góp phần đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đề ra cho từng giai đoạn nhất định.
Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đầu năm 2010 được đánh giá là ngày càng ổn định hơn. Do đó, NHNN cần sử dụng nhiều hơn những công cụ của chính sách tiền hơn là những biện pháp hành chính được sử dụng trong thời gian qua.
Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Bản Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng chính sách tiền tệ theo hướng kiềm chế lạm phát và nhất quán với quyết định của Quốc hội là lạm phát không quá 7% trong năm 2010.
Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ trong năm 2010 sẽ được điều hành rất linh hoạt, đảm bảo hài hoà mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. Nhưng mục tiêu tăng trưởng có thể sẽ chiếm ưu thế vì tình hình kinh tế thế giới sẽ biến chuyển thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn so với năm ngoái. Để đạt mức tăng trưởng 6,5% cho 2010, có lẽ chúng ta phải chấp nhận một mức độ lạm phát cao hơn 7%. Một mức lạm phát 7-9% có thể chấp nhận được. Thêm vào đó, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, bên cạnh yếu tố linh hoạt trong chính sách tiền tệ thì cũng cần đảm bảo tính chủ động và thận trọng trong việc đưa ra chính sách. NHNN sẽ tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu (quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng), kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ (lãi suất và tỷ giá). Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng trên cơ sở các dự báo tốt về diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến tiền tệ, tín dụng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, sử dụng các NHTM có qui mô lớn đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ thực hiện.