- Sự kiện là điều kiện của hợp đồng được hiểu là sự kiện đó phát sinh trong tương lai và xác định vào thời điểm các bên thỏa thuận.
2.1.3. Điều kiện về sự tự nguyện của người tham gia hợp đồng dân sự có điều kiện
sự có điều kiện
Điều kiện để hợp đồng được phát sinh hay hủy bỏ phải thể hiện ý chí đích thực của chủ thể. Các bên hoàn toàn tự do, tự nguyện lựa chọn, thảo luận không những nội dung của hợp đồng mà còn cả về điều kiện kèm theo. Nếu một bên bị lừa dối, bị đe dọa, bị nhầm lẫn thì hợp đồng vô hiệu. Sự tự nguyện, tự do ý chí luôn luôn chiếm vị trí quan trọng trong hợp đồng. Bản chất của hợp đồng là sự thống nhất ý chí và sự bày tỏ ý chí nên các chủ thể tham gia
hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện. Sự tự nguyện của các chủ thể được đặt trên căn bản của thuyết tự do ý chí. Thuyết tự do ý chí trong giao kết hợp đồng xuất hiện từ thế kỷ thứ XVIII và nằm trong hệ thống các quan điểm của nền triết học ánh sáng. Một số người cho rằng quan điểm này là của Kant- nhà triết học người Đức đưa ra.
Thuyết tự do ý chí trong giao kết hợp đồng xuất phát từ quan điểm cho rằng ý chí của con người là tối thượng và tự chủ. Chỉ các hành vi xuất phát từ ý chí của con người mới có hiệu lực ràng buộc đối với người đó. Một người chỉ bị ràng buộc theo cách mà người đó muốn. Tuy nhiên mỗi bên tham gia hợp đồng nhằm thỏa mãn những lợi ích riêng của mình trong phạm vi phù hợp với lợi ích chung. Khi bàn về vấn đề tự do ý chí, Các Mác đã chỉ ra rằng: không thể bàn về lí luận, đạo đức và pháp quyền mà lại không đề cập đến tự do ý chí, đến quan hệ giữa tất yếu và tự do. Để tạo cho các chủ thể thỏa mãn các nhu cầu về đời sống vật chất cũng như tinh thần, pháp luật cho phép mọi chủ thể được quyền tự do giao kết hợp đồng. Mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền tham gia giao kết, thỏa thuận các điều kiện, nội dung trong hợp đồng dân sự có điều kiện theo ý chí của họ mà không ai có quyền ngăn cản. Bằng ý chí tự do của mình, các chủ thể có quyền giao kết những hợp đồng được pháp luật quy định cụ thể cũng như các hợp đồng khác dù pháp luật chưa quy định. Tự do ý chí của các chủ thể trong việc xác lập quan hệ hợp đồng bao gồm các yếu tố: tự do đề nghị giao kết hợp đồng, tự do đưa ra các điều kiện mà khi điều kiện trong hợp đồng đó phát sinh, xảy ra hay không xảy ra thì hợp đồng đó phát sinh, hủy bỏ hay chấm dứt; tự do thỏa thuận những điều khoản cơ bản có trong hợp đồng dân sự có điều kiện, tự do chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị…
Xuất phát từ bản chất của quan hệ hợp đồng ngay từ thời kỳ của pháp luật La Mã đã ghi nhận ý chí đã thỏa thuận của các bên là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Có thể thấy rằng, toàn bộ bản chất của
hợp đồng (sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của chủ thể khi tham gia hợp đồng) đã được thể hiện ngay trong hầu hết các khái niệm về hợp đồng trong Bộ luật dân sự của các nước. Trong Bộ luật dân sự Nhật Bản: "Là một loại giao dịch dân sự thể hiện sự thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên. Mục đích của hợp đồng thông thường làm phát sinh nghĩa vụ" [30] thì tự do ý chí được đặt lên hàng đầu. Hay ở Điều 1305 Bộ luật dân sự Philippin cũng đưa ra khái niệm hợp đồng: là sự thống nhất ý chí giữa hai bên, theo đó, mỗi bên tự ràng buộc mình trên cơ sở tôn trọng bên kia để đưa ra một cái gì đó hoặc trả cho một dịch vụ nào đó; và ngay trong Điều 388 Bộ luật dân sự Việt Nam khái niệm hợp đồng là "sự thỏa thuận giữa các bên" cũng thể hiện rõ bản chất của hợp đồng nói chung và hợp đồng dân sự có điều kiện nói riêng là sự tự do ý chí. Như vậy, tự do ý chí của chủ thể là yếu tố quan trọng trong hợp đồng dân sự có điều kiện. Đó chính là điều kiện xác định hợp đồng có hiệu lực hay không. Trong hợp đồng các chủ thể tham gia tự nguyện, điều này cũng được thể hiện trong nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận quy định trong Điều 4 Bộ luật dân sự theo đó quyền này được pháp luật bảo đảm nếu cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hợp đồng là hành vi có chủ đích của các chủ thể tham gia, là hành vi mang tính ý chí của chủ thể. Cam kết, thỏa thuận là cốt lõi tạo nên hợp đồng và ý chí của các chủ thể là yếu tố cơ bản của một hợp đồng. Vì vậy, nếu hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì theo Điều 409 Bộ luật dân sự chúng ta không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích những điều khoản đó. Ý chí là khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hành động của mình, khắc phục khó khăn nhằm đạt mục đích đó, nhưng nó vẫn chỉ là điều mong muốn, là nguyên nhân thúc đẩy các chủ thể hướng tới việc xác lập hợp đồng. Ý muốn và lựa chọn biện pháp để đạt được ý muốn đó thuộc ý chí chủ quan của chủ thể. Tự do ý chí ở đây được thể hiện ở việc tự do lựa chọn phương thức để đạt được ý muốn của
mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức nào lại phụ thuộc vào các điều kiện khách quan, chủ quan như khả năng tài chính, sở thích, điều kiện đưa ra của bên đối tác. Trên cơ sở đó chủ thể lựa chọn phương thức để đạt được ý muốn đó. Như vậy, tự do ý chí là ý muốn và lựa chọn phương thức để thể hiện ý muốn trên cơ sở nhận thức được các điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Tuy nhiên ý chí vẫn thuộc chủ quan của chủ thể, là động lực bên trong thúc đẩy chủ thể xác lập hành động do đó thể hiện ý chí là biểu lộ cái bên trong đó ra bên ngoài, làm cho thấy rõ nội dung của ý chí dưới hình thức cụ thể. Ý chí và tự do ý chí là hai mặt của sự tự nguyện. Để có tự do ý chí phải có sự độc lập về ý chí và chỉ khi có đủ lí trí mới có sự độc lập về ý chí. Do vậy, chừng nào chủ thể chưa có khả năng, mất khả năng hoặc tạm thời không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì không có sự tự do ý chí. Do đó, chỉ có ngươi có năng lực hành vi dân sự mới độc lập về ý chí và đủ lí trí để xác lập hợp đồng. Nguyên tắc tự nguyện buộc các bên giao kết phải được tự do thể hiện ý chí trong việc xác lập, thực hiện hợp đồng và bằng các quy định việc thể hiện ý chí của nhà nước đã hạn chế tự do ý chí của chủ thể. Sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận phải nằm trong khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, các chủ thể phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội. Nằm trong mối liên hệ tương ứng giữa quyền vào nghĩa vụ mỗi một chủ thể vừa có quyền tự do hợp đồng vừa có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội. Lợi ích công cộng (được quy định bằng pháp luật) và đạo đức xã hội được coi là "khung giới hạn" ý chí tự do của mỗi chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Bộ luật dân sự xây dựng theo hướng bảo vệ tối đa quyền tự do hợp đồng của các chủ thể trong xã hội, bảo đảm tính ổn định của các giao dịch, thông qua các quy định hạn chế việc tuyên bố vô hiệu một cách tùy tiện các giao dịch dân sự. Trên tinh thần đó, chỉ trong những trường hợp đặc biệt và phải có căn cứ rõ ràng nhà nước mới được phép can thiệp ý chí của các bên trong hợp đồng.