công việc
OCGSA
Kiến trúc OCGSA (Open Collaborative Grid Service Architecture – Kiến trúc dịch vụ lưới cộng tác mở) [56] hướng tới cung cấp một khung chung cho các ứng dụng cộng tác. Trong kiến trúc này, khái niệm dịch vụ lưới trong OGSA [52] (như một dịch vụ mức thấp) được mở rộng thành dịch vụ lưới cộng tác (dịch vụ mức cao), bằng việc mở rộng portType của dịch vụ lưới với siêu dữ liệu (metadata) cho việc quản lý nhóm và an toàn. Song song với đó, cơ chế báo hiệu cũng được mở rộng với khả năng định nghĩa trước các chủ đề báo hiệu. Một thành phần mới của OCGSA so với OGSA là dịch vụ lưu trữ sự kiện (Event Archiving service), có trách nhiệm quản lý các thông báo/các bản tin trao đổi giữa những người dùng/nhóm người dùng.
Tuy vậy, các mở rộng trong OCGSA vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các ứng dụng cộng tác trong thực tế, do còn thiếu hỗ trợ các cơ chế điều phối cụ thể và rõ ràng. Hơn nữa, kiến trúc này chỉ đưa ra mức cơ bản, mà chưa mô tả các cơ chế phù hợp cụ thể hỗ trợ sự cộng tác thực tế, dẫn đến khó áp dụng được trong việc phát triển các khung hay ứng dụng cộng tác lưới thực tế.
Grid-enabled large scale (LAGrid)
Khung cộng tác dựa trên lưới này [105] được phát triển nhằm xây dựng một môi trường cộng tác có khả năng sử dụng lưới có quy mô lớn, hỗ trợ người dùng cộng tác với các đặc điểm chính sau:
- Quy mô lớn (theo cả chiều rộng và chiều sâu, với cấu trúc phân cấp)
- Cơ chế phối hợp khác nhau (đồng bộ/không đồng bộ, trong nội bộ nhóm/giữa các nhóm).
- Các cơ chế điều phối khác nhau (tường minh/ngầm định/ngẫu hứng). - Tích hợp các cơ chế điều phối.
- Các cấu trúc cộng tác tĩnh (được xác định trước khi cộng tác), và động (xác định khi đang cộng tác).
Mặc dù khung loại này hỗ trợ phát triển môi trường cộng tác quy mô lớn, nhưng lại không hỗ trợ các tình huống theo kịch bản, dưới dạng kế hoạch làm việc trong các tiến trình. Do thiếu kế hoạch, nên rất khó quản lý các hoạt động của các tiến trình. Điều này có thể dẫn đến việc thực hiện tiến trình không hiệu quả và không thể kiểm soát được.
Khung cộng tác được đề xuất trong luận án có mục tiêu khá giống với khung cộng tác này, nhưng dựa trên cách tiếp cận khác, dựa trên kiến trúc mở, hướng dịch vụ (SOA - Service Oriented Architecture), dịch vụ lưới của kiến trúc OGSA, nhằm nâng cao tính mở và khả năng mở rộng.
32
Collaborative Design
Collaborative Design Grid (CDG) [106] là khung cho phép giải quyết hai vấn đề trong cộng tác: chia sẻ tài nguyên và cộng tác phân tán về mặt địa lý. Kiến trúc khung này dựa trên kiến trúc OGSA, được cài đặt bằng các dịch vụ lưới trong Globus Tookit 3. Thiết kế kiến trúc các CDG dựa trên ba công nghệ chính: Thiết kế cộng tác Có trợ giúp của Máy tính, tính toán lưới và cổng thông tin Web.
Tuy nhiên, kiến trúc CDG có một số hạn chế. Thứ nhất, nó sử dụng Globus Toolkit phiên bản 3 (GT3) chưa hỗ trợ đầy đủ các tiêu chuẩn lưới như dịch vụ lưới và kiến trúc OGSA. Thứ hai, CDG chưa hỗ trợ các công việc cộng tác thực hiện có kịch bản, không có các kế hoạch làm việc.
Khung lưới cộng tác cho các thiết bị di động (GCF - MD)
Khung lưới cộng tác cho các thiết bị di động (Grid-based Collaborative Framework for Mobile Devices - GCF-MD) [88] cho phép các thiết bị di động có thể làm việc cộng tác với nhau để giải quyết các bài toán có khối lượng tính toán lớn. Để quản lý việc thực thi các công việc, đa số các hệ thống lưới sử dụng hạ tầng lưới như Globus Toolkit hay Condor. Tuy nhiên, cho đến nay, các hạ tầng lưới này chưa phù hợp với các hệ thống lưới “hạng nhẹ” (light-weight grid systems) như lưới di động (mobile grids) hay lưới cảm biến (sensor grids), do đòi hỏi cao cả về khả năng xử lý và dung lượng bộ nhớ. Do đó, GCF-MD phải xây dựng hạ tầng lưới bao gồm hai thành phần chính: Brokering Service and Keep-alive Server.
Hạn chế chủ yếu của khung GCF-MD là nó không tuân theo cách tiếp cận của kiến trúc hướng dịch vụ (SOA), khả năng hỗ trợ dịch vụ WEB, dịch vụ lưới. Khung lưới cộng tác được xây dựng trong luận án sẽ đi theo cách tiếp cận này, để có khả năng mở và mềm dẻo hơn.
PATIENT SCHEDULER
Công cụ này [20] là một khuôn mẫu được phát triển qua dự án SAIK, cải thiện việc phối hợp và điều phối trên mạng máy tính trong điều trị cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một mẫu thử, và mới chỉ áp dụng được trong lĩnh vực y tế.
SPRING
Khung lưới các cảm biến [42] SPRING (Scalable Proxy-based aRchItecture for seNsor Grid) được thiết kế theo cách tiếp cận sử dụng một proxy, được gọi là Proxy Mạng Cảm biến Không dây. Proxy này hoạt động như một giao diện giữa hạ tầng lưới và một WSN. Tuy nhiên, khung này không có khả năng hỗ trợ thực thi các kế hoạch.
Khung tính toán dựa trên hoạt động (ABC)
Được đề xuất trong các nghiên cứu [22] [21], khung tính toán dựa trên hoạt động
(Activity-Based Computing) nhằm hỗ trợ hoạt động di động, cộng tác và khẩn cấp, như các hoạt động điều trị y tế. Thực thể cơ bản nhất của khung này là hoạt động tính toán
33
liên quan mật thiết đến một hoạt động nào đó. Khung này cung cấp Hạ tầng tính toán dựa trên hoạt động với mục đích hỗ trợ người dùng quản lý các hoạt động tính toán. Nghiên cứu của luận án tuy có cùng tiếp cận, sử dụng lý thuyết hoạt động, nhưng lại đi theo một cách tiếp cận khác nhằm khắc phục hạn chế cơ bản của lý thuyết hoạt động thiếu khả năng biểu diễn tường minh kế hoạch và hỗ trợ quá trình lập kế hoạch. Do đó, trong nghiên cứu của luận án sẽ bổ sung các mô hình, ngôn ngữ mô tả và môi trường thực thi để khắc phục các hạn chế đó.