Một số biến đổi trong tang ma

Một phần của tài liệu Lễ cấp sắc và tang ma của người dao tuyển ở huyện bảo thắng tỉnh lào cai (Trang 110 - 113)

7. Bố cục luận văn

2.2.4.Một số biến đổi trong tang ma

Cùng với sự biến đổi trong đời sống kinh tế hiện nay, tang ma của người Dao Tuyển cũng có một số biến đổi nhất định. Trước đây thường khi nào có người sắp tắt thở, người ta mới vào rừng tìm cây gỗ lớn để đóng quan tài cho người chết. Ngày nay, đồng bào đã có điều kiện mua quan tài đóng sẵn, khi có người chết là sử dụng ngay. Nếu như ngày trước, khi trong nhà có người qua đời con trai trưởng phải đến quỳ trước cửa từng nhà trong làng để nhờ họ đến giúp làm ma cho bố (mẹ) mình thì ngày nay, mỗi khi nhà nào có đám là dân làng sẽ tự nguyện đến chia sẻ và giúp đỡ cho gia đình có đám. Đây là một sự biến đổi hết sức tích cực thể hiện mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng người Dao Tuyển ở đây.

Ngày nay, khi trong gia đình có người ốm vừa tắt thở mọi việc liên quan đến chôn cất đều được diễn ra nhanh chóng. Sự đổi mới hiện nay còn được thể hiện ở việc không kết hợp lễ chôn cất với lễ chay. Người ta cho rằng nếu kết hợp cả hai lễ thì phải quàn người chết nhiều ngày ở trong nhà để có thời gian đi báo cho anh em họ hàng ở xa đến lễ. Bởi vậy, trong nhà có người chết thì người ta lập tức tiến hành các nghi thức đưa thi thể đi chôn. Sau này, lúc nào có điều kiện về kinh tế người ta mới tổ chức lễ chay. Có thể coi đây là bước biến đổi hợp lý, đảm bảo vệ sinh, giữ gìn được sức khỏe cho con cháu người chết và cộng đồng.

Thời gian diễn ra lễ tang và lễ chay cũng đã được rút ngắn. Nếu trước đây đồng bào thường làm ma trong 3 đến 4 ngày liền chi phí rất tốn kém thì giờ đồng bào chỉ làm ma trong phạm vi 2 ngày 1 đêm. Sự biến đổi này làm

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

giảm sự tốn kém về vật chất cho con cháu và tránh được những sự lãng phí không cần thiết.

Trong lễ an táng trước đây hầu như chỉ có con cháu cùng với anh em trong dòng họ là chính, dân làng cùng nhiều bè bạn thường không trực tiếp đến giúp mà chỉ giúp đỡ bằng cách biếu hoặc cho vay một số lễ vật nếu tang chủ yêu cầu. Người ta sợ ma của người chết làm hại, quan niệm cho rằng ma của người chết thường bảo vệ con cháu nên rất ghét người lạ. Do vậy, trong lễ chôn cất, nếu con cháu ít mà họ hàng ở xa thì khá vất vả và đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho đồng bào có thói quen sinh đẻ nhiều. Hiện nay, mỗi khi trong làng có người chết đều được anh em xóm giềng và bè bạn đến giúp đỡ kể cả lúc chôn cất.

Nếu xem xét các yếu tố biến đổi trong tang lễ thì thấy rằng chúng chỉ biến đổi về các thành tố liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội, còn bản chất vẫn được duy trì một cách bền vững. Tất cả các yếu tố biến đổi đều diễn ra theo chiều hướng đơn giản hóa, phù hợp với nếp sống mới.

Tiểu kết

Lễ cấp sắc là một lễ tục có tính chất quan trọng trong đời người, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của thanh niên Dao Tuyển. Chỉ có những người đàn ông đã trải qua lễ cấp sắc mới được xã hội cộng đồng Dao cho là người lớn, mới được tham gi vào các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Bàn Vương, mới có một vị trí nhất định trong cộng đồng tộc người nơi đây.

Ma chay của người Dao Tuyển ở Bảo Thắng được tiến hành hai nghi lễ: lễ làm ma và lễ chay. Mỗi nghi lễ có nhiều chi tiết riêng phản ánh những quan niệm và cách ứng xử của người sống với người chết. Lễ làm ma là nghi lễ chia tay với người chết để người chết đi về thế giới bên kia, còn lễ làm chay là để giải thoát cho người chết khỏi 18 tầng địa ngục để người chết về sum

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

họp với tổ tiên. Tất cả các nghi lễ làm ma cũng như làm chay đều diễn ra dưới sự cầm trịch của thầy cúng.

Lễ cấp sắc và lễ tang ma ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của đồng bào. Do đó, các nghi lễ này có giá trị nhất định đối với việc nghiên cứu tâm lý cá nhân và cộng đồng người Dao Tuyển nói riêng, văn hóa Dao nói chung.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Chương 3

NHỮNG GIÁ TRỊ TRONG LỄ CẤP SẮC VÀ TANG MA CỦA NGƢỜI DAO TUYỂN

Một phần của tài liệu Lễ cấp sắc và tang ma của người dao tuyển ở huyện bảo thắng tỉnh lào cai (Trang 110 - 113)