trên thế giới:
a. Ấn Độ:
Theo báo cáo quý IV/2009 của mạng di động lớn nhất Ấn Độ, Bharti Airtel, doanh thu và lợi nhuận trong quý đã không tăng thêm mặc dù số lượng thuê bao tăng tới 40%. Sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của Bharti bắt đầu từ cuối quý III/2009. Trong quý III, doanh thu của hãng này vẫn có tốc độ tăng 9% và lợi nhuận ròng tăng 13%. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng doanh thu 17% và lợi nhuận 24% của quý III của năm 2008, con số đó vẫn là khiếm tốn.
Với mạng di động Idea Cellular thì tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi phút gọi đã giảm khoảng 9% trong khoảng từ quý III đến quý IV/2009. Và nguyên nhân cũng chính là cuộc đua giảm giá cước đang diễn ra rất khốc liệt.
Theo báo cáo tổng kết năm 2009 của mạng Bharti, tổng doanh thu của hãng trong quý IV chỉ tăng chưa đến 1% lên mức 97,72 tỷ ru-pi, và lợi nhuận ròng cũng chỉ tăng gần 2% (lên 22 tỷ ru-pi) so với quý IV của năm 2008. Doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao của mạng này cũng giảm 29% tính đến ngày 31/12/2009 cùng với số phút gọi trên mỗi thuê bao giảm 12%.
Đó chính là hậu quả rõ ràng nhất từ cuộc chiến giá cước di động giữa các nhà mạng di động Ấn Độ trong suốt thời gian qua. Tính đến hết năm 2009, giá cước di động ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới này chỉ còn khoảng 0,01 ru-pi/block (mỗi block = 1 giây, tức khoảng 4 VND/giây) trong khi trước đây, các cuộc gọi thường được tính theo block 1 phút.
Theo phân tích các chuyên gia về viễn thông, các mạng di động Ấn Độ đang phải chịu một sức ép rất lớn trong ngắn hạn bởi thị trường nước này đang có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Các nhà mạng lớn như Bharti Airtel, Reliance Communications và Tata Teleservices bắt đầu cuộc đua giảm cước để chiếm thêm thị phần kể từ khi những liên doanh mới ra đời như Sistema, Telenor và Etisalat.
Trong khi các thị trường thành thị đã bắt đầu bão hòa, việc phát triển thuê bao trở nên khó khăn hơn thì các nhà mạng bắt đầu chuyển hướng đến khu vực nông thôn, nơi tập trung phần lớn dân số Ấn Độ. Tuy nhiên ARPU của các thuê bao tại khu vực này lại rất thấp. Hệ quả là số thuê bao phát triển càng nhiều thì doanh thu bình quân trên thuê bao lại ngày càng thấp đi.
b. Các nước ASEAN:
Trong năm 2005, cuộc chiến khốc liệt về giá đã diễn ra tại Thái Lan với những dấu hiệu đầu tiên về việc giảm cước kết nối - ngòi nổ đầu tiên đẩy mức doanh thu của các nhà mạng giảm mạnh. Trong năm 2005, một cuộc chiến gay gắt về giá đã diễn ra giữa 3 nhà mạng lớn nhất tại Thái Lan gồm AIS, DTAC và True Move. Với việc giảm cước nội mạng xuống còn 1 baht (khoảng 600đ) cho phút đầu tiên, 0,25 baht từ phút thứ 2 đến phút thứ 4, từ phút thứ 5 miễn phí… giá cước di động của Thái Lan thời điểm đó tương đương giá cước di động hiện nay tại Việt Nam. Cuộc đua giảm cước này đã khiến tổng số phút gọi của mỗi thuê bao (MOU) tăng gấp đôi chỉ trong vòng 6 tháng.
Nhưng con số MOU tăng gấp đôi không giúp cho các nhà mạng Thái Lan “vui vẻ” hơn chút nào. Mặc dù lượng thuê bao vẫn tiếp tục tăng nhưng tổng doanh thu của cả 3 nhà mạng này trong các quý II và quý III năm 2005 lại giảm. Sang quý IV/2005, tổng doanh thu đã tăng trở lại nhưng kể cả mức tăng này cũng chỉ tương đương với doanh thu của quý I/2005 trong khi đó tỷ lệ thâm nhập điện thoại di động lại tăng từ 42,5% lên 47,5% tại cùng thời điểm.
Chiến tranh về giá kéo theo lượng thuê bao, MOU tăng mạnh buộc các nhà mạng phải tăng đầu tư cho CAPEX (Vốn đầu tư cho tài sản cố định, cơ sở vật chất và hạ tầng cơ bản) để có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tăng đầu tư cho CAPEX trong khi tổng doanh thu giảm và hệ quả tất yếu là lợi nhuận của các nhà mạng cũng vì thế mà giảm theo.
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng doanh thu của các nhà mạng tại Thái Lan không chỉ âm trong khi đó phải lại phải tăng đáng kể các nguồn tiền đầu tư vào mạng lưới. Ví dụ, DTAC (mạng lớn thứ 2 tại Thái Lan) đã phải tăng ngân sách đầu tư lên 24% (từ 213 triệu USD lên 288 triệu USD). Hơn nữa, DTAC cũng phải thay đổi tỷ trọng đầu tư như sau: Dung lượng mạng lưới: tăng từ 22% lên 68%; Vùng phủ: giảm từ 55% xuống còn 22%; đầu tư khác: giảm từ 22% xuống còn 10%. Điều này làm cho việc mở rộng đầu tư vùng phủ tại khu vực nông thôn bị chậm lại. Như vậy thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu các tác động xấu tương tự như Thái Lan.
Tại Indonesia, một số nhà mạng mới ra nhập thị trường cũng áp dụng chính sách giá rẻ tương tự như thị trường Việt Nam nhưng không thành công. Năm 2007, hãng Hutchison với thương hiệu 3 đã gia nhập thị trường và đưa ra gói cước gọi nội mạng miễn phí tại khu vực thành thị nhằm mục đích giành thị phần một cách nhanh chóng. Đến cuối 2008, nhà mạng này đã có được 4,5 triệu thuê bao trong đó có 99,8% là trả trước, và hầu hết trong số đó là sim phụ (dùng sim thứ 2 hoặc sim thứ 3) với mục đích gọi nội mạng. ARPU của mạng này chỉ bằng 12% so với mạng Telkomsel.
Do vậy, có thể ước đoán rằng các gói cước gọi nội mạng miễn phí tại thị trường Việt Nam cũng sẽ chỉ có thể thu hút được một lớp đối tượng khách hàng sử dụng thêm để gọi nội mạng, và như vậy tỷ lệ tăng thuê bao không tương ứng với tỷ lệ tăng người dùng. Với mức ARPU thấp như vậy thì các nhà mạng sẽ rất khó tăng được lợi nhuận, và Hutchison đã bắt buộc phải thay đổi chiến lược giá để có thể tồn tại trên thị trường Indonesia.
Ngay cả tại một thị trường lớn và phát triển như Mỹ, các nhà mạng cũng không đứng ngoài cuộc chiến giảm giá. Kể từ năm 2009, cuộc đua giảm giá đã mở rộng sang cả mảng dịch vụ di động trả trước và mảng thị trường của người dùng cao cấp. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường thì vấn đề giá cước di động tại Mỹ đã trở nên đáng lo ngại. Trong khi thị trường được chờ đợi là sẽ phục hồi nhờ viễn cảnh sáng sủa hơn của nền kinh tế trong năm 2010 thì chính cuộc đua giảm giá cước đã khiến thị trường viễn thông đánh mất cơ hội tăng tốc trở lại.
Biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là giá cổ phiếu của các hãng viễn thông Mỹ lao dốc rất nhanh trong thời gian qua, đưa cổ phiếu của ngành công nghiệp viễn thông vào nhóm những cổ phiếu có giá trị thấp nhất trên các sàn
chứng khoán.
Các chuyên gia kinh tế cũng có nhận định không mấy sáng sủa hơn. Dự kiến, trong năm 2010, doanh thu của nhóm ngành dịch vụ viễn thông Mỹ chỉ tăng khoảng 5% và có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng thấp nhất trong 10 nhóm ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế.
Dự báo này đã nhanh chóng đẩy giá cổ phiếu của AT&T giảm tới 9,4% trong những ngày đầu của năm 2010. Cổ phiếu của Verizon cũng giảm 8,4%. Nguyên nhân được cho là do cả Verizon và AT&T vừa tuyên bố giảm 30% cước di động vào ngày 14/1 vừa qua để cạnh tranh với mức cước mà Sprint Nextel, MetroPCS và Leap Wireless mới công bố trước đó.
Theo phân tích của các chuyên gia thuộc hãng nghiên cứu thị trường Ovum, cuộc chiến giá cước này chắc chắn sẽ kéo mức doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao giảm xuống nhưng thị trường viễn thông vẫn chưa cần phải “báo động đỏ”.
Hiện nay, Mỹ là quốc gia có số lượng người sử dụng smartphone cao nhất thế giới và ¼ doanh thu của các hãng di động là từ các dịch vụ dữ liệu. Theo dự báo của Ovum, đến năm 2014, dịch vụ dữ liệu sẽ chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của các hãng di động Mỹ.
Nhưng giá cước của các dịch vụ thoại sẽ vẫn tiếp tục giảm và kéo các hãng viễn thông vào một cái “vòng luẩn quẩn”. Với tiềm lực có hạn, các hãng viễn thông nhỏ đã bắt đầu cảm thấy không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến này và tính đến giải pháp sát nhập. Có thông tin cho rằng MetroPCS và Leap Wireless – 2 nhà mạng nhỏ chủ yếu hoạt động ở các thành phố nhỏ và “sống nhờ” dịch vụ di động trả trước, hiện đang tính đến phương án này, trong khi cách đây 2 năm, chính Leap đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị mua lại của MetroPCS.
Các nhà phân tích thị trường còn cho rằng, rất có thể Sprint Nextel, nhà mạng di động lớn thứ 3 và T-Mobile USA – nhà mạng lớn thứ 4 cũng đang tính đến chuyện sáp nhập hoặc thành lập liên minh. Khó khăn duy nhất hiện nay khiến 2 bên chưa thể ký hợp đồng là họ đang sử dụng những công nghệ di động khác nhau và sẽ rất tốn kém nếu hòa nhập mạng lưới.
Với các ông lớn như AT&T hoặc Verizon Wireless, có thể họ vẫn “sống khỏe” trong cuộc chiến này nếu tiếp tục chiếm được thị phần từ các đối thủ nhưng có điều tốc độ tăng trưởng thuê bao của Mỹ lại liên tiếp sụt giảm.