- Sự kiện là điều kiện của hợp đồng được hiểu là sự kiện đó phát sinh trong tương lai và xác định vào thời điểm các bên thỏa thuận.
2.1.4. Điều kiện về hình thức của hợp đồng dân sự có điều kiện
Khoản 2 Điều 122 Bộ luật dân sự quy định: "Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định" [23]. Như vậy, nếu pháp luật quy định thì hình thức của hợp đồng chính là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực pháp luật, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Trong quá trình soạn thảo Bộ luật dân sự, liên quan đến quy định về hình thức của hợp đồng, một số ý kiến cho rằng các quy định về hình thức chỉ có ý nghĩa công khai hợp đồng và có ý nghĩa đối kháng với người thứ ba trong trường hợp có xảy ra tranh chấp. Điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực pháp luật chỉ phụ thuộc vào các yếu tố: tính tự nguyện, mục đích, nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, năng lực hành vi dân sự của chủ thể. Bộ luật dân sự đã tách riêng yêu cầu về hình thức của hợp đồng ra khỏi nhóm các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và quy định hình thức chỉ trở thành điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp pháp luật có quy định. Theo Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005:
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu [23].
Như vậy, trong trường hợp có sự vi phạm về hình thức, Tòa án sẽ không mặc nhiên tuyên ngay hợp đồng vô hiệu, mà theo yêu cầu của một hoặc các bên Tòa án sẽ định cho các bên một thời gian hợp lý. Trong thời hạn đó nếu các yêu cầu về hình thức được thực hiện đầy đủ, hợp đồng giao kết sẽ có hiệu lực pháp luật. Quá thời hạn trên mà các bên không đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các yêu cầu về hình thức thì Tòa án tuyên hợp
đồng vô hiệu kể từ thời điểm xác lập. Điều này dẫn đến một thực tế: Điều 134 không xác định rõ bên nào là bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức mà chỉ quy định một cách chung chung là "theo yêu cầu của một hoặc các bên". Từ quy định này có thể hiểu là bên có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức cũng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu do lỗi của chính bản thân mình. Trong khi đó, theo nguyên tắc chung, đối với các hợp đồng vô hiệu tương đối chỉ bên bị xâm phạm mới có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu mà thôi. Điểm mâu thuẫn này sẽ dẫn đến hệ quả là bên có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức nếu thấy có lợi thì thực hiện hợp đồng nếu thấy bất lợi thì đưa ra lý do hợp đồng không tuân thủ hình thức để trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Pháp luật hợp đồng của các nước không coi trọng về hình thức của hợp đồng, không có quy định hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng như ở Việt Nam. Việc không coi trọng hình thức hợp đồng được thể hiện rõ trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 và Bộ nguyên tắc về hợp đồng châu Âu.
Hai bộ nguyên tắc về hợp đồng này tuyệt đối không coi trọng hình thức hợp đồng và các bên có thể chứng minh quan hệ hợp đồng bằng bất kỳ hình thức nào. Theo đó, Điều 1.2 Bộ nguyên tắc UNIDROIT quy định: "Bộ nguyên tắc UNIDROIT không bắt buộc hợp đồng, tuyên bố hay bất kỳ một hành vi nào khác phải được giao kết hay chứng minh bằng một hình thức đặc biệt. Chúng có thể được chứng minh bằng bất kỳ cách thức nào, kể cả bằng nhân chứng" [19]. Nguyên tắc này được công nhận trong bộ luật dân sự nhiều nước trên thế giới và nó phù hợp với điều kiện giao dịch thương mại quốc tế.
Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, các nhà làm luật nước ta cũng đã có ý định tiếp nhận nguyên tắc vi phạm về hình thức hợp đồng không làm hợp đồng vô hiệu. Cụ thể, tại Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Hợp
đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" [23]. Với cách quy định như vậy, các nhà làm luật vẫn thể hiện sự luyến tiếc của Nhà nước khi không tham gia vào tự do hợp đồng.
Khi Tòa án có đủ căn cứ chứng minh các bên đã tự do thỏa thuận, hợp đồng đã xác lập nhưng chưa thỏa mãn về điều kiện hình thức thì Tòa án buộc các bên thực hiện quy định về hình thức trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà không được thực hiện thì hợp đồng được coi là tuân thủ về hình thức. Trong trường hợp này, Tòa án cũng có thể ra một quyết định để công nhận hợp đồng đó đã thỏa mãn về điều kiện hình thức và buộc các bên phải tuân theo những nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng.
Ngoài các yêu cầu trên, hợp đồng dân sự có điều kiện còn phải bao gồm hai nội dung cấu thành:
+ Phần hợp đồng, đó là nội dung của hợp đồng thông thường do các bên xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự (hợp đồng mua, bán, tặng, cho…). Phần nội dung của hợp đồng cũng tuân theo quy định của hợp đồng dân sự nói chung. Điều 402 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về nội dung của hợp đồng dân sự như đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm; số lượng, chất lượng; giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phạt vi phạm hợp đồng…
+ Phần điều kiện nhằm làm phát sinh, thay đổi hay hủy bỏ hợp đồng Hai phần này có mối liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau trong một hợp đồng dân sự có điều kiện cụ thể, nhưng chúng không quyết định nội dung của nhau mà phần điều kiện chỉ nhằm làm cho hợp đồng phát sinh hay hủy bỏ và hợp đồng được phát sinh hay hủy bỏ do điều kiện đó xảy ra hay không.
Để hiểu rõ hơn nữa điều kiện của hợp đồng dân sự có điều kiện ta có thể nhìn nhận điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện theo cách đặt nó bên cạnh điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự để nhận biết bản chất, bởi cả hai hình thức đều nhằm tạo ra sự ổn định, chắc chắn của hợp đồng dân sự; tuy nhiên giữa chúng có những điểm khác nhau cơ bản về bản chất như sau:
- Xét về mặt ý chí, điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện, ý chí cho phép chủ thể có thể lựa chọn, thỏa thuận những điều kiện cụ thể. Chủ thể tự do lựa chọn các điều kiện cho phép hợp đồng dân sự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt. Còn trong điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự những điều kiện đó bắt buộc các bên tham gia hợp đồng phải tuân theo khi xác lập hợp đồng, các điều kiện đó được quy định sẵn bởi pháp luật, nếu không hợp đồng sẽ vô hiệu.
- Xét về hiệu lực của hợp đồng, trong hợp đồng dân sự có điều kiện, hợp đồng phát sinh hay hủy bỏ phụ thuộc nếu điều kiện xảy ra hoặc ngược lại nếu điều kiện không xảy ra hợp đồng không phát sinh hoặc hủy bỏ. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì hợp đồng được xác lập, thực hiện phụ thuộc vào điều kiện và khi vi phạm điều kiện thì hậu quả pháp lý là quyền và nghĩa vụ của các bên không phát sinh kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập.
Điều kiện trong hợp đồng dân sự phụ thuộc vào các bên khi đặt ra điều kiện đó. Về nguyên tắc, các bên phải có nghĩa vụ thực hiện điều kiện nhằm làm phát sinh hay hủy bỏ hợp đồng, nhưng nghĩa vụ về điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện không phải là nghĩa vụ của hợp đồng dân sự bởi điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện là yếu tố bên ngoài, không phụ thuộc vào nội dung bên trong của hợp đồng dân sự; tuy nó có điểm chung là do các bên thỏa thuận xác lập, vì vậy, ta có thể phân biệt nghĩa vụ về điều kiện và nghĩa vụ như sau:
- Về việc thực hiện, thực hiện nghĩa vụ về điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện, thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh hay hủy bỏ hợp đồng
dân sự. Còn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng dân sự làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt hợp đồng dân sự.
- Nghĩa vụ về điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện nằm ngoài nội dung của hợp đồng dân sự cụ thể, nhưng nghĩa vụ về dân sự trong hợp đồng dân sự nằm trong nội dung của hợp đồng dân sự.
- Bản chất của nghĩa vụ về điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện vì lợi ích của các bên tham gia, còn đối với hợp đồng dân sự thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của bên có quyền.
- Nghĩa vụ về điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện không gắn trách nhiệm pháp lý khi điều kiện xảy ra hoặc xảy ra ngoài ý muốn của các bên thì phải bồi thường thiệt hại. Nghĩa vụ về dân sự trong hợp đồng dân sự gắn trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ.