- Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh và ý nghĩa của Luật Phá sản
Phá sản là hiện tượng kinh tế xuất hiện và tồn tại trong những điều kiện kinh tế- xã hội nhất định, đó là nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung
không tồn tại khái niệm phá sản. Luật phá sản đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 12 năm 1993. Sau một thời gian thực hiện, luật này đã bộc lộ
nhiều hạn chế, bất cập và tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XI ngày 15 tháng 6 năm 2004 đã thông qua Luật Phá sản mới thay cho Luật Phá sản năm 1993.
1.1. Đối tượng áp dụng
Luật phá sản năm 2004 áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác
xã (gọi chung là Hợp tác xã) được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đối với những doanh nghiệp đặc biệt, trực tiếp phục vụ an ninh quốc phòng, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và trong các lĩnh vực công ích thiết yếu, Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể khi áp
dụng Luật phá sản.
1.2. Phạm vi điều chỉnh
Luật Phá sản quy định điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều
kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản;
quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, của
doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết
yêu cầu tuyên bố phá sản.
1.3. Hiệu lực của Luật phá sản
- Luật phá sản và các quy định khác của pháp luật được áp dụng khi giải quyết
phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.
- Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Phá sản và quy định
của luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Phá sản.
1.4. Vai trò của Luật phá sản
- Luật Phá sản bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ nợ, cung cấp cho các chủ nợ một
công cụ để thực hiện việc đòi nợ.
- Luật Phá sản bảo vệ lợi ích của con nợ, đem lại cho các con nợ đang trong tình trạng phá sản một cơ hội phục hồi hoặc rút khỏi thị trường một cách có trật tự.
- Luật Phá sản bảo vệ lợi ích người lao động.
- Luật Phá sản góp phần tổ chức và cơ cấu lại nền kinh tế quốc dân.