mạnh, vẫn chứng tỏ sức sống mạnh mẽ
Trong việc xác định các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, có nhiều quan điểm khác nhau. Giáo sư Trần Văn Giàu đưa ra một hệ thống giá trị bao gồm: - Yêu nước; - Cần cù; - Anh hùng; - Sáng tạo; - Lạc quan; - Thương người; - Vì nghĩa.
Trong đó: tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị là yêu nước. Còn theo tác giả Vũ Thị Huệ, dân tộc Việt Nam có một số giá trị đạo đức truyền thống cơ bản là:
- Lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc;
- Cần cù, dũng cảm, sáng tạo trong lao động;
- Lòng nhân ái "thương người như thể thương thân";
- Lối sống trung thực giản dị, chung thủy và khiêm tốn [24, tr. 35]. Một thực tế mà chúng ta thấy rất rõ ràng là trong giai đoạn vừa qua, cơ chế thị trường đã tác động rất mạnh đến các giá trị đạo đức truyền thống này, thực sự chúng ta đã và đang đứng trước những thách thức không nhỏ chút nào. Thực tế đã chứng minh, dù đời sống xã hội có nhiều xáo trộn, thậm chí có nhiều cái bị đảo lộn, nhưng những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta vẫn có sức sống mạnh mẽ, vẫn có sức lay động lớn đến tâm hồn mỗi người và vẫn là điểm tựa tinh thần cho chúng ta trước những diễn biến rất nhanh của đời sống xã hội. Ví dụ như trong hoàn cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa hiện nay, chủ nghĩa yêu nước trong đời sống xã hội được chú trọng và mang những sắc thái mới (trước đấu tranh để giành độc lập, nay phấn đấu để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu). Nhà nước đã có những chương trình lớn nhằm xác định và giữ gìn bản sắc dân tộc, coi đó là yếu tố tiên quyết trong quá trình hội nhập. Trong thời gian qua, nhiều người muốn tìm hiểu và khôi phục lại những giá trị tích cực của đạo đức truyền thống (nhất là Nho, Phật, Lão), muốn lớp trẻ trước hết phải học lễ nghĩa, sau rồi mới học tri thức khoa học (tiên học lễ, hậu học văn)… Luật Hình sự Việt Nam cũng có những thay đổi theo hướng không thúc đẩy những người trong một gia đình tố giác lẫn nhau, có giảm nhẹ xử lý với người già phạm tội v.v...
Đồng thời, có một xu thế đáng mừng là các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc không những được nâng niu, trân trọng mà còn được đánh giá lại và bổ sung trong hoàn cảnh mới như: chủ nghĩa yêu nước, quan niệm thiện - ác, cái "tâm", chữ "hiếu"… Lấy ví dụ như: chữ "hiếu" trong quan hệ con cái với cha mẹ. Trước đây, người con ngoan, hiếu hạnh là người tuyệt đối nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, dù đã trưởng thành rồi, có đạo đức xã hội rồi thì vẫn phải theo sự sắp xếp của cha mẹ, trái lời cha mẹ, bất luận đúng sai thế nào, đều bị xã hội lên án là bất nghĩa thiếu đạo nghĩa. Còn hiện nay, con cái phải phải có nghĩa vụ nghe lời, kính trọng, chăm sóc cha mẹ, nhưng ngược
lại cha cũng cần tôn trọng các con, lắng nghe ý kiến các con. Nếu bố mẹ sai trái, con cái có thể góp ý, thậm chí phê phán và hành động theo lẽ phải chứ không bó hẹp trong chữ "ngu hiếu" như trước đây. Hay vấn đề yêu nước, trước đây chính quyền phong kiến áp đặt quan niệm: "Trung quân, ái quốc" - yêu nước là phải trung với vua, bất luận vị vua đó hành xử thế nào, dẫn đến trường hợp "ngu trung", vừa làm hại nước, vừa làm bi kịch cho bản thân. Ngày nay yêu nước phải thể hiện ở sự trung thành với lợi ích quốc gia dân tộc, yêu nước không chỉ còn bó hẹp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà còn trải rộng ra các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng…