Học thuyết này cho rằng ý đồ làm việc hướng tới mục tiêu là nguồn gốc chủ yếu của động lực lao động. Qua các nghiên cứu của mình Edwin Locke đã chỉ ra rằng các mục tiêu cụ thể và thách thức sẽ dẫn đến sự thực hiện công việc tốt hơn.
Do đó để tạo động lực lao động cần thực hiện theo các bước sau:
- Xây dựng các mục tiêu cụ thể, mang tính thách thức và có thể đo lường được vì như vậy sẽ giúp cho người lao động hiểu rõ hơn về sự kỳ vọng của tổ chức, xác định rõ được những gì cần phải làm để đạt được mục tiêu. Đồng thời mục tiêu mang tính thách thức cũng nhằm thúc đẩy người lao động phải nỗ lực làm việc.
- Tiếp theo, người quản lý cần phải làm cho người lao động thấy mục tiêu đặt ra là hợp lý, có thể thực hiện được. Để thực hiện được việc này có thể thông qua việc giải thích cụ thể rõ ràng cho người lao động về các mục tiêu được đặt ra, thu hút sự tham gia của người lao động vào việc thiết lập mục tiêu, ấn định các mức thưởng khi hoàn thành mục tiêu, tạo ra môi trường làm việc thuận lợi để thực hiện mục tiêu ...từ đó sẽ xác định được các mục tiêu phù hợp hơn với người lao động và tạo cho người lao động cảm thấy mục tiêu đặt không chỉ đơn thuần là mục tiêu của tổ chức mà một phần nào đó là mục tiêu của chính họ.
Ngoài ra, người quản lý phải thường xuyên cung cấp các thông tin phản hồi về kết quả quá trình thực hiện mục tiêu của người lao động như những việc đã làm được và những việc chưa hoàn thành, nguyên nhân tại sao và đưa ra những giải pháp để người lao động có thể làm việc tốt hơn nhằm đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó nên có những phần thưởng tương xứng khi người lao động hoàn thành mục tiêu để nhằm khuyến khích họ nỗ lực làm việc.
Trên cơ sở phân tích các học thuyết trên, học thuyết nhu cầu của Maslow và học thuyết công bằng của J. Stacy Adams được lựa chọn là hai học thuyết chính để nghiên cứu thực trạng công tác tạo động lực cho người lao động tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam vì bản chất của tạo động lực là thỏa mãn nhu cầu trên cơ sở đảm bảo sự công bằng.