truyền phổ biến pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Một mặt, cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật nói chung, pháp luật đất đai nói riêng đối với đội ngũ công chức làm công tác quản lý đất đai. Có như vậy, mới tạo ra được nhận thức đúng đắn và năng lực chuyên môn cần thiết của đội ngũ công chức nhà nước về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Nhờ đó, vừa tạo những điều kiện cần thiết để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào sản xuất. kinh doanh; vừa có thể trực tiếp đánh giá tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội, kịp thời phát hiện và đề xuất với Nhà nước sửa đổi, bổ sung những quy định không hiệu quả hoặc thiếu tính khả thi..
Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh việc phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật về đất đai nói chung và pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất nói riêng cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức và các nhà đầu tư để họ quán triệt và vận dụng đúng các quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cần phải
đa dạng hóa việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, bằng cách phối hợp nhiều hình thức khác nhau, như: Qua các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh thôn, xóm, xã, báo chí, truyền hình…), qua các buổi gặp mặt cán bộ địa chính đối với người dân để tránh sự nhàm chán, đơn điệu. Có như vậy, mới thu hút được dự chú ý, tham gia của nhân dân về các nội dung được truyền tải. Cũng cần tổ chức có hiệu quả công tác tiếp dân, qua đó có thể hướng dẫn tận tình đối với người sử dụng đất khi họ gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền năng của mình; đồng thời, có thể tiếp nhận và phải giải quyết một cách đúng đắn, công khai những yêu cầu đó. Như vậy, vừa góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, vừa tạo ra sự yên tâm về tư tưởng cho nhân dân nói chung, những người có quyền sử dụng đất nói riêng về chính sách đất đai của Nhà nước.