Hiện tại, mạng nội hạt PSTN thường được quản lý theo mô hình cấp tỉnh. Tại mỗi tỉnh, lưu lượng được tập trung tại tổng đài host của tỉnh, sau đó được kết nối vào mạng đường trục quốc gia do VTN quản lý. Mạng trục PSTN hiện nay là mạng riêng rẽ chỉ phục vụ riêng lưu lượng PSTN.
Hệ thống tổng đài Toll gồm 07 tổng đài AXE-10 bao gồm 03 tổng đài AXE 10 Local 6 (BYB 202), năng lực xử lý 600.00 BHCA, dung lượng tối đa 24.000 trung kế và 04 tổng đài AXE -10 Local 7.2 năng lực xử lý 1.500.000 BHCA, dung lượng tối đa 60.000 trung kế. Toàn bộ 07 tổng đài AXE đều là các STP quốc gia, có tính năng SCCP sử dụng kết nối mạng di động, cung cấp dichj vụ Roaming, ngoài ra còn có thể cung cấp dịch vụ ISDN…
Với cơ cấu quản lý hiện nay, mô hình này là hợp lý. Tuy nhiên cần phải xem xét lại mạng nội hạt vì nhu cầu và phương thức kết nối vào mạng PSTN với các lý do như sau: Nhu cầu các dịch vụ kết nối các dịch vụ Internet thông qua đường dây thuê bao điện thoại ngày càng tăng và nhu cầu về băng thông và chất lượng dịch vụ thoại ngày càng cao. Cùng với xu hướng tích hợp lưu lượng thoại trên mạng trục, dần dần các tổng đài host tại các tỉnh sẽ được thay thế bằng các Router/Switch để kết nối vào mạng trục IP.
Mạng trục PSTN của VNPT hiện nay là mạng trục kênh PSTN riêng rẽ, chỉ phục vụ cho lưu lượng thoại PSTN. Do đó việc sử dụng băng thông truyền dẫn là tương đối lãng phí, đồng thời có thể gặp phải tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Mặt khác, mạng trục PSTN thường có cấu hình dạng sao, việc đảm bảo dự phòng trong trường hợp có sự cố cho mạng cũng gặp nhiều khó khăn. Thông thường tại một số tỉnh đều có một số đường kết nối vu hồi để dự phòng trong trưòng hợp có sự cố, tuy nhiên dung lượng của các đường dự phòng này cũng rất hạn chế. Với nhu cầu phát triển dịch vụ trên mạng PSTN trong những năm tới thì việc quy hoạch lại mạng trục PSTN và tích hợp chúng với lưu lượng của các mạng khác trên mạng trục thống nhất là nhu cầu vô cùng bức thiết hiện nay. Việc tích hợp lưu lượng của các mạng riêng rẽ lên trên mạng trục trên nền IP giải quyết được 2 vấn đề lớn, đó là lưu lượng băng thông và chất lượng dịch vụ thoại cũng như độ tin cậy, dự phòng… Với các đường truyền dẫn trục hiện nay đã được quang hoá trên toàn quốc, việc tăng dung lượng thoại mạng PSTN có thể thực hiện được tương đối dễ dàng. Đồng thời lưu lượng PSTN cũng phải tiến tới xu hướng IP hoá để dễ dàng tích hợp với các lưu lượng của dịch vụ của các mạng khác trên mạng trục chung.