II. Một số giải pháp cụ thể kiềm chế lạm phát
3. Giảm thâm hụt ngân sách nhà nước – Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
*Giảm thâm hụt ngân sách
Thâm hụt NSNN là kết quả của chính sách thu và chi ngân sách. Muốn làm giảm thâm hụt ngân sách thì điều tất yếu là phải tăng thu và giảm chi.
Để tăng thu ngân sách, trước mắt chúng ta phải làm sao ngăn chặn các nguồn đang trực tiếp làm sút giảm ngân sách.
Thứ nhất, cần ngăn chặn ngay tình trạng thất thoát trong quá trình thu thuế, phí. Điều này phụ thuộc vào trình độ, đạo đức của các cán bộ, nhân viên nghành thuế, tính chặt chẽ của luật và công nghệ thu thuế. Tính chặt chẽ của các luật thuế, sắc thuế có thể được tăng cường nếu nhà nước ra quyết định thưởng cho những ai có đề xuất, sáng kiến cải cách thuế phù hợp hơn với nền kinh tế nước ta hiện nay. Về công nghệ thu thuế, Nhà nước nên phổ biến chính sách pháp luật đến từng người dân qua hệ thống thông tin xã, phường để tránh tình trạng cán bộ thuế tính khống mức thuế (nhất là với thuế môn bài) để ăn chênh lệch mà dân vẫn không biết; Khuyến khích nhân dân tố giác các cán bộ tham nhũng. Các cơ quan thuế kể cả ở địa phương cần được hiện đại hoá với hệ thống máy vi tính nối mạng để tránh rườm rà, cồng kềnh trong khâu xử lý số liệu, dễ gây nhầm lẫn, thiệt hại cho nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo hướng giảm dần về số lượng thuế suất, giảm các ưu đãi, miễn giảm thuế, tăng phạm vi, đối tượng chịu thuế. Chẳng hạn thuế thu nhập có thể được áp dụng thống nhất với tất cả những người có mức thu nhập từ mức trung bình trở lên để xác lập thói quen đóng thuế trong nhân dân, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, tăng thu cho ngân sách.
Về lâu dài, phải làm sao chính sách thuế nuôi dưỡng được nguồn thu cho NSNN. Để làm được điều này, bên cạnh việc tiến hành miễn giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư ứng dụng công nghệ cao, miễn giảm hơn nữa thuế nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất hạn chế; Vấn đề nâng cao hiệu quả chi ngân sách có vai trò hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó cần cải thiện cơ cấu, hiệu quả chi ngân sách bằng cách giảm dần đầu tư xây dựng cơ bản, tăng đầu tư cho công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là nông, lâm , thuỷ sản xuất khẩu; giảm dần tỷ trọng đầu tư vào các khu vực kinh tế có môi trường cạnh tranh cao. Đầu tư Nhà nước nên đóng vai trò định hướng, thu hút các khu vực khác trong nền kinh tế làm theo.
Xã hội hoá chi ngân sách trong một số lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thể thao, truyền hình; Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào các bậc học để nhà nước có thể chi nhiều hơn cho giáo dục ở nông thôn, miền núi, xóa dần khoảng cách dân trí giữa các vùng. Cho phép và khuyến khích tư nhân tham gia các dịch vụ công cộng (môi trường đô thị, trật tự an ninh...) thông qua chế độ Nhà nước đặt hàng thay vì cấp chi phí trực tiếp.
* Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
Ngoại thương và tốc độ lạm phát có tác động qua lại với nhau: tỷ lệ lạm phát ảnh hưởng đến sức mua của đồng tiền trong tương quan so sánh với ngoại tệ, do vậy ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế và giữa hàng sản xuất ra trong nước với hàng nhập khẩu. Ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu tạo ra nguồn thu thuế rất lớn cho NSNN, đồng thời kìm hãm hoặc kích thích sản xuất trong nước phát triển nên có thể làm trầm trọng hơn hoặc giảm nhẹ tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước. Dù nhà nước đã có nhiều cố gắng để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng nhưng nhiều khi kết quả đạt được chưa như mong đợi. Lượng xuất khẩu cứ tăng lên nhưng giá xuất khẩu lại giảm, hàng Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao, thậm chí chúng ta đã đánh mất vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Để ngoại thương góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, phòng ngừa giảm phát, khóa luận đề xuất một số giải pháp như sau:
•Nhà nước có chính sách khuyến khích hợp lý các tổ chức, cá nhân đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến hàngxuất khẩu, đặc biệt là nông sản xuất khẩu để tăng chất lượng, hạ giá thành, kiên quyết xử lý các trường hợp dùng hoá chất trái quy định trong chế biến nông sản, chẳng hạn sử dụng chloramphenicol để bảo quản thủy sản. Chúng ta có thể hiện tượng này nếu bộ Công thương, bộ Thuỷ sản và bộ Y tế phối hợp thanh tra, kiểm tra đồng bộ từ khâu chế biến, bảo quản để xuất khẩu nhằm giữ uy tín với khách hàng quốc tế.
•Các cơ quan Nhà nước như bộ Công thương, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm, nghiên cứu, khai thác, cung cấp thông tin về tình hình cung cầu, xu hướng giá cả, thị hiếu khách hàng trên thị trường thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó định hướng cho họ xem cần thay đổi gì về mẫu mã, chất lượng, số lượng cho phù hợp yêu cầu thị trường, tránh trường hợp sản xuất dư thừa, lãng phí nguồn lực.
•Duy trì các thị trường xuất khẩu hiện tại, chú ý mở rộng phạm vi xuất khẩu sang các thị trường mới, nhiều tiềm năng và ít đối thủ cạnh tranh như Trung Cận Đông và Châu Phi.
Bên cạnh một số động thái như trên nhằm hoàn thiện chính sách xuất khẩu, chính sách nhập khẩu cũng cần có sự điều chỉnh như sau:
•Nâng cao chất lượng công tác thẩm định giá trị, chất lượng máy móc và công nghệ nhập khẩu, nhất định không nhập công nghệ cũ kỹ, lạc hậu của nước ngoài (ví dụ như công nghệ sản xuất xi-măng bằng lò đứng từ Trung Quốc) để tránh nguy cơ nước ta trở thành nơi chứa rác thải công nghệ. Nhà nước nên cử các các bộ về thẩm định đi học ở nước ngoài, sử dụng phương pháp chuyên gia trong đánh giá chất lượng công nghệ.
•Hạn chế tối đa việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, phương tiện đi lại (xe máy, xe ô tô bốn chỗ) thay vào đó phải đẩy mạnh sản xuất các linh kiện, phụ tùng và lắp ráp trong nước.
•Nhà nước phải tìm mọi cách ngăn chặn tình trạng nhập lậu hàng hoá. Muốn thế, đội ngũ cán bộ ngành Hải quan cần được cung cấp phương pháp, kỹ năng, trang thiết bị hiện đại cũng như việc nâng cao tư cách, đạo đức nghề nghiệp.
Thông qua thực hiện một số giải pháp cơ bản về xuất nhập khẩu như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể tăng xuất khẩu cả về lượng và chất, đem về nhiều ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và giữ cho giá trị đồng tiền không sụt giảm quá nhiều, gây dựng lòng tin của người dân vào đồng nội tệ.