III. Giải pháp phát triển ngành CNHT tại Việt Nam
8. Chính sách về tỷ lệ nội địa hóa
Việc xây dựng một chính sách tỷ lệ nội địa hóa phù hợp là điều cần làm ngay để phát triển ngành CNHT. Tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành khác nhau là khác nhau và cũng không cần thiết phải đạt tới tỷ lệ nội địa hóa 100% (làm như vậy sẽ đi ngược lại với xu hướng của thế giới đang hướng tới việc chuyên môn hóa các ngành sản xuất). Việc quy định tỷ lệ nội địa hóa nên căn cứ vào tốc độ phát triển của từng ngành nhằm đưa ra những tiến trình phù hợp. Một mặt tạo áp lực trực tiếp tới các nhà sản xuất hạ nguồn, tìm và trợ giúp các nhà sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu của mình, mặt khác không đưa các doanh nghiệp hạ nguồn vào thế bế tắc dẫn đến đình đốn sản xuất, mất thị trường của họ.
Có thể kết hợp chính sách nội địa hóa với việc hạn chế nhập khẩu nội địa. Tuy nhiên việc này tương đối khó khăn, nhất là trong tiến trình gia nhập các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Vì vậy, khi xây dựng chính sách về tỷ lệ nội địa hóa, Chính phủ cần xem xét cụ thể khả năng các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể đáp ứng tới đâu, đồng thời cũng phải xem xét để tránh các xung đột với các chính sách ban hành, ký kết trước đó.
Chính sách gần đây về việc tăng thuế nhập khẩu linh kiện để ép các công ty lắp ráp đồ điện gia dụng ( tivi, máy giặt… ) phải tăng cường nội địa hoá, theo một số chuyên gia kinh tế, là một biện pháp chưa được cân nhắc thận trọng. Mặc dù mục tiêu của chính sách về lâu dài là đúng vì muốn nhanh chóng tạo điều kiện xây dựng các ngành hỗ trợ, tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy là nên làm ngược lại để giữ chân các công ty đã đầu tư lắp ráp ( đối phó trước thách thức AFTA ), nghĩa là nên cho nhập khẩu tự do, miễn thuế các linh kiện bộ phận lắp ráp để giảm giá thành sản phẩm, duy trì khả năng cạnh tranh với các nước ASEAN khác.
Trong điều kiện hiện nay, không nên dùng biện pháp hành chính hoặc thuế quan ép buộc công ty đa quốc gia tăng tỷ lệ nội địa hoá mà điều tiên quyết là
phải cải thiện khả năng cung cấp sản phẩm tại chỗ. Nếu các ngành hỗ trợ trong nước phát triển, cung cấp đầy đủ và kịp thời các linh kiện và bộ phận với giá thành rẻ và chất lượng cao thì thông qua cơ chế thị trường, tỷ lệ nội địa hoá sẽ tăng. Chính phủ cần cải thiện về mặt hành chính ( bỏ giấy phép con, tinh giản thanh tra,, kiểm tra ), hỗ trợ về vốn và thông tin… để thúc đẩy các xí nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực này phát triển.
Ngoài ra, cũng phải có biện pháp để các công ty nhà nước trong lĩnh vực này tăng khả năng cạnh tranh bằng các biện pháp tích cực, tiếp nhận sự chi viện về công nghệ từ nước ngoài, liên doanh, hợp tác với các công ty nước ngoài, nhất là với các xí nghiệp nhỏ và vừa của Nhật – những công ty có trình độ kỹ thuật cao và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đây cũng là chính sách cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước với những xí nghiệp của Trung Quốc sẽ đầu tư vào nước ta trong thời gian tới.