Sự kiện làm điều kiện hủy bỏ hợp đồng

Một phần của tài liệu hợp đồng dân sự có điều khiện (Trang 59 - 65)

- Sự kiện là điều kiện của hợp đồng được hiểu là sự kiện đó phát sinh trong tương lai và xác định vào thời điểm các bên thỏa thuận.

2.3. Sự kiện làm điều kiện hủy bỏ hợp đồng

Điều 425 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về hủy bỏ hợp đồng: 1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật phải trả bằng tiền.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại [23].

Sự kiện mà các bên thỏa thuận là điều kiện hủy bỏ hợp đồng tức là khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng bị hủy bỏ. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp này phụ thuộc vào một sự kiện nhất định do các bên thỏa thuận. Sự kiện do các bên thỏa thuận nếu phát sinh sẽ chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Theo Điều 425 Bộ luật dân sự năm 2005 thì các bên có quyền hủy bỏ hợp đồng dân sự có điều kiện. Ở đây tồn tại hai dạng hủy bỏ hợp đồng đó là hủy bỏ hợp đồng dân sự có điều kiện và hủy bỏ hợp đồng khi sự kiện do các bên thỏa thuận trong hợp đồng dân sự có điều kiện. Khoản 1 Điều 425 cũng đã quy định các bên có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại khi một bên vi phạm là điều kiện hủy bỏ hợp đồng đã chứa đựng quy định sự kiện làm điều kiện hủy bỏ hợp đồng trong hợp đồng dân sự có điều kiện. Ngoài ra khi sự kiện làm điều kiện hủy bỏ hợp đồng xảy ra thì hợp đồng tất yếu bị hủy bỏ mà không cần phải thông báo cho cho bên kia như quy định tại Khoản 2 Điều 425. Ví dụ như: A và B ký kết hợp đồng du lịch với điều kiện trong hợp đồng là nếu ngày mai trời mưa thì hợp đồng du lịch sẽ bị hủy bỏ. Có nghĩa là 2 bên A và B đã thiết lập một hợp đồng du lịch và khi điều kiện hủy bỏ hợp đồng xảy ra là " ngày mai trời mưa" thì hợp đồng bị hủy bỏ. Hợp đồng du lịch không có hiệu lực kể từ khi giao kết.

Điều kiện hủy bỏ là loại điều kiện khi chúng xảy ra sẽ làm hủy bỏ nghĩa vụ đã cam kết và các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như chưa từng cam kết. Khi các bên thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ, điều đó không làm hoãn lại việc thực hiện nghĩa vụ. Các bên vẫn thực hiện nghĩa vụ của mình như bình thường. Nhưng khi điều kiện đó xảy ra, thì nghĩa vụ sẽ bị hủy bỏ, bên tiếp nhận lợi ích phải hoàn trả lại cho bên kia [23].

Đối với hợp đồng song vụ các bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hủy hợp đồng khi nghĩa vụ hợp đồng không được thực hiện. Hợp đồng bị hủy, cho dù người có nghĩa vụ có lỗi hay không có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ, ngay cả trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Việc không thực hiện nghĩa vụ phải có một mức độ nghiêm trọng nhất định, người có nghĩa vụ không thực hiện toàn bộ hay một phần nghĩa vụ. Việc xác định mức độ nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của thẩm phán. Như vậy, khác với sự kiện là điều kiện hủy bỏ hợp đồng, trong Bộ luật dân sự Pháp hủy bỏ hợp đồng khi một bên không thực hiện nghĩa vụ là căn cứ hủy bỏ hợp đồng. Để hủy hợp đồng, người có quyền bị vi phạm phải có đơn yêu cầu. Người có quyền có thể lựa chọn yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu hủy hợp đồng. Trong trường hợp người có quyền yêu cầu hủy hợp đồng, người có nghĩa vụ vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ khi Tòa đang tiến hành giải quyết vụ việc hoặc ngay cả sau khi đã có bản án tuyên hủy hợp đồng. Hậu quả pháp lý của hủy hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đó là hợp đồng sẽ mất hết hiệu lực và được coi như không có hiệu lực kể từ thời điểm ký kết kể cả đối với các bên cũng như đối với người thứ ba. Khi hợp đồng hủy bỏ các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, ngoài trường hợp không thực hiện nghĩa vụ là căn cứ để hủy bỏ hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng dân sự có điều kiện một sự kiện nhất định nào nào đó mà khi thỏa mãn điều kiện đó thì hợp đồng cũng sẽ bị hủy bỏ và hợp đồng đó cũng phải gánh chịu các hậu quả pháp lý tương tự đối với hợp đồng bị hủy bỏ nói chung.

Hợp đồng dân sự xác lập với điều kiện hủy bỏ: đó là những hợp đồng dân sự đã được xác lập và đã phát sinh hiệu lực nhưng khi có những điều kiện nhất định xảy ra thì hợp đồng dân sự đó sẽ bị hủy bỏ, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hợp đồng dân sự đó sẽ chấm dứt. Ví dụ: H và N ký một hợp đồng cung ứng quần áo đồng phục cho công nhân làm việc tại công ty của N, theo hợp đồng này H sẽ giao cho N 1000 bộ quần áo đồng phục của công nhân với những chất liệu, kích cỡ, màu sắc và thời gian mà H và N đã thỏa thuận với nhau. Ngoài những thỏa thuận kể trên, H và N còn thỏa thuận nếu H vi phạm một trong những điều kiện về chất liệu, kích cỡ, màu sắc và thời gian thì hợp đồng mà H và N ký kết sẽ bị hủy bỏ. Như vậy, sự vi phạm của H về một trong các điều kiện về chất liệu, kích cỡ, màu sắc và thời gian chính là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng dân sự mà H và N đã xác lập.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể trong hợp đồng dân sự cũng như đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, Bộ luật dân sự năm 2005, tại khoản 2 Điều 125 qui định:

Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra [23].

Trên thực tế, có những trường hợp các bên chủ thể xác lập hợp đồng dân sự với điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ; nhưng lại vì một bên có mục đích, động cơ không trong sáng hay một người thứ ba nào đó có thể vì liên quan đến lợi ích của mình hoặc cũng vì tình cờ, đã có hành vi cố ý cản trở hoặc thúc đẩy, nhằm làm cho điều kiện đó không xảy ra hoặc có hành vi thúc đẩy cho điều kiện đó xảy ra để làm phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng dân sự

mà các bên đã tiến hành xác lập. Căn cứ vào qui định trên, chúng ta có thể phân thành các trường hợp như sau:

- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra. Ví dụ: A và B ký với nhau một hợp đồng mua bán, theo hợp đồng này thì A sẽ bán cho B con bò của A với giá 6000.000 đồng nếu sau 1 tháng A không bán được con bò này cho ai với giá cao hơn mức giá mà A với B thỏa thuận trong hợp đồng, còn có người mua với mức giá cao hơn mức giá trên thì A sẽ bán cho người đó và hủy bỏ hợp đồng với B. 3 ngày sau, có anh C đến hỏi mua con bò với mức giá 6.500.000 đồng, nhưng ngày hôm sau khi C đến giao tiền thì B đã chủ động gặp C trước, bịa đặt rằng con bò của A bị bệnh tụ huyết trùng và một số bệnh khác. Do đó C đến đòi thỏa thuận lại mức giá dưới 6000.000 đồng. A không chấp nhận. Như vậy, điều kiện làm hủy bỏ giao dịch dân sự giữa A và B (nếu A bán được con bò của mình với mức giá trên 6 triệu đồng cho người khác sau 1 tháng) đã không thể xảy ra do B đã có hành vi cố ý cản trở điều kiện đó xảy ra. Trong trường hợp này khi có tranh chấp trước pháp luật thì coi như điều kiện đó đã xảy ra, và hợp đồng dân sự giữa A và B sẽ bị hủy bỏ.

- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng dân sự không thể xảy ra được do hành vi cản trở của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra. Ví dụ: Ông A, giám đốc một công ty, và B (là con trai của ông A, và là phó giám đốc công ty) ký một hợp đồng tặng cho, theo đó ông A sẽ cho B căn biệt thự mà C (anh trai ruột của B) đang tạm ở, còn C sẽ được cho một căn nhà khác; với điều kiện B hoàn thành được nhiệm vụ ký một hợp đồng làm ăn với công ty H mà ông A giao cho. Do sợ sau khi B hoàn thành nhiệm vụ thì căn biệt thự sẽ không thuộc về mình nên C đã chủ động gặp đại diện công ty H và bịa đặt những thông tin không tốt về B và cả công ty của ông A để làm cho B không thực hiện được việc ký hợp đồng với công ty H. Như vậy, C là người

thứ ba (có lợi ích liên quan) đã có hành vi cản trở việc C hoàn thành nhiệm vụ ký hợp đồng với công ty H mà ông A giao phó (là điều kiện để hợp đồng tặng cho giữa ông A và B phát sinh hiệu lực), do đó trong trường hợp này, nếu xảy ra tranh chấp trước pháp luật thì điều kiện để hợp đồng tặng cho giữa ông A và B phát sinh hiệu lực vẫn coi như đã xảy ra (nghĩa là B vẫn phải được tặng căn biệt thự theo như trong hợp đồng).

- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng dân sự xảy ra do có sự tác động của một bên thúc đẩy cho nó xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra. Ví dụ: Đại diện của chính quyền huyện A và công ty B ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu; theo đó chính quyền huyện A sẽ vận động nhân dân trong địa phương đó thu hoạch sắn thời vụ để nhập cho công ty B hơn 5000 tấn sắn nguyên liệu với giá thị trường, nếu sau khi lãnh đạo tỉnh cử chuyên gia về kiểm tra, khảo sát qui trình sản xuất và công nghệ xử lí nước thải của công ty đạt tiêu chuẩn. Do đang cần nguyên liệu để duy trì hoạt động chế biến tinh bột sắn của nhà máy, mà nước thải của nhà máy thì toàn bộ đổ ra sông khu vực người dân sinh sống đều chưa qua xử lí, sợ chính quyền địa phương không ký hợp đồng nên công ty B đã hối lộ đoàn chuyên gia về kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã không báo cáo kết quả kiểm tra đúng như thực tế. Công ty B được cung ứng nguyên liệu theo như hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu sau đó có phát hiện (hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo của người dân sinh sống quanh khu vực con sông có nước thải nhà máy đổ ra) thì hợp đồng đã ký kết giữa công ty B và chính quyền huyện A sẽ bị vô hiệu, buộc công ty B phải dừng hoạt động sản xuất và bồi thường mọi thiệt hại (tất nhiên các chủ thể khác có liên quan cũng sẽ bị xử lí theo pháp luật).

- Điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ hợp đồng dân sự xảy ra do có sự tác động của người thứ ba thì coi như điều kiện đó không xảy ra. Ví dụ: Công ty D và công ty H ký hợp đồng mua bán, theo đó công ty D sẽ mua lại số máy móc mà công ty H vừa nhập khẩu từ Nhật Bản về nếu kể từ ngày ký

kết hợp đồng cho đến ngày bàn giao máy móc số máy móc của công ty D có hỏng hóc và cần phải thay thế. Do đang cần bán gấp số máy móc trên nên công ty H đã thông đồng với các công nhân đứng máy của công ty D, làm cho số máy móc đó bị hư hỏng trước ngày hết thời hạn hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu có phát hiện, thì hợp đồng mua bán giữa công ty D và công ty H sẽ bị vô hiệu trước pháp luật; buộc các chủ thể liên quan đền bù thiệt hại (tất nhiên các cá nhân có liên quan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự).

Một phần của tài liệu hợp đồng dân sự có điều khiện (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)