vốn bằng quyền sử dụng đất
Do đất đai là loại tài sản đặc biệt thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên để tránh việc sử dụng không đúng hoặc lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng này, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc xử lý quyền sử dụng đất khi các bên góp vốn chấm dứt việc góp vốn.
Trong những trường hợp hết thời hạn góp vốn hoặc do các bên thỏa thuận chấm dứt việc góp vốn, mà vẫn chưa hết thời hạn sử dụng của bên góp vốn, thì bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất được tiếp tục sử
dụng đất đó trong thời gian còn lại. Nếu thời hạn sử dụng đất đã hết hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng bên góp vốn không có nhu cầu tiếp tục sử dụng, thì Nhà nước giao cho doanh nghiệp đã nhận góp vốn thuê đất; nếu doanh nghiệp này chấm dứt hoạt động thì Nhà nước thu hồi đất đó.
Trong trường hợp chấm dứt việc góp vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do có sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai, thì Nhà nước thu hồi đất đó.
Nếu doanh nghiệp nhận góp vốn hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị phá sản, thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quyết định của Tòa án nhân dân về việc tuyên bố phá sản. Khi đó, người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quyết định của Tòa án nhân dân sẽ được sử dụng đất đúng với mục đích đã được xác định, trong thời gian còn lại của thời hạn sử dụng đất. Trong trường hợp không có người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Nhà nước thu hồi đất và các tài sản trên đất.
Khi cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất chết, bị tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì quyền sử dụng đất được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.
Nếu doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất giải thể hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức giải thể, thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.