Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển

Một phần của tài liệu Lễ cấp sắc và tang ma của người dao tuyển ở huyện bảo thắng tỉnh lào cai (Trang 35 - 83)

7. Bố cục luận văn

2.1.2. Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển

2.1.2.1. Tên gọi và đặc điểm

Trong một đời người, khi lớn lên và đến khi chết đi con người phải trải qua nhiều nghi lễ trong đó có những nghi lễ chỉ trải qua một lần như cưới xin và ma chay. Ở người Dao nói chung và người Dao Tuyển nói riêng còn có thêm một nghi lễ nữa đó là lễ cấp sắc.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Lễ cấp sắc của người Dao là một lễ tục theo chu kỳ đời người, là hình thức lễ thành đinh. Đó là nghi lễ đánh dấu một giai đoạn quan trọng của con người - giai đoạn từ tuổi thiếu niên lên tuổi trưởng thành. Trải qua lễ cấp sắc chàng trai mới được cả cộng đồng công nhận thành viên, mới được thế giới thần linh thừa nhận là một thành viên chính thức có thể làm thầy cúng, có quyền lập bàn thờ. Và khi khuất núi, linh hồn người đó mới về được thế giới tổ tiên. Nhưng chưa cấp sắc sẽ bị cả cộng đồng coi thường, trong sinh hoạt của cộng đồng (lễ cầu mùa, ma chay, các nghi lễ tôn giáo) chỉ là người phục vụ, không được tham gia với tư cách thành viên của cộng đồng.

Ở nước ta, tên cấp sắc được nhiều nhà khoa học sử dụng. Tên gọi này xuất phát từ chỗ là người trải qua lễ cấp sắc được thầy cúng cấp cho một bản sắc ghi bằng chữ Nôm Dao với nội dung nói về lai lịch của người thụ lễ, lý do thụ lễ, các điều giáo huấn… Đạo sắc này giống như một tờ chứng chỉ để người đã trải qua lễ cấp sắc được phép thực hiện các nghi lễ cúng bái, chữa bệnh và có một vị thế nhất định trong xã hội người Dao.

Ngoài tên cấp sắc, đồng bào các nhóm Dao còn có nhiều tên gọi khác nhau. Người Dao Tiền ở Hòa Bình, người Dao Họ ở Lào Cai gọi lễ cấp sắc là lập tỉnh, lập tịch hay lập tính. Có nghĩa là làm cho trong sạch, bởi vì trong nghi lễ người ta thắp đèn, nến hay hương có tẩm dầu để soi sáng người thụ lễ với ý nghĩa làm bay đi các tạp uế cùng với những tội lỗi trong người thụ lễ. Người Dao Quần Trắng ở Tuyên Quang gọi lễ cấp sắc là “chay xấy” có nghĩa là thụ lễ đèn, lên đèn. Còn người Dao Đỏ, Dao Tuyển ở Lào Cai gọi lễ cấp sắc là quá tang hay qua tang cũng có nghĩa là lễ thụ đèn. Người Dao Quần Chẹt ở tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên gọi là “chẩu đàng” vì trong lễ cấp sắc có lễ cúng Bàn Vương…

Như vậy, nếu kể cả những thuật ngữ do các nhà khoa học thường dùng và những tên trong tiếng Dao vẫn gọi thì lễ cấp sắc có rất nhiều cách gọi khác

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

nhau. Điều này có thể khẳng định rằng lễ cấp sắc là một nghi lễ phức tạp liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa - xã hội của người Dao.

Về đặc điểm, người được làm lễ cấp sắc phải là người con trai. Những người hành lễ phải là thầy cúng đã trải qua lễ cấp sắc, đọc được sách Nôm Dao, có kinh nghiệm cúng bái và thông thạo các công việc hành lễ truyền thống dân tộc.

Tuổi của người được làm lễ cấp sắc có sự khác nhau giữa các nhóm ngành Dao. Người Dao Tuyển ở Bảo Thắng tỉnh Lào Cai quy định tuổi cấp sắc từ 10 đến 17 tuổi, người Dao Họ ở Bảo Thắng quy định phải từ 17 tuổi trở lên. Người Dao Áo Dài (Dao Tuyển) ở Mèo Vạc tỉnh Hà Giang được cấp sắc từ 11 đến 20 tuổi, người Dao Tiền ở Ba Bể tỉnh Bắc Cạn được cấp sắc từ 10 đến 18 tuổi…

Lễ cấp sắc phải tuân thủ quy định là: Trong gia đình anh làm lễ cấp sắc trước rồi mới đến em. Nếu gia đình có người chết mà chưa được cấp sắc thì con cháu phải làm lễ cấp sắc cho người đã chết trước khi làm lễ cấp sắc cho mình.

Lễ cấp sắc có nhiều bậc khác nhau mà người thụ lễ muốn làm lễ ở cấp bậc cao thì phải trải qua cấp bậc thấp. Đối với lễ cấp sắc của người Dao Tuyển có 3 bậc đó là: thụ lễ 3 đèn, lễ 7 đèn và lễ 12 đèn. Tuy nhiên hiện nay đồng bào chủ yếu là làm lễ cấp sắc ở bậc 3 đèn là phổ biến.

Đúng theo tục lệ, lễ cấp sắc 3 đèn được diễn ra 2 ngày 1 đêm hoặc 1 ngày 2 đêm và người thụ lễ được cấp 36 âm binh. Lễ cấp sắc 7 đèn diễn ra trong thời gian từ 5 đến 7 ngày đêm và người thụ lễ được cấp 72 âm binh. Còn lễ cấp sắc 12 đèn kéo dài từ 9 đến 12 ngày đêm, người thụ lễ được cấp 120 âm binh. Như vậy, lễ cấp sắc ở bậc càng cao thì chi phí càng lớn và thời gian chuẩn bị càng dài.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Tộc người Dao Tuyển chịu ảnh hưởng của Đạo giáo. Đạo giáo được gắn vào tên tuổi, dòng dõi của họ. Cấp sắc là một nghi lễ đặt tên cho đứa trẻ (con trai) kế dòng họ (phụ hệ) theo Đạo giáo. Cũng là một nghi thức truyền dạy tín ngưỡng tôn giáo cho đứa trẻ, khi bước vào tuổi trưởng thành. Ngoài chính giáo (Đạo giáo) ra, họ còn cấp sắc đặt tên cho đứa trẻ theo một phụ giáo nữa, đó là sư giáo. Chính giáo và phụ giáo, mỗi giáo có một sư tổ khác nhau, chức năng hành nghề khác nhau. Sư tổ của Đạo giáo là Tam Thanh; sư tổ của bên sư giáo là Tam Nguyên. Pháp danh và tên niệm của các sư tổ như sau:

Bên Đạo giáo - Tham Thanh

- Ngọc Thanh pháp danh là Nguyên Thuỷ Thiên Tôn tên niệm là Cách Đạo Chính.

- Thượng Thanh pháp danh là Linh Bảo Thiên Tôn tên niệm là Đường Đạo Minh.

- Thái Thanh pháp danh là Đạo Đức Thiên Tôn tên niệm là Lý Đạo Đức. Bên sư giáo - Tam Nguyên

- Thượng Nguyên tên niệm là Đường Văn Bảo. - Trung Nguyên tên niệm là Cát Văn Tiên. - Hạ Nguyên tên niệm là Chu Văn Đạt.

Trong Nôm Dao còn xưng tôn Đạo giáo là Văn giáo, sư giáo là Võ giáo. Đứa trẻ được cấp sắc cả hai giáo thì gọi là văn võ song toàn. Nếu đứa trẻ chỉ được cấp sắc Đạo giáo, sau khi thành thầy, chỉ cúng được các cấp chay của tổ tiên, như đưa tang cúng giỗ... Không làm được thầy cúng các thần linh khác. Ngược lại, đứa trẻ nếu chỉ được cấp sắc bên sư giáo, về sau đứa trẻ thành thầy cúng thì lại không làm được thầy đưa tang, chay cúng giỗ. Do đó, đại bộ phận đứa trẻ người Dao được cấp sắc cả hai giáo, để văn võ song toàn.

Làm lễ cấp sắc cho con, không phải chỉ khi nào gia đình có điều kiện thì tổ chức khi ấy, mà còn phụ thuộc vào tuổi sinh năm lợi của đứa trẻ. Chọn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

được ngày tháng năm, nhưng điều kiện gia đình gặp phải quá khó khăn thiếu thốn thì lại phải làm lễ cấp Soái để đặt tên cho đứa trẻ đúng năm tháng lợi nhuận của trẻ. Đây là một phương pháp đơn giản hoá cấp sắc, vừa không tốn kém trong chi tiêu, vừa giành dật được năm tháng lợi nhuận và đứa trẻ được đặt tên kế tổ. Khi nào gia đình sắp xếp được, khi ấy cấp sắc không phải chọn tuổi.

* Lễ cấp soái

Cấp soái còn được gọi là Tuyển soái là một tiết mục nhỏ trong lễ cấp sắc. Lễ vật để cấp soái chỉ cần có 5 con gà, to nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện gia đình, và một bó hương một tệp giấy vàng mã, một chai rượu, sắp thành mâm thờ cúng. Thầy cúng sử dụng hai người, một người đại diện bên Đạo giáo, một người đại diện bên sư giáo.

Hai ông thầy cử ra một ông để cúng, đại ý bài cúng: “Tên tuổi nhà chủ là gì, sinh được đứa con thứ mấy, đã đến tuổi cấp sắc, nhưng điều kiện quá khó khăn, chưa thể làm chay cấp sắc được; Hôm nay vợ chồng thoả thuận vui lòng bày sắp lễ vật, sắp mâm thờ các phúc thần đến chứng giám, và nhờ hai ông thầy (tên là gì) một người đại diện Đạo giáo Tam Thanh, một người đại diện Sư giáo Tam Nguyên, Cấp soái cho đứa trẻ tên là gì (tên đứa trẻ đã được bàn bạc lựa chọn kỹ từ trước) để lấy năm cát tháng lợi, sau này gia đình sắp xếp được sẽ làm chay cấp sắc. Mong các vị thần, các vị soái che chở cho đứa trẻ, đi xa đi gần không sợ ma quỷ dịch bệnh, mau khôn nhanh lớn học hành sáng dạ”. Lý do được tâu trình xong, ông thầy cúng đọc qua các đoạn văn tế, làm các động tác mời rượu, tế nạp sinh linh (trao lễ vật gà) cho các đấng thần, phân phát tiền giấy cho từng thần linh xong xuôi.

Ông thầy bên Đạo giáo cúng phải viết tên của bốn vị soái và Thiên lôi vào năm tờ giấy cắt nhỏ (10 cm x 15 cm) trong tờ giấy viết: Triệu soái Triệu Công Minh, Đặng soái Đặng Bích Uy, Mã Soái Mã Tinh Quang, Quan

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

soái Quan vân Trường, Ngũ Lôi Lôi Chấn Thiên. Bên sư giáo cũng viết vào năm tờ giấy cắt nhỏ (10 cm x 15 cm) trong tờ giấy viết: Triệu soái Triệu Thiết Sắc, Quán Soái Quan Chảm Sát, Binh Chủ Hương quan Lý Muội Chinh.

Bên sư giáo làm động tác cấp soái trước: Ông thầy đại diện bên sư giáo gọi gia đình sắp cho một chiếc mẹt, trong mẹt có gạo, khoảng hai bát. Ông thầy sư giáo dúm vài hạt gạo bỏ vào trong tờ giấy viết tên soái rồi gấp tròn lại, tờ giấy nào cũng làm như thế cho đủ năm tên soái bỏ vào trong mẹt gạo. Ông thầy bưng mẹt gạo đứng dậy đi ba vòng thuận kim đồng hồ, rồi một vòng ngược lại, lúc này trước mặt ông thầy là đứa trẻ được cấp soái đang quỳ gối chuẩn bị đón nhận tướng soái. Ông thầy có một bài tế gọi soái, ông vừa tế vừa dần chiếc mẹt, (dần như người dần gạo vậy) cho đến khi hết bài tế thì ông thầy đổ ra hết số gạo vào năm tờ giấy có tên soái trong mẹt xuống người đứa trẻ. Bài tế gọi soái với đại ý như sau: “ngày xưa khi tôi cấp sắc, được ông thầy (A) cấp tướng soái thiện binh vạn mã cho tôi (B) để trị thần trị quỷ cứu nhân độ nhân. Giờ đây tôi cấp cho đệ tử của tôi (C) tướng soái nhập thân có thêm sức lực vô biên, trị thiên thiên thái, trị địa địa bình, trị quỷ quỷ diệt, cứu nhân nhân sinh. Một lời tôi gọi, các tướng soái cấp cấp học giáng như luật lệnh”. Năm tờ giấy viết tên soái ấy, đứa trẻ nhặt lấy và dở ra xem được soái nào trước soái nào sau. Theo quan niệm của họ, Triệu soái thuộc nhóm Mộc, được chấn giữ ở phương đông có chín vạn binh mã. Nếu đứa trẻ dở gói đầu tiên được chữ Triệu soái là tốt lành và mạnh mẽ. Đặng soái thuộc nhóm Hoả, chấn giữ phương Nam, có ba vạn binh mã; Mã soái thuộc nhóm Kim, chấn giữ phương Tây, có bảy vạn binh mã; Quan soái thuộc nhóm Thuỷ, chấn giữ phương Bắc, có năm vạn binh mã; Binh chủ Hương quan thuộc nhóm Thổ, chấn giữ Trung ương, có một vạn binh mã... Nói chung tướng soái nào cũng tốt, nhưng nếu đứa trẻ nhặt được tờ giấy ghi tướng soái ít binh mã, sau này đứa trẻ thành thầy cúng, e rằng ít có người nhờ mượn, hoặc khi làm thầy ít có

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

người giúp đỡ. Năm tờ giấy viết tên các tướng soái ấy, đem đốt đi rồi lấy tàn giấy đó bỏ vào chén nước rồi dúm một vài hạt gạo bỏ vào, đưa chén nước cho đứa trẻ uống.

Bên Sư giáo cấp xong, đến lượt bên Đạo giáo. Mọi hình thức cũng tương tự bên Sư giáo, chỉ khác bên Đạo giáo không có Binh Chủ Hương quan, mà lại có Thiên Lôi. Đạo giáo có bài tế gọi soái khác đi một chút, đó là:

“Ngày xưa sư phụ của tôi là (A) cấp tướng soái cho tôi là (B) để phá ngục bạt vong, chiểu hồn độ phách. Giờ đây tôi lại trao cấp cho đệ tử của tôi là (C) ngày sau thành thầy tu chay kiến tiếu, chiểu vong độ xoảng, cứu nhân độ thế, phương phương thành đạt, Diên diên cát tường...”. Hình thức cấp soái ấy, tượng trưng cho năm vị soái, số gạo trong mẹt tượng trưng cho thiên binh vạn mã, ông thầy Long Hổ Sơn (nơi ngụ của bốn soái) để đón các tướng soái và binh mã, đón quay về trần gian để trao truyền, reo nhập vào đứa trẻ, uống chén nước tàn tro ấy, biểu tượng tướng soái vào thân, luôn có bóng vía của tướng soái ở trong người, bảo vệ đứa trẻ thành đạt trong cuộc sống. Sau khi đứa trẻ được tướng soái nhập thân, liền quỳ gối làm lễ lạy tạ hai thầy. Từ đây đứa trẻ bắt đầu nhận hai thầy là sư phụ và hai thầy cũng gọi đứa trẻ là đệ tử. Sau khi hai thầy qua đời, đứa trẻ phải mang tang trắng là bảy ngày và kiêng việc dâm dục là ba ngày. Nếu gia đình sắp xếp làm lễ cấp sắc được thì phải dùng hai ông thầy này làm trưởng đàn, và việc tang kiêng sẽ khác hơn. Đối với đứa trẻ được cấp soái cũng chỉ có tên được tuổi mà thôi, chưa thể làm được thầy cúng, bởi chưa thành môn đồ của Tam Thanh - Tam Nguyên.

2.1.2.2. Công việc chuẩn bị của lễ cấp sắc

* Chuẩn bị về vật chất

Tổ chức một lễ cấp sắc là một việc lớn trong đời người Dao Tuyển. Thực hiện một lễ cấp sắc đòi hỏi gia chủ phải có quá trình chuẩn bị công phu về các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc và tốn kém rất

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

nhiều vật chất. Thời gian chuẩn bị dài hay ngắn phụ thuộc vào phần lớn kinh tế của mỗi gia đình. Có gia đình chỉ chuẩn bị từ 1 đến 3 năm, có gia đình phải chuẩn bị 10 năm thậm chí lâu hơn nữa.

Những thứ cần được chuẩn bị và chuẩn bị sớm hơn, đó là quần áo cho đứa trẻ và vải dùng trong lễ cấp sắc. Khi đứa trẻ vào lễ cấp sắc phải được mặc bộ quần áo dài màu đen chàm. Do đó công đoạn chuẩn bị dệt vải, nhuộm chàm và may quần áo phải chuẩn bị sớm hơn hai ba tháng. Trong lễ cấp sắc cũng sử dụng những tấm vải trắng để quấn âm dương điệp, bề rộng của tấm vải hẹp hơn so với tấm vải để may quần áo, cần sử dụng hai tấm, một tấm bên đạo giáo, một tấm bên sư giáo, với cách thức mỗi tấm 15 cm x 5 cm. Công việc chuẩn bị này là phần của người mẹ.

Công việc lo giấy, hương, rượu là phần của người bố. Một đám lễ cấp sắc, người bố phải chuẩn bị ít nhất 200 nén hương, 100 tờ giấy cháng, rượu gạo hoặc sắn cũng phải chuẩn bị ít nhất là 60 lít, lợn phải chuẩn bị 5 con, bình quân mỗi con khoảng 20 kg trở lên. Gà có ít nhất là 15 con, gạo tẻ ít nhất cũng phải có 50 kg, gạo nếp có ít nhất 20 kg, giấy vàng bạc khoảng 15 tệp, giấy màu khoảng 50 tờ, màu đỏ 25 tờ, màu vàng 25 tờ. Đồng xu đen (đồng tiền kẽm ngày xưa) khoảng 150 đôi; Đồng tiền giấy vừa để làm tiền thuê thầy cúng vừa để mua thức ăn chay khoảng 5000.000đ (tính theo thời điểm năm 2009). Nếu tính chi phí cho một đám chay cấp sắc tất cả hết khoảng ít nhất 10 triệu đồng. Với chi tiêu như thế, nếu kinh tế gia đình không khá giả thì không thể tổ chức được. Ngoài những phần chuẩn bị thực phẩm ra gia đình còn phải chuẩn bị một gian buồng để tụng kinh, hoặc ngăn trong nhà ra phòng, buồng để dễ sinh hoạt, hoặc làm riêng ra ngoài hè, đầu hồi cốt phải có một gian buồng sạch sẽ tinh tươm.

Một phần của tài liệu Lễ cấp sắc và tang ma của người dao tuyển ở huyện bảo thắng tỉnh lào cai (Trang 35 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)