III. Giải pháp phát triển ngành CNHT tại Việt Nam
6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào CNHT
Để phát triển một ngành công nghiệp hiện đại như CNHT, Việt Nam cũng phải nhanh chóng phát triển công nghệ thông tin, tạo tiền đề để tăng cường thu hút vốn FDI vào CNHT cũng như phát triển CNHT nhanh chóng.
Trong lĩnh vực cơ khí, công nghệ thông tin được ứng dụng trong 3 giai đoạn chính của quá trình sản xuất - gia công gồm: Thiết kế, Tính toán mô phỏng và Điều khiển gia công. Công nghệ thông tin đã thực sự thúc đẩy nghành công nghiệp cơ khí có những bước tiến vượt bậc: Nâng cao hiệu suất và chất lượng, gia tăng sự chính xác, giảm thiểu chi phí. Và đặc biệt, nhờ có Công nghệ thông tin, khối lượng và chất lượng của các phát minh về cơ khí phục vụ cho mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống cũng đã tăng đáng kể, điều này thực sự khiến nghành cơ khí có những đóng góp to lớn và thiết thực hơn cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế xã hội.
7.Thúc đẩy các mối liên kết công nghiệp
Các mối liên kết công nghiệp có vai trò rất lớn trong việc phát triển CNHT và hướng tới phát triển công nghiệp bền vững. Các mối liên kết công nghiệp ở đây không chỉ là những liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ mà còn bao gồm cả mối liên kết giữa những doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa trong cả ngành sản xuất lắp ráp và CNHT. Việc hình thành nên các mối liên kết càng dày đặc và chặt chẽ sẽ càng giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển công nghiệp, theo kịp các nước trong khu vực.
Để khắc phục tình trạng khép kín, ngăn cách giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, cần phải có mặt bằng kinh doanh bình đẳng. Kết quả của một cuộc điều tra mới đây cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thu hút được FDI nhiều và liên tục là vì CNHT trong nước của họ kết nối tốt với các khu vực FDI, điều mà các nhà đầu tư rất cần vì họ có thể giảm được giá thành phẩm. Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực từ 1/7/2006 đã làm cho thể chế kinh tế thị trường của nước ta hoàn thiện hơn, phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường, đồng thời nó đã khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần tổ chức những diễn đàn đối thoại để ba bên: doanh nghiệp nội địa – doanh nghiệp FDI – Chính phủ cùng có thể thảo luận và đưa ra những mục tiêu, lĩnh vực cụ thể và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có các biện pháp nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến các sản phẩm hỗ trợ để thực sự tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa với các hãng chính (các nhà lắp ráp FDI) và giữa doanh nghiệp hỗ trợ nội địa với các doanh nghiệp hỗ trợ FDI, đảm nhận được vai trò của người xúc tiến đầu tư với năng lực bảo lãnh tốt đối với các khoản tín dụng trong và ngoài nước cho việc đầu tư phát triển khối các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa.
Hơn nữa, Chính phủ cũng cần đa dạng hoá trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng các linh kiện, sản phẩm hỗ trợ. Đối với các dự án sản xuất điện tử, tin học thì để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh thì cần tới hàng trăm linh kiện khác nhau và xu thế chung của thế giới là sự phân công lao động quốc tế ngày càng chi tiết. Ví dụ một máy tính hiệu IBM nhưng ổ cứng lại là Seagate, màn hình Samsung, main của Intel, thậm chí từng con ốc cần các nhà sản xuất chuyên nghiệp. Vì vậy chỉ có đa dạng hoá
liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư thì các DN Việt Nam mới là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu. Từ trước đến nay chúng ta mới quan tâm đến liên doanh thông qua việc góp vốn đầu tư, gia công sản phẩm đơn giản thì đã đến lúc chúng ta phải coi trọng liên doanh, liên kết dưới dạng đối tác chiến lược, DN vệ tinh, chuyển nhượng bản quyền, thương hiệu... Khi Canon đầu tư vào khu công nghiệp Quế Võ để sản xuất máy in laser thì ngay lập tức có hai nhà đầu tư sản xuất linh kiện cung ứng cho Canon cũng đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 10 triêu USD, nhưng đó là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này thì vốn không phải là yếu tố mang tính quyết định đối với các DN Việt Nam.
Ngoài ra, để tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ, những cuộc triển lãm như Triển lãm Công nghiệp Phụ trợ Việt Nam - Nhật Bản qua các lần, hay Triển lãm quốc tế lần thứ 9 về máy móc công nghiệp dệt may và nguyên phụ liệu, phụ kiện ngành dệt may (VTG 2009), … cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Tại Triển lãm Công nghiệp Phụ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 năm 2007, ông Kenjiro Ishiwata, Trưởng đại diện Cơ quan Jetro tại Việt Nam, nói “Chương trình này nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam thông qua việc tạo cơ hội cho cả Người mua và Người bán gặp gỡ lẫn nhau ngay tại một địa điểm”. Tại triển lãm đó, người mua không chỉ là các nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam mà còn có các công ty Nhật Bản đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Thái Lan. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng cục XTTM thì Triển lãm cũng sẽ góp phần tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI nói chung và FDI của Nhật Bản nói riêng với các doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực này, đồng thời làm cho các công ty FDI tích cực sử dụng các sản phẩm phụ trợ do các doanh nghiệp Việt nam sản xuất.