Trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1992, pháp luật về thị trường bất động sản nói chung, về góp vốn bằng quyền sử dụng đất nói riêng đã bước đầu được hình thành.
Trong những năm đầu của năm 1980, sản xuất nông nghiệp thiếu sức sống, đất nước ta thiếu lương thực, nhiều gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng "đứt bữa". Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thực hiện chương trình đổi mới vào năm 1986. Điểm đột phá được Đảng ta lựa chọn là điều chỉnh lại mô hình sản xuất tập thể trên cơ sở hợp tác xã nông nghiệp bậc cao sang mô hình sản xuất hộ gia đình trên cơ sở giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài. Quyết định chiến lực này đã làm cho chúng ta tự đảm bảo an ninh lương thực quốc gia sau hai năm đổi mới. Tiếp đó, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới sau bốn năm đổi mới. Năm 1987, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai đầu tiên của nước ta với mục tiêu thể chế hóa việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và xác lập hệ thống quản lý
đất đai nước ta. Luật Đất đai năm 1987 chưa thể hiện yếu tố của thị trường quyền sử dụng đất vì khi xây dựng Luật này cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta chưa được xác định.
Đến Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, quy định bên Việt Nam được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, một quy định rất mới, cụ thể chỉ có Việt Nam mới có hình thức góp vốn như vậy. Đây là một sáng tạo rất phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đất nước ta.
Luật Đất đai năm 1987 được thông qua cùng ngày với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 (ngày 29 tháng 12 năm 1986) có hiệu lực kể từ ngày 08 tháng 01 năm 1988 không quy định người sử dụng đất có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng cũng không quy định cấm không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tại Điều 5 Luật Đất đai năm 1987 quy định: "Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm hủy hoại đất đai" [27] Nhưng không thấy quy định cấm góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước thời điểm sửa luật năm 1992 cho phép bên Việt Nam tham gia xí nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng quyền sử dụng đất (Điều 7 khoản 2 mục 4). Quy định như vậy dễ dấn tới tràn lan, phá vỡ quy hoạch và ưu tiên không đúng đối tượng. Nhằm tránh những sự lỏng lẻo trong việc sử dụng đất, quản lý chặt chẽ và đảm bảo sử dụng hiệu quả của việc dùng quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh. Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1992 đã sửa đổi, bổ sung mục 4 khoản 2 Điều 7 cho phép bên Việt Nam tham gia xí nghiệp liên doanh góp vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định khung giá
đồng thời quy định trường hợp bên Việt Nam dùng tiền thuê đất của Nhà nước để góp vốn thì cần làm thủ tục nhận nợ và hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước.