Nâng cao chất lượng dự báo kinh tế

Một phần của tài liệu Tình hình lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua – Dự báo trong thời gian tới và đề xuất một số giải pháp.doc (Trang 65 - 69)

II. Một số giải pháp cụ thể kiềm chế lạm phát

4.Nâng cao chất lượng dự báo kinh tế

Dự báo kinh tế tốt hơn để chủ động kiểm soát lạm phát. Về quân sự, ai cũng thấu hiểu tầm quan trọng sinh tử của việc nắm chắc các thông tin, dự báo đúng các tình

huống và dự kiến trước các động thái phản ứng để lập ra các phương án chiến đấu phù hợp, kiểu “ biết địch , biết ta, trăm đánh, trăm thắng”. Về kinh tế, việc coi trọng công tác dự báo giúp nâng cao sự chủ động và chất lượng công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như góp phần tích cực vào đảm bảo sự ổn định kinh tế -chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng sống thực tế của người dân. Thực tiễn đối phó với lạm phát trong thời gian gần đây ở nước ta cho thấy rõâ điều đó, cũng như cho thấy có khá nhiều những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác dự báo kinh tế. Vì thế, yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo kinh tế để chủ động kiểm soát lạm phát hiệu quả hơn ở nước ta ngày càng trở nên bức thiết hơn và đòi hỏi phải quán triệt các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, cần coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Trong thực tế, nhiều khi các mục tiêu, chỉ tiêu và ý chí chính trị do các cơ quan, tổ chức hoặc các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề ra đã mặc nhiên trở thành chuẩn mực trong công tác dự báo kinh tế ở nước ta. Nói cách khác, dự báo dường như đã trở thành công cụ minh họa, lặp lại và làm an lòng các giới chức trong quyết tâm hoàn thành các kế hoạch kinh tế ít nhiều chủ quan, mà không bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động thị trường khách quan - một trong các yêu cầu và đặc trưng hàng đầu của công tác dự báo kinh tế trong thời hội nhập thị trường quốc tế

Thứ hai, cần coi trọng dự báo tác động 2 mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Việc dự báo, đánh giá tác động 2 mặt tích cực và tiêu cực cả về xu hướng định tính, lẫn về định lượng của việc áp dụng các chính sách và định mức cụ thể trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước là rất quan trọng, nhất là với những mặt hàng đầu vào nhạy cảm của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, yêu cầu dự báo này dường như chưa được coi trọng đúng mức và đôi khi còn bị tiến hành một cách hình thức, thậm chí thiếu khách quan.

Cần nhấn mạnh rằng, việc trả giá cả về cho thị trường quyết định là sự cần thiết khách quan, song việc này phải đi đôi với việc trả sự cạnh tranh về cho thị trường, đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả trên thực tế của Chính phủ trong công tác giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan.

Thứ ba, cần coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành trực tiếp phục vụ công tác dự báo kinh tế. Hệ thống thông tin và các dữ liệu kinh tế là hết sức quan trọng cho các hoạt động dự báo, kinh doanh và điều hành kinh tế các cấp. Tuy nhiên, ở nước ta, các thông tin kinh tế thường bị phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hoá thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý, nhất là không được phổ biến rộng rãi, công khai, gây khó khăn và đắt đỏ cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu tiếp cận, khai thác và sử dụng các thông tin này, cũng như tạo ra những cơ hội thu lợi bất chính cho các tổ chức và cá nhân quản lý các thông tin đó, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và gia tăng sự lãng phí các nguồn lực xã hội.

Vì vậy, đã đến lúc Chính phủ cần có nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng hệ thống thông tin và dữ liệu kinh tế các cấp, cả về hệ thống các chỉ tiêu, bộ máy tổ chức và kinh phí thường xuyên, cũng như cơ chế khai thác tài nguyên thông tin quốc gia này một cách minh bạch, công khai và thuận lợi, giá rẻ, dựa trên các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin, nhằm phục vụ các nhu cầu về thông tin kinh tế nói chung, phục vụ công tác dự báo kinh tế nói riêng.

Thứ tư, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng và các loại công cụ dự báo, giữa công tác dự báo với công tác tổ chức thực hiện. Dự báo kinh tế là một khoa học theo đúng nghĩa của từ này, vì vậy, đòi hỏi trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao, không thể tuỳ tiện giao phó cho những cá nhân và đơn vị thiếu năng lực cần thiết cả về kiến thức, con người và cơ sở vật chất, cũng như các công cụ chuyên ngành. Tuy nhiên, cũng không thể tin tưởng một chiều vào các kết quả dự báo đưa ra từ việc chạy máy tính dù mạnh nhất với các thuật toán cứng nhắc.

Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ, liên ngành các cơ quan và các công cụ, phương pháp dự báo, nhất là trong công đoạn thu thập dữ liệu đầu vào và công đoạn xử lý kết luận cuối cùng của quy trình dự báo, nhằm góp phần tham chiếu, phản biện và hoàn thiện, nâng cao tính xác thực của kết quả báo cáo dự báo.

Thứ năm, cần coi trọng đúng mức sự tương tác qua lại giữa công tác dự báo kinh tế với những đặc điểm luật pháp và kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh nghiệm thế giới và trong nước còn cho thấy, dự báo kinh tế cũng là nghệ thuật của sự ước lượng và cân

nhắc trong tổng hoà các yếu tố kinh tế - chính trị - xã hội, nhất là các yếu tố luật định nhà nước.

Trên đây là một số đề xuất để kiềm chế tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới, tuy nhiên muốn cho các giải pháp phát huy hiệu quả mong muốn chúng ta không thể thực hiện từng chính sách rời rạc, tuỳ tiện mà phải đặt chúng trong một tổng thể, tức là phải phối hợp được đồng bộ các chính sách bởi các chính sách kinh tế luôn có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại và bổ sung cho nhau.

Để công tác kiềm chế lạm phát thực sự đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, Nhà nước phải nhất quán trong chỉ đạo xây dựng, ban hành các chính sách: Chính phủ là nơi đưa ra các chính sách qua cơ chế các bộ, ngành xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi định ban hành một quy định mới, Nhà nước phải xác định xem nó sẽ dẫn tới những biến đổi gì trong nền kinh tế để đưa ra các chính sách đi kèm. Chính phủ cũng nên thành lập một cơ quan chuyên nghiên cứu về phối hợp đồng bộ các chính sách và tư vấn cho Chính phủ.

Qua quá trình nghiên cứu sách báo, tài liệu trong nước và nước ngoài về vấn đề lạm phát, tác giả đã rút ra được những nét chính về lạm phát cũng như quá trình lạm phát ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đưa ra những phân tích cơ bản và tổng quan về lý thuyết lạm phát như: khái niệm của lạm phát trong đó đưa ra các quan điểm khác nhau về lạm phát và cách tính lạm phát nói chung và ở Việt Nam nói riêng; những nguyên nhân gây ra lạm phát; mối quan hệ của lạm phát với tiền tệ, lạm phát và thất nghiệp; tác động của lạm phát đến nền kinh tế.

Thứ hai, trình bày những nét chính trong quá trình lạm phát của Việt Nam qua bốn giai đoạn: giai đoạn từ sau khi giải phóng đất nước đến năm 1990, giai đoạn chống lạm phát được đưa lên hàng đầu (1991-1998), giai đoạn 1999-2003, giai đoạn 2004-2008; nhấn mạnh đến những nguyên nhân gây ra lạm phát và các giải pháp của chính phủ trong từng thời kỳ. Tác giả cũng đưa ra những đánh giá chung về các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát và mạnh dạn rút ra những hạn chế còn tồn tại của các chính sách đó.

Cuối cùng, xem xét những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình lạm phát của Việt Nam (yếu tố khách quan và chủ quan) trong thời gian tới để từ đó đi đến việc dự báo xu thế biến động của chỉ số này. Kết hợp tất cả các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tiễn, tác giả đã đưa ra một số đề xuất nhằm kiềm chế lạm phát ở Việt Nam trong thời gian tới.

Do giới hạn về thời gian và khả năng bản thân, bài viết chắc chắn còn nhiều sai xót. Em rất mong nhận được những ý kiến phê bình, nhận xét của các thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn!

Một phần của tài liệu Tình hình lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua – Dự báo trong thời gian tới và đề xuất một số giải pháp.doc (Trang 65 - 69)