Thực hiện chính sách tài chính tiền tệ năng động và hiệu quả

Một phần của tài liệu Tình hình lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua – Dự báo trong thời gian tới và đề xuất một số giải pháp.doc (Trang 60 - 61)

II. Một số giải pháp cụ thể kiềm chế lạm phát

1.Thực hiện chính sách tài chính tiền tệ năng động và hiệu quả

Ngoài những giải pháp NHNN đã áp dụng trong thời gian qua có thể áp dụng những giải pháp dưới đây nhằm điều chỉnh lượng cung tiền phù hợp, điều chỉnh chính sách tài khoá, tích cực quản lý và tăng hiệu quả của chi ngân sách:

Việc cần làm trước mắt hiện nay là giảm nhanh lượng tiền mặt trong lưu thông. Một số giải pháp như điều chỉnh lãi suất vay nóng giữa các Ngân hàng, nới lỏng tỷ giá hối đoái... là rất cần thiết, tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Cần phải quản lý lượng cung tiền trong lưu thông chặt hơn nữa, chủ động tăng vòng quay của đồng tiền. Trước mắt nên hạn mức tín dụng đối với các NHTM nhằm hạn chế và kiểm soát lượng tiền tiếp tục được tung vào lưu thông. NHNN cần có cơ chế kiểm tra giám sát các ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng thương mại lớn trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp tăng vòng quay đồng tiền, quản lý lượng cung tiền cho lưu thông. Nếu không quản lý và tăng vòng quay tiền tệ sẽ hoàn toàn bị động trong quản lý lượng tiền mặt trong lưu thông, lượng tiền sẽ tăng lên nhiều gây ra những hậu quả xấu và dẫn tới lạm phát thường trực. Mặt khác phải xác định được lượng tiền thực có trong lưu thông (T), xây dựng chỉ tiêu vòng quay tiền, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu của toàn ngành. Trên cơ sở đó, NHNN chủ động giảm lượng tiền trong lưu thông nhằm thúc đẩy các ngân hàng thực hiện các giải pháp tăng vòng quay đồng tiền của mình. Như vậy lượng tiền sẽ được cung ứng trong giới hạn an toàn đối với nền kinh tế.

Tiếp đó, cần quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách. Cần xem xét lại các chương trình, dự án đầu tư, hoạt động chi tiêu của Chính phủ, của các ban ngành. Tập trung ngân sách vào những công trình cấp thiết, những chương trình không cấp thiết nên chuyển vào những năm sau. Tăng hiệu quả chi tiêu ngân sách bằng việc hoàn thành các chương trình, các dự án đúng thời hạn để sớm phát huy tác dụng. Giảm chi phí trong các cơ quan khối công quyền, tích cực chống tiêu cực và lãng phí.

Ngoài ra, cũng cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động chi tiêu thu đổi ngoại tệ trên thị trường. Tích cực thu hút ngoại tệ trong dân bằng việc khuyến khích gửi tiết kiệm ngoại tệ với lãi suất hấp dẫn; thực hiện tỷ giá hối đoái linh hoạt giữa tiền Việt với một số ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh chi phối hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam như

USD, EURO, Yên, Nhân dân tệ... đảm bảo tác động khách quan vào xuất nhập khẩu, không gây thiệt hại chung cho nền kinh tế. Khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt, đặc biệt là khách nước ngoài, cần tạo cơ chế để nhóm khách này có thể giam gia, nhất là đối với TTCK.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên thực hiện bán trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc cho dân, thu hồi tiền mặt. Hoạt động này có tác dụng rất tích cực làm giảm nhanh lượng tiền mặt trong lưu thông và tác động trực tiếp tới giảm lạm phát. Trong trường hợp cấp bách hiện nay, không nên đấu thầu trái phiếu và tín phiếu qua trung gian. NHNN, Kho bạc Nhà nước nên triển khai bán trực tiếp cho dân. Bán trực tiếp sẽ tránh được các khâu trung gian nên mức lãi suất đối với người mua sẽ cao hơn, thu hút được nhiều người tham gia. Có thể tổ chức thành những chiến dịch phân phối tín phiếu, trái phiếu trong thời gian cụ thể với cơ chế thuận lợi kết hợp với sự tuyên truyền cổ động mạnh mẽ để động viên mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội tham gia.

Để làm được những việc trên thì rất cần thiết phải nâng cao vai trò của NHNN và cải cách các NHTM theo hướng hiện đại hóa.

Một phần của tài liệu Tình hình lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua – Dự báo trong thời gian tới và đề xuất một số giải pháp.doc (Trang 60 - 61)