YẾU KHÁCH QUAN
Trong đời sống xã hội, pháp luật và đạo đức là hai hệ thống quy phạm quan trọng nhất điều chỉnh hành vi con người. Pháp luật và đạo đức, đều có những ưu điểm cũng như sự hạn chế. Pháp luật và đạo đức là hai hệ thống quy phạm cùng hướng đến với sự điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhưng giữa chúng cũng có những điểm khác biệt rất căn bản thể hiện ở chủ thể làm ra, phạm vi tác động, hình thức thể hiện và cơ chế thực hiện. Các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (làm mới, sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ) còn các quy phạm đạo đức hình thành từ đời sống xã hội trên cơ sở sự lựa chọn những phương án xử sự hợp lý nhất, kết tinh kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ và phản ánh những khát vọng của xã hội. Các quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung đối với tất cả các thành viên của xã hội,
còn đạo đức, bên cạnh những chuẩn mực được đông đảo các thành viên xã hội thừa nhận thì mỗi giai cấp, tầng lớp lại có những chuẩn mực khác biệt. Các quy phạm pháp luật thường được thể hiện dưới những hình thức pháp lý chặt chẽ đơn nghĩa nhằm xác lập một cách chính xác quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, quy phạm đạo đức lại thường được thể hiện một cách chung nhất về sự đánh giá về suy nghĩ và hành vi con người, thông qua các phạm trù thiện - ác, tốt - xấu…Pháp luật được đảm bảo thực hiện bởi nhà nước, trong đó quan trọng nhất là bởi sức mạnh cưỡng chế, còn đạo đức được đảm bảo thực hiện bởi sự day dứt lương tâm, sự xấu hổ hoặc áp lực của dư luận xã hội do đó để tác động có hiệu quả đến xã hội, chúng cần đến nhau, cái này cần đến ưu thế của cái kia như là sự bổ sung cho những hạn chế của mình, tạo nên sự kết hợp hài hòa nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách hiệu quả nhất. Đúng như quan điểm của nhà triết học xuất sắc người Nga, Vladimir Soloviev:
Với thái độ phủ nhận pháp quyền một cách sạch trơn, sự rao giảng đạo đức sẽ mất đi những môi giới và những điểm tựa trong môi trường xa lạ với nó, và vì thế trong trường hợp tốt nhất nó cũng sẽ chỉ trở thành một sự nói suông vô thưởng vô phạt; còn từ phía khác, bản thân pháp quyền nếu những khái niệm hình thức và những thiết chế của nó bị cách biệt hoàn toàn khỏi những nguyên tắc và cứu cánh đạo đức, sẽ mất đi cái cơ sở vô điều kiện của mình và thực chất sẽ không còn khác gì sự võ đoán tùy tiện [46, tr. 246].