các cơ quan nhà nước
Thứ nhất, cần xác định rõ ràng và hợp lý về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất đai.
Để có thể nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, trước hết cần phân cấp quản lý một cách hợp lý, khắc phục tình trạng phân cấp thực hiện chức năng chưa hợp lý, chồng chéo về thẩm quyền giữa các ngành các cấp. Trong hoạt động chuyên môn, các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính.
Về đội ngũ công chức, cần tăng cường về số lượng và chất lượng vì hiện nay, đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, quản lý đối với việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nói riêng còn quá mỏng, tổ chức bộ máy thường xuyên bị thay đổi, trình độ
chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều quy định trong Luật Đất đai lại có sự thay đổi thường xuyên cả về nội dung và thủ tục thực hiện, nên việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trình độ quản lý cho các cán bộ công chức ngành địa chính là vô cùng quan trọng. Luật Đất đai năm 2003 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất trong cả nước về quản lý đất đai. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay các cơ quan tài nguyên và môi trường ở cấp huyện và cấp xã chưa được kiện toàn về bộ máy và có năng lực hoạt động không cao. Vì vậy, tổ chức và hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường chưa được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới cần kịp thời tăng cường về nhân lực cho cơ quan tài nguyên và môi trường ở các cấp huyện và xã.
Hiện nay, trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế "một cửa" trong lĩnh vực đất đai thông qua Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đang được áp dụng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thủ tục hành chính nói chung, thủ tục quản lý đối với việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nói riêng vẫn chưa thực sự nhanh chóng, thuận tiện cho các cá nhân, tổ chức. trên thực tế cơ chế hoạt động và thủ tục giải quyết các công việc hành chính còn nhiều phiền hà phức tạp gây khó khăn cho nhân dân khi thực hiện quyền năng của mình.
Thứ ba, cần triệt để và nghiên cứu để cải tiến cơ chế "một cửa" khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Cần tiếp tục nghiên cứu để không chỉ thực hiện cơ chế "một cửa", mà còn hướng tới việc cải tiến thủ tục "một cửa, một dấu" (tức là giảm bớt đầu mối thông qua việc mở rộng thẩm quyền của các cơ quan nhà nước), bảo đảm sự thuận tiện cho doanh nghiệp và người góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp. Chính vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo những tiêu chí: Cơ chế gọn nhẹ, thủ tục, hồ sơ đơn giản, trong thời gian ngắn nhất và phải bảo đảm tính công khai của thủ tục hành chính.