Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHNo&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội (Trang 50 - 55)

2.3.2.1. Những hạn chế: Bên cạnh những kết quả đạt được, CLTD tại chi nhánh còn tồn tại một số hạn chế sau:

Tỷ trọng TG dân cư còn thấp năm 2008 chỉ đạt có 1308 tỷ đồng chiếm 18,70% tổng tiền vốn huy động điều này sẽ làm giảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Hiệu suất sử dụng vốn tại chi nhánh còn tương đối thấp (năm 2006 đạt 47,11%, năm 2008 đạt 33,6%) cho thấy hoạt động tín dụng tại chi nhánh chưa tương xứng với công tác huy động vốn.

Công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu, chưa hỗ trợ phát triển thêm chức năng, tiện ích của sản phẩm. Hệ thống thông tin báo cáo chưa phục vụ kịp thời cho hoạt động kinh doanh, các sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn chủ yếu là các sản phẩm truyền thống.

Mặc dù ngân hàng đã tổ chức một bộ máy quản lý tách bạch giữa các bộ phận, các phòng ban nhưng vẫn chưa có một bộ phận quản lý rủi ro chuyên biệt về tín dụng để quản trị rủi ro, phân loại các khoản vay theo mức độ rủi ro, xây dựng giới hạn tín dụng đối với từng khách hàng, nhóm khách hàng, ngành kinh tế, khu vực.

Phòng dịch vụ Marketing mới được thành lập năm 2008 tại chi nhánh nên công tác Marketing chưa mang tính chuyên nghiệp cao, các sản phẩm dịch vụ triển khai còn hạn chế, chưa có định hướng theo nhu cầu thị trường để thu hút khách hàng.

Chưa có hệ thống thông tin để kiểm soát danh mục tín dụng khách hàng phục vụ kiểm soát tăng trưởng tín dụng, chuyển dịch cơ cấu, cũng như thực hiện đánh giá khách hàng để quyết định tín dụng. Hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp thiếu thông tin từ các báo cáo tài chính được kiểm toán một cách chính xác kịp thời, nhiều doanh nghiệp chưa tiến hành kiểm toán, một số doanh nghiệp tiến hành kiểm toán nhưng chậm so với thời gian mà ngân hàng cần có thông tin để có cho quá trình phân tích. Đối với khách hàng cá nhân, thông tin về thu nhập cơ bản, thu nhập khác kê khai không đầy đủ làm cho việc xác định dòng tiền thực của người vay không chính xác.

Hệ thống chấm điểm tín dụng phân tích khách hàng mà chi nhánh đang áp dụng còn đơn giản chưa đánh giá được tất cả các mặt của khách hàng, chỉ phân khách hàng ra làm 3 loại: khách hàng loại A, loại B, loại C điều này đôi khi làm cho ngân hàng đánh giá chưa đầy đủ về khách hàng và đưa ra quyết định cho vay không phù hợp. Hiện tại việc phân tích, đánh giá khách hàng vẫn

chủ yếu dựa trên phương pháp truyền thống là phương pháp tài chính, ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến việc xác định vòng đời của dự án trên cơ sở nghiên cứu tình hình biến động của thị trường, khả năng thu hồi vốn, tiến độ khoa học kỹ thuật công nghệ...điều đó dẫn đến việc xác định thời hạn vay vốn cũng như thời gian thu hồi vốn vay không phù hợp.

Chưa có hệ thống chấm điểm cho tài sản đảm bảo: Không chỉ ở hệ thống NHNo&PTNT mà thực trạng chung của các NHTM hiện nay là hầu hết các món cho vay đều dựa trên tài sản đảm bảo nhưng lại chưa có hệ thống chấm điểm chuẩn mực cho những tài sản đó. Vì vậy thời gian định giá tài sản bảo đảm kéo dài và tốn kém chi phí cho việc định giá. Hiện nay NHNN Việt Nam cho phép các NHTM tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm xác định giá trị tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng, do đó việc thẩm định giá trị các tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường là một vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó ngân hàng chỉ tiến hành định giá lại tài sản khi phát hiện các khoản vay có vấn đề để tiến hành thủ tục thanh lý tài sản mà chưa quan tâm đên việc định giá lại tài sản thế chấp, cầm cố theo định kì nên xuất hiện tình trạng giá trị thanh lý thấp hơn so với giá trị thẩm định ban đầu khiến cho ngân hàng không thu hồi đủ nợ và lãi vay từ khách hàng.

Còn tồn tại một bộ phận nhân viên chưa thực sự chuyên tâm với công việc của mình. Trong năm ngân hàng đã tổ chức các lớp tập huấn cho CBTD nói chung và cán bộ thẩm định nói riêng nhưng mức độ không thường xuyên chủ yếu là sau khi NHNo&PTNT mở lớp tập huấn cho cán bộ ngân hàng toàn hệ thống theo từng chuyên đề cụ thể thì những người được cử đi học các lớp tập huấn này về truyền đạt lại nội dung cho cán bộ của chi nhánh mình.

Cán bộ tín dụng của ngân hàng chưa được trang bị đầy đủ khả năng chuyên môn trong việc thẩm định giá, sự thông thạo trong nhóm hoặc tài sản cần thẩm định. Nhất là trong lĩnh vực bất động sản, CBTD khó xác định giá thị trường chính xác theo từng khu vực hoặc địa phương tại một thời điểm nhất định. Thường thì CBTD xác định giá trị tài sản bằng kinh nghiệm, cảm tính hoặc dựa theo báo cáo tài sản cố định của khách hàng.

2.3.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại trên.

Năm 2008, Việt Nam đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2007 đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8% đến năm 2008 chỉ đạt 6,23%. Lạm phát đã vượt lên mức 2 con số, đỉnh điểm lên đến 23%, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thị trường chứng khoán ảm đạm, chỉ số giá chứng khoán giảm đã đẩy nhiều nhà đầu tư vào thua lỗ và hàng loạt công ty chứng khoán đứng trước nguy cơ phá sản. Mức lạm phát trong nước tăng cao khiến đời sống người lao động làm công ăn lương rơi vào khó khăn ảnh hưởng tới việc huy động nguồn TG dân cư của ngân hàng từ đó mà ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng. Đây cũng là năm khó khăn với các ngân hàng. Chính sách tiền tệ từ định hướng thắt chặt và linh hoạt đầu năm 2008 chuyển dần sang nới lỏng một cách thận trọng trong năm những tháng cuối năm. Đi cùng với quá trình này là tần suất điều chỉnh các công cụ điều hành của NHNN, tập trung ở các lãi suất chủ chốt, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và biên độ tỷ giá. Do đó mà chi nhánh Nam Hà Nội cũng có những ảnh hưởng đáng kể.

Lãi suất biến động không ngừng. Trước những diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình kinh tế trong và ngoài nước năm 2008, lần đầu tiên kể từ 1/12/2005, lãi suất cơ bản được điều chỉnh tăng, từ 8,25% lên 8,75% vào 1/2/2008. Không dừng lại ở đó, NHNN đã điều chỉnh lãi suất cơ bản tới 7 lần, trong đó có 3 lần điều chỉnh tăng từ mức 8,25%/năm lên 8,75% (ngày 30/1), 12% (ngày 17/5) và 14%/năm (ngày 11/6); 4 lần điều chỉnh giảm từ 14%/năm xuống 13% (ngày 21/10), 12% (ngày 5/11), 11% (ngày 20/11) và 8,5%/năm (ngày 22/12). Cùng với Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 17/5, các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động và lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản; quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30 tháng 5 năm 2002 về việc thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng hết hiệu lực thi hành. Lãi suất cơ bản được trả lại đúng chức năng của nó, trở thành một cơ sở để xác định hành lang pháp lý cho lãi suất cho vay của các NHTM, thay vì xơ cứng và mờ nhạt trước đó.

Cuộc chạy đua lãi suất, cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng: Do sự điều chỉnh liên tục của NHNN nên các ngân hàng cũng phải thay đổi lãi suất kinh doanh đến chóng mặt.

Diễn biến về tỷ giá thay đổi phức tạp như đã nói trên. Hơn nữa, trong năm 2008, NHNN đã 3 lần nới rộng biên độ ấn định tỷ giá mua – bán đồng Đôla Mỹ của các TCTD từ mức ±0,75% lên ±1%, ±2% và ±3% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Đây là tần suất nới rộng chưa từng có từ trước tới nay. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng 2 lần được điều chỉnh tăng với mức độ lớn đó là ngày 10/6/2008, NHNN đã điều chỉnh tăng 2% tỷ giá bình quân liên ngân hàng (từ 16.139VND/USD lên 16.461VND/USD) và ngày 25/12/2008, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 3% (lên mức 16.989VND/USD) nhằm tạo ra mặt bằng tỷ giá mới cho năm 2009. Những điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng cũng như chi nhánh.

Quá trình tuyển chọn nhân viên còn chưa hiệu quả dẫn đến sự chênh lệch về trình độ giữa các nhân viên. Vì vậy ngân hàng cần xây dựng một quá trình tuyển chọn nhân viên nghiêm túc và hiệu quả hơn.

Quyết định 09/2008/NHNN ngày 10/04/2008 của Thống đốc NHNN về việc “cho vay ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú” như đã đề cập ở trên đã gây khó khăn cho ngân hàng trong việc mở rộng đối tượng vay vốn ngoại tệ.

Qua nghiên cứu thực trạng chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHNo&PTNT Nam Hà Nội đã cho thấy CLTD tại chi nhánh NHNo&PTNT Nam Hà Nội tương đối tốt, mặc dù nó còn những hạn chế nhất định. Trong thời gian sắp tới ban Giám đốc chi nhánh cần tiếp tục chỉ đạo sao cho phát huy những thế mạnh, khắc phục những điểm yếu để không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng đưa chi nhánh đi lên vững bước vào thời kỳ hội nhập.

Chương III:GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG

…………...

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại NHNo&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội (Trang 50 - 55)