Nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phục vụ hiệu quả việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN cần nhanh chóng ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, nghị định cần qui định rõ ràng nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra, giám sát ngân hàng.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trong thời gian qua, từ ngày 1/7/2008, NHNN đã thiết lập đường dây nóng tại 4 đơn vị thuộc NHNN trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh để nắm bắt, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động ngân hàng của doanh nghiệp, người dân. Biện pháp này đã góp phần quan trọng duy trì ổn định thị trường tiền tệ ngân hàng, củng cố lòng tin của doanh nghiệp, người dân đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam và được dư luận trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Kênh thông tin này không chỉ có ích cho NHNN trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn chủ trương, chính sách và các quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Trong thời gian tới NHNN không những chỉ chú trọng ở các thành phố lớn mà cần mở rộng việc thiết lập các đường dây nóng tại các địa phương.
Trong năm 2008 lãi suất cơ bản được trả lại đúng chức năng của nó, trở thành một cơ sở để xác định hành lang pháp lý cho lãi suất cho vay của các NHTM, thay vì xơ cứng và mờ nhạt trước đó, NHNN chính thức áp dụng cơ chế lãi suất trần trong hoạt động cho vay của các TCTD (không quá 150% lãi suất cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự). Tuy nhiên, lãi suất thỏa thuận cũng giúp ngân hàng không bỏ lỡ những khoản vay hiệu quả mà người vay sẵn
sàng trả lãi suất cao. Do đó mà NHNN cũng nên cho phép các ngân hàng thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với một số loại hình tín dụng như cho vay tiêu dùng, bên cạnh đó thì việc thay đổi lãi suất phải có lộ trình phù hợp.
Để áp dụng được các chuẩn mực quốc tế về đánh giá nợ của các TCTD, cần phải có sự phối hợp đánh giá với các bên liên quan trong đó có thông tin tín dụng từ CIC. Thông tin đánh giá nợ giúp các tổ chức, đơn vị có cơ sở đánh giá chính xác hơn về nợ cũng như rủi ro của các khoản nợ của một khách hàng tại các TCTD khác nhau. CIC cần phải trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp các thông tin phục vụ cho mục đích này. Chất lượng thông tin tín dụng ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào chất lượng hoạt động của CIC. Vì vậy NHNN cần tăng cường hơn nữa vai trò của CIC trong điều kiện hiện nay.
Nghiệp vụ tín dụng là một nghiệp vụ vô cùng phức tạp và đa dạng, kéo theo đó là nghiệp vụ trích lập dự phòng RRTD cũng phải linh hoạt để phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh của khách hàng vay. NHNN nên nới lỏng dần tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho từng nhóm nợ được quy định tại quyết định 18/2007/NHNN như sau: Nhóm 1 : 0% Nhóm 2: 5% đến dưới 20% Nhóm 3 : 20% đến dưới 50% Nhóm 4 : 50% đến dưới 100% Nhóm 5 : 100%.