II. Thời gian vay
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1 Kết luận
Chăn nuôi gà có vai trò khá quan trọng nó cung cấp thực phẩm cho con người, tạo điều kiện phát triển các ngành liên quan như: trồng trọt, chăn nuôi, các ngành công nghiệp chế biến… Ngoài ra, chăn nuôi gà xa khu dân cư góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đẩy mạnh quá trình CNH – HĐH. Phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
So với nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam chủ yếu là chăn nuôi tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có hệ thống giết mổ tập trung, còn hạn chế trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học, tiêm vắcxin phòng bệnh… Chăn nuôi gia súc, gia cầm Việt Nam đang có hướng chuyển dịch mới theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa. Một số nơi trong cả nước đã đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư như: Xã Thanh Bình – huyện Chương Mỹ, xã Tân Ước- huyện Thanh Oai, huyện Thống Nhất - tỉnh Đồng Nai đã đạt được hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là cơ hội tốt cho Đông Anh học hỏi kinh nghiệm và phát triển chăn nuôi gà xa khu dân cư.
Đề tài đã dần trả lời những câu hỏi đưa ra ở tính cấp thiết. Thực trạng mô hình chăn nuôi gà xa khu dân cư ở xã Uy nỗ hiện nay đang hoạt động mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể nào để các hộ tập trung thành vùng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp về đầu vào cũng như đầu ra để phát triển theo xu hướng mà đề án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư của UBND thành phố Hà Nội đưa ra. Mặc dù tự phát nhưng nó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương, đẩy mạnh quá trình CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn.
Đề tài chỉ ra được những nhân tố ảnh hưởng đến mô hình chăn nuôi gà xa khu dân cư. Ngoài phương hướng sản xuất kinh doanh của hộ thì còn rất nhiều yếu tố khác như đất đai, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, yếu tố tâm lý cũng như tư duy của cán bộ chính quyền địa phương, tất cả những yếu tố đó đã tác động tới kết quả và hiệu quả của mô hình chăn nuôi gà trên địa bàn xã.
Đồng thời đề tài đã làm sáng tỏ những thuận lợi khó khăn chăn nuôi gà xa khu dân cư, từ đó đề xuất những định hướng cho việc phát triển mô hình chăn nuôi gà xa khu dân cư trên địa bàn xã. UBND xã cùng các hộ nông dân cần có sự phối hợp chặt chẽ trong sự phát triển chung của kinh tế địa phương. Cần nắm bắt những cơ hội và những thuận lợi cũng như có chính sách cụ thể khắc phục những khó khăn để tìm ra hướng đi chung trong quá trình CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, đề tài so sánh thực tế mô hình chăn nuôi gà xa khu dân cư tự phát ở Uy Nỗ với những điều kiện mà đề án đặt ra. Những mô hình tự phát này hầu hết mới chỉ đáp ứng được về diện tích, còn các điều kiện về quy mô đầu con, hệ thống chuồng trại và xử lý chất thải, đặc biệt sự hình thành vùng chăn nuôi với quy mô tập trung thì chưa đáp ứng điều kiện mà đề án đưa ra. Đây chính là những nguyên nhân làm cho hiệu quả mô hình không đạt được như mong đợi, tình trạng manh mún tự phát này kéo dài thì nền nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng khó có thể phát triển bền vững.
Do vậy, trong thời gian tới các cấp chính quyền cần có những chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa để phối hợp cùng các hộ nông dân tìm ra hướng đi phù hợp trong việc phát triển và nhân rộng mô hình, đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương.
5.2 Đề xuất
Đối với nhà nước và chính quyền các cấp cần:
Có một chính sách quy hoạch tổng thể cho những hộ có nhu cầu chuyển chăn nuôi gà tách khỏi khu dân cư.
Các cơ quan cấp trên cần có những định hướng, chính sách đúng đắn, phù hợp trong việc thủ tục cấp giấy sử dụng đất, dồn điền đổi thửa, quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trong việc chuyển đổi ruộng đất nhằm xây dựng khu chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư.
Có nhiều hỗ trợ về vốn bằng việc hỗ trợ lãi suất tiền vay, quỹ khuyến nông... Tăng cường liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bằn, trong mua thức ăn, chế biến, thuốc thú y, phòng trừ dịch bệnh...
Tăng cường hơn nữa những lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh...
Thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn giữa nhà khoa học với người sản xuất và người chế biến, tiêu thụ...
Công tác thú y cần được quan tâm thường xuyên, mạng lưới thú y cơ sở, ban thú y các xã, phường, thị trấn cần được củng cố, đi vào hoạt động và được hưởng phụ cấp từ ngân sách tỉnh.
Có biện pháp quản lý tốt đàn giống, thực hiện nghiêm chỉnh quy trình phòng trừ dịch bệnh đảm bảo chất lượng an toàn cho đàn gia cầm.
Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đối với các hộ chăn nuôi:
Các hộ cần nhận thức đúng đắn vai trò của mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư trong việc phát triển một ngành chăn nuôi bền vững, mang lại thu nhập ngày càng cao mà đề án của UBND thành phố Hà Nội đưa ra. Đồng thời thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp.
Cần chủ động trong lĩnh vực tìm kiếm thị trường, chủ động liên kết với các hộ chăn nuôi gà khác trong xã và các xã lân cận thành lập hôi chăn nuôi giúp đỡ nhau trong vấn đề kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, mua đầu vào và đặc biệt là chủ động trong việc tiêm phòng chống dịch bệnh cho đàn gà.
Mặt khác các hộ chăn nuôi gà cần có kế hoạch chăn nuôi cụ thể phù hợp với nhu cầu của thị trường hạn chế mức thấp nhất trường hợp mở rộng quy mô chăn nuôi không tính toán làm cung vượt quá cầu dẫn dến bị động trong vấn đề tiêu thụ.
Có kế hoạch chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả, nuôi cá để giải quyết tốt vấn đề chất thải chăn nuôi.