Sau khi dịch cúm gia cầm được đẩy lùi, nhu cầu của thị trường về thịt gia cầm, đặc biệt là thịt gà lớn. Mặt khác, do tác động của đề án chuyển chăn nuôi ra khỏi khu dân cư của huyện Đông Anh, trên địa bàn xã Uy Nỗ đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi gà công nghiệp và gà ta tách khỏi khu dân cư.
Tính đến cuối năm 2007 tổng số hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư là 38 hộ, năm 2008 tăng lên 42 hộ (10,53%), năm 2009 con số này đã lên tới 45 hộ. Bình quân cả 3 năm số hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư tăng 8,82%. Con số trên cho thấy sự tăng lên của mô hình chăn nuôi gà xa khu dân cư đồng thời cho thấy người dân địa phương đã dần ý thức được lợi ích cũng như trách nhiệm với môi trường và quan trọng hơn là hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình khá rõ ràng.
Bảng 4.5 Quy mô của các hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư xã Uy Nỗ
Diễn giải
Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 So sánh (%)
SL (hộ) (hộ) CC (%) SL (hộ) CC (%) SL (hộ) CC (%) 08/07 09/08 Bình quân Số hộ CN gà ngoài KDC 38 100 42 100 45 100 110,53 107,14 108,82 Dưới 500 con 2 5,26 3 7,14 5 11,11 150 166,67 158,11 Từ 500-1000 con 23 60,52 23 54,76 23 51,11 100 100 100 Trên 1000 con 13 34,22 16 38,10 17 37,78 123,07 106,25 114,35
Nguồn: Ban thống kê xã Uy Nỗ - Đông Anh- Hà Nội
Số hộ chuyển chăn nuôi gà ra xa khu dân cư tăng kéo theo quy mô chăn nuôi của các hộ tăng qua các năm. Cuối năm 2007 số hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 đến 1000 con là 23 hộ, số hộ có quy mô trên 1000 con là 13 hộ, cuối năm 2009 quy mô 500 – 1000 con không thay đổi nhưng số hộ chăn nuôi quy mô trên 1000 con tăng lên 17 hộ. Bình quân qua 3 năm số hộ có quy mô trên 1000 con tăng 14,35%. Điển hình có những hộ có quy mô chăn nuôi trên 3000 con gà lấy trứng ( hộ chị Biên Thơ - thôn Đản Dị), trang trại (ông Nguyễn Văn Đinh) có quy mô chăn nuôi trên 4000 con gà thịt. Hộ có quy mô chăn nuôi từ 500 con trở xuống chủ yếu là hộ mới tham gia vào mô hình chăn nuôi gà xa khu dân cư, chăn nuôi gà thả vườn, quy mô ban đầu nhỏ.
Tuy nhiên trên địa bàn xã hiện vẫn chưa có quy hoạch cụ thể cho từng khu vực chăn nuôi. Các hộ tách ra phần lớn là tự phát. Các hộ gia đình, cá nhân đấu thầu, thuê mướn đất đai, tập trung trao đổi ruộng đất, tận dụng đất hoang hóa khó canh tác để xây dựng trang trại chăn nuôi. Do vậy, vấn đề quản lý gặp khó khăn. Hơn nữa, khi chưa có quy hoạch cụ thể các hộ chăn nuôi thường ở thế bị động về thị trường đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Sự gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoặc giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do xã chưa xây dựng được các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn. Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, chưa có quy hoạch ngành và vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gây khó khăn cho việc xây dựng các trang trại tập trung, quy mô lớn với nhiều hộ tham gia.
Vấn đề đặt ra cho ban lãnh đạo cấp trên nói chung và của xã nói riêng cần sớm có quy hoạch khu chăn nuôi xa khu dân cư và có sự quản lý chặt chẽ.