Trước khi ban hành Luật Đầu tư năm 2005, chủ thể của quan hệ đầu tư được quy định không giống nhau giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Đối với các quan
hệ đầu tư trong nước, chủ thể của quan hệ đầu tư được quy định trong nhiều văn bản
pháp luật (Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) năm 1998, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Doanh nghiệp năm 1999 và các
văn bản hướng dẫn thi hành). Theo đó, chủ thể của các quan hệ đầu tư trong nước có
phạm vi rất rộng, bao gồm các tổ chức, cá nhân không bị cấm đầu tư vốn để kinh doanh và các cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền. Đối với đầu tư nước ngoài, chủ thể của
quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài được quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt
Nam năm 1996 sửa đổi bổ sung năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ thể
của quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài do Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có phạm vi hẹp chỉ quy định các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế;
bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, khoa học kĩ thuật,
khoa học tự nhiên. Nhà đầu tư nước ngoài (gồm tổ chức kinh tế nước ngoài và cá nhân
nước ngoài; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gồm doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài). Các cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm
quyền kí kết BOT, BTO và BT (là các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Theo Luật Đầu tư, chủ thể trong quan hệ pháp luật đầu tư được mở rộng và được quy định thống nhất giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được hiểu
là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam,
bao gồm:
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập theo Luật Doanh nghiệp;
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi Luật này có hiệu lực;
- Hộ kinh doanh, cá nhân;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
- Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quy định về nhà đầu tư theo Luật Đầu tư so với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt
Nam đã được mở rộng thể hiện quan điểm không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư
thuộc các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế khác nhau, không phân biệt quốc tịch
của nhà đầu tư. Đây là cơ sở quan trọng đảm bảo quyền tự do và sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu bảo đảm và khuyến khích đầu tư trong bối cảnh hội nhập
kinh tế quốc tế.
Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư là nội dung cơ bản của quan hệ pháp luật đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư được ghi nhận bởi pháp luật. Trong quá trình thực
hiện hoạt động đầu tư, trên cơ sở pháp luật, nhà đầu tư còn có thể ấn định các quyền và nghĩa vụ cho mình, gắn với những quan hệ đầu tư cụ thể.
Luật Đầu tư quy định (ở mức độ nguyên tắc) những quyền và nghĩa vụ cơ bản của
nhà đầu tư11. Ngoài ra, gắn với từng dự án đầu tư, các quyền và nghĩa vụ cụ thể của nhà
đầu tư được quy định trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau như:
pháp luật về tổ chức doanh nghiệp, lao động, pháp luật về đất đai, tài nguyên, pháp luật về thuế, pháp luật về quản lí ngoại hối, pháp luật về bảo vệ môi trường...
5. Bảo đảm đầu tư
Luật đầu tư quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư tại Chương II (từ Điều 6 đến Điều 12). Các biện pháp bảo đảm đầu tư thể hiện tính nhất quán trong việc thực hiện
cam kết đảm bảo của Nhà nước đối với lợi ích của nhà đầu tư, phù hợp với nội dung cam
kết trong các điều ước quốc tế về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Nội dung bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư bao gồm: