Các sự vật hiện tượng đều có tính hai mặt của nó, vì vậy cơ chế mới ở nước ta bên cạnh việc đem đến những tác động tích cực cho đời sống đạo đức thì những tác động tiêu cực cũng không phải ít. Thực trạng xã hội Việt Nam những năm qua có nhiều biểu hiện vừa đáng buồn, vừa đáng lo, đặc biệt là sự biến dạng của nhiều giá trị đạo đức, thể hiện ở tư tưởng và cách hành xử của con người trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng chủ yếu là những nguyên nhân cơ bản như: sự du nhập thiếu chọn lọc của một bộ phận không nhỏ dân cư tới đối với lối sống phương Tây; trước đây cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đề cao quá mức đời sống tinh thần, xem nhẹ vật chất (mà thực sự cũng không có điều kiện cho một đời sống vật chất đầy đủ) nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, sự coi trọng vật chất đã đi quá đà trở thành sùng bái sau một thời gian dài bị kìm nén; và điều hết sức quan trọng là trong thời gian dài chúng ta chưa xây dựng được một nền tảng đạo đức cho xã hội nên khi bước vào nền kinh tế thị trường khắc nghiệt, nhiều giá trị trước đây chúng ta tưởng sẽ bền vững nhưng khi va chạm với thực tế thì vỡ tan hoặc bộ lộ những sự yếu ớt, bất lực…
Vì vậy, qua một số công trình điều tra xã hội, chúng ta chợt nhận ra là sau một thời gian chịu sự tác động của cơ chế thị trường, nhiều giá trị, chuẩn
mực đã thay đổi ghê gớm, khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Đó là "sự biến đổi một cách thái quá trong quan niệm về các giá trị":
+ Từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị - xã hội chạy sang quá coi trọng các giá trị vật chất, kinh tế;
+ Từ chỗ lấy con người xã hội - tập thể làm mẫu mực chuyển sang quá nặng nề con người cá nhân thậm chí cực đoan đến mức cá nhân chủ nghĩa;
+ Từ chỗ coi trọng nhân cách, coi trọng cả đức lẫn tài, lấy đức làm gốc chuyển sang chỉ coi trọng tài năng, học vấn, xem nhẹ đạo đức;
+ Từ chỗ sống quá lý tưởng chuyển sang sống quá thực dụng; + Từ chỗ coi nhẹ đồng tiền đến chỗ sùng bái đồng tiền; + Từ chỗ lên án người giàu đến chỗ ưu ái, tôn sùng người giàu và muốn làm giàu nhanh chóng bằng mọi cách;
+ Từ sống khiêm tốn, lành mạnh, giản dị (thậm chí đạm bạc) đến chỗ sống xoa hoa, lãng phí, phô trương (thậm chí trụy lạc);
+ Từ chỗ hết sức coi trọng gia đình, tập thể, cộng đồng đến chỗ xem nhẹ, coi trọng tự do cá nhân là tất cả, sống tùy tiện, buông thả bất chấp luật pháp, đạo lý, coi thường dư luận, lương tâm, chấp nhận lối sống vụ lợi thấp hèn [24, tr. 50].
Thực vậy, nếu như trước đây, các giá trị tinh thần rất được coi trọng thì hiện nay, đối với nhiều người, những giá trị tinh thần bị đẩy xuống hàng thứ yếu và đặt ra những điều kiện vật chất với biểu hiện trực tiếp là đồng tiền lên hàng đầu. Những chủ thể này không nhận thức các tiện nghi vật chất ở tính phương tiện mà ở tính mục đích. Đối với những cá nhân này, tiền có vai trò quyết định không những trong các quan hệ kinh tế mà còn ở các mối quan
hệ xã hội khác. Theo quan niệm của họ, có tiền là có cơ sở để tạo lập địa vị xã hội và quyền lực, từ đó chi phối người khác và tìm kiếm lợi ích cho bản thân. Do đó việc theo đuổi lợi nhuận một cách quyết liệt được coi là tất nhiên, những giá trị lương tâm, tình thương, danh dự… bị coi là lỗi thời, thậm chí cản trở sự "nhạy bén", "khôn ngoan" của họ và tất nhiên chúng sẽ bị xếp xuống hàng thứ yếu. Theo như tác giả Nguyễn Văn Huyên thì:
Chính mục tiêu lợi nhận đã gạt ra bên ngoài không ít những giá trị xã hội có tính người khác. Sự cạnh tranh… hình thành ở họ những thủ đoạn để hạ gục nhau, tạo nên sự đối kỵ, thâm thù giữa người với người, người ta sẵn sàng tìm mọi cách bôi nhọ, hạ thấp phẩm giá người khác để đề cao bản thân. Quan hệ người - người càng siết chặt lại với nhau trong cạnh tranh kinh tế thì càng trở lên lạnh lùng trong các quan hệ xã hội… [28, tr. 38].
Một vấn đề nữa là cơ chế thị trường kích thích cái "Tôi" một cách quá đáng là tác nhân làm mất cân đối, thậm chí méo mó sự phát triển nhân cách. Vấn đề này thể hiện ở một số điểm như: khủng hoảng lý tưởng sống hay phá vỡ sự hài hòa của nhân cách … Mặc dù mọi người đều nhận thấy lý tưởng và niềm tin là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người nhưng lại không ít người coi nhẹ hoặc có quan niệm lệch lạc về vấn đền này. Nhiều người cho rằng, trong điều kiện cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay mà còn nói đến lý tưởng, niềm tin, lẽ sống, sự hy sinh... thì thật xa vời, thiếu thực tế, sống như vậy chỉ có thua thiệt và lạc hậu thôi. Người thức thời thì phải là người "nhạy bén", "tháo vát", thấy lợi là phải làm ngay… Từ đó họ chuyển sang lối sống thực dụng một cách triệt để, bộc lộ những khía cạnh thấp hèn, vụ lợi thậm chí là tàn nhẫn mà không hay. Nhưng thực tế cũng chứng minh: một cá nhân mà xem nhẹ hay xác định sai lệch lý tưởng sống tất yếu dẫn đến sự, mất phương hướng trong hành động, mất cân đối, hài hòa trong nhân cách. Những cá nhân này "chỉ có thể sống vì mình mà không quan tâm đến cộng
đồng, sống cho hiện tại mà quên mất tương lai, sống vì mục đích vật chất mà coi thường lợi ích tinh thần, các giá trị văn hóa" [19, tr. 89]. Lối sống này chắc chắn là một sai lầm, không sớm thì muộn chủ nhân của nó sẽ bị trả giá. Bởi vì mỗi cá nhân chỉ có thể đạt đến hạnh phúc khi có sự hài hòa, cân đối trong quan niệm về vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và xã hội, giữa hiện đại và truyền thống… Phá vỡ sự cân đối, hài hòa này sẽ dẫn con người đến lối sống phiến diện, thậm chí cực đoan. Thực tế cho thấy, khi đất nước tiến hành mở cửa, hội nhập, có một bộ phận dân cư xuất hiện tâm lý sùng ngoại, sẵn sàng tiếp thu văn hóa nước ngoài, mà không hề chọn lọc, cân nhắc dẫn đến hệ quả là đánh mất lòng tự hào dân tộc, sự tự trọng chính đáng của mỗi người Việt Nam. Ở một bộ phận không nhỏ dân cư, nhất là ở các đô thị, nhiễm tư tưởng tiêu dùng vô độ, tạo nên làn sóng ăn chơi, đua đòi… Điều đáng lo ngại là "đối với những cá nhân chỉ chú ý đến đời sống vật chất như vậy, họ sẽ quên mất các giá trị văn hóa, tinh thần, trở thành những con người cằn cỗi về tâm hồn, què quặt về mặt nhân cách" [19, tr. 96].
Về đạo đức hôn nhân và gia đình, trong hoàn cảnh cơ chế hiện nay, thực sự đang đứng trước rất nhiều thách thứ. Hôn nhân và gia đình đối với người Việt Nam vốn là phạm trù thiêng liêng và nhạy cảm. Pháp luật cũng quy định hôn nhân phải xuất phát trên cơ sở tự nguyện, một vợ một chồng, vợ chồng phải có trách nhiệm thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ… nhưng thực tế trong xã hội đang diễn ra nhiều chiều hướng phức tạp. Hiện nay, một số người có những quan niệm đạo đức hôn nhân rất xa lạ với truyền thống bấy lâu nay, tính nghiêm túc của quan hệ hôn nhân đã không còn. Đối với họ tình yêu phải "bốc lửa, yêu nhanh, cưới nhanh", mà từ đó đã có không ít trường hợp kết thúc với hậu quả là "cưới nhanh, tan vỡ ngay". Từ lập luận: kết hôn khi yêu nhau, ly hôn khi không còn tình yêu, họ đã bỏ qua tất cả các khía cạnh ràng bộc của mối quan hệ cha mẹ - con cái… Xu hướng ly hôn tăng nhanh đặc biệt từ những năm 90 trở lại đây. Nhiều cuộc ly hôn chẳng những đã tạo nên những xung đột mạnh trong đạo đức vợ chồng mà còn "khiến cho một số
con cái sau khi bố mẹ ly hôn đã không được giáo dục đạo đức một cách lành mạnh, đứa trẻ gây lên những hành vi rối nhiễu, trầm cảm, thậm chí phạm pháp" [30, tr. 113-114].
Đồng thời, ngay trong đời sống gia đình, vẫn có những biểu hiện không đúng như do quán tính trọng nam khinh nữ mà nhiều người chồng thường gia trưởng, khinh thường vợ, từ đó dẫn đến ngoại tình hoặc ngược đãi hành hạ vợ. Nhiều cặp vợ chồng, do quan niệm không đúng đắn, đã đồng nghĩa hạnh phúc với tiện nghi vật chất và đã ra sức phấn đấu để đạt được chúng. Nhưng quá trình đi tìm kiếm lợi ích vật chất một cách quyết liệt cũng chính là lúc họ đã lãng quên những nhân tố cốt lõi để làm nên hạnh phúc gia đình như sự quan tâm chăm sóc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau…
Trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, các giá trị đạo đức truyền thống hướng con cái đến nhận thức phải kính trọng, nghe lời, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Ngược lại, ông bà, cha mẹ có bổn phận nuôi dạy, bảo ban con cháu, gia đình hòa mục, yên ấm, kính trên nhường dưới. Đây thực sự là những nét đẹp trong gia đình Việt Nam truyền thống. Nhưng trong thời gian gần đây, có một số gia đình cư xử với ông bà, cha mẹ một cách sòng phẳng, không tình nghĩa, thiếu sự quan tâm chăm sóc, thậm chí còn hỗn láo, ngược đãi ông bà cha mẹ. Đối với họ hàng thì lấy của cải, địa vị làm thước đo để xác định mức độ thân - sơ… Những cách xử sự này làm cho các mối quan hệ trong gia đình hay họ hàng trở nên thực dụng, nhạt nhẽo, thậm chí phát sinh thành xung đột.
Đối với con cái, nhiều bậc cha mẹ quá nuông chiều (nhất là trong hoàn cảnh các gia đình ngày càng có ít con và điều kiện vật chất khá giả lên) buông lỏng giáo dục. Nhiều gia đình chỉ chú ý làm sao để có kết quả học tập của con cái được tốt mà ít chú ý dạy bảo con cái về phong cách ứng xử, nhận thức về bổn phận của người con, người cháu, đó là chưa kể đến bệnh thành tích trong học tập là tiền đề cho sự gian dối tiêu cực. Có những gia đình đã dung túng cho những thói xấu của con cái. Thậm chí "có gia đình, bố mẹ sống buông
thả, có các hành vi thất đức, không ý thức rằng đó là những bài học tự nhiên đối với con cái" [30, tr. 117]…
Về vấn đề đạo đức môi trường sinh thái, chúng ta thấy, sau một thời gian vận hành của cơ chế thị trường, môi trường sinh thái ở nước ta đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Mặc dù nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc hoạch định các thể chế chính sách và tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, tuy nhiên,
Trên thực tế, quá trình phát triển kinh tế đã gây ra những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về môi trường sinh thái. Tình trạng khai thác khoáng sản quá mức, phá rừng, xói mòn đất, ô nhiễm các nguồn nước, ô nhiễm môi trường công nghiệp, đô thị và nông thôn, thiên tai thường xuyên với tần xuất cao và diễn biến phức tạp sự suy giảm các nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học… đang là một thực tế ngày càng nghiêm trọng ở nước ta [3, tr. 102-103].
Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân như: quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường chưa đồng bộ và hiệu lực… Nhưng có một điều cơ bản là chúng ta chưa xây dựng được hệ các chuẩn mực đạo đức mới về môi trường sinh thái phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay, dẫn đến ứng xử thô bạo và thiển cận với môi trường. Đặc biệt với cơ chế thị trường, bên cạnh những mặt tích cực cũng đã bộc lộ những khắc nghiệt nhất là vấn đề lợi ích. Sự theo đuổi lợi nhận, bằng mọi giá phải đạt được lợi nhuận đã đẩy con người đến chỗ phải tấn công dữ dội vào thiên nhiên và cũng vì lợi nhận, họ đã không quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường và tái tạo thiên nhiên nên môi trường đã bị ô nhiễm và tài nguyên bị suy kiệt.
Như vậy, đạo đức với tư cách là những chuẩn mực xử sự được xã hội thừa nhận, được hình thành và vận dụng từ chính thực tế đời sống xã hội. Trong những năm qua, cơ chế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh
vực của xã hội, trong đó đạo đức là một trong những lĩnh vực có nhiều thay đổi nhất. Thực trạng đời sống đạo đức ở Việt Nam hiện nay mang nhiều nét phức tạp: có những cái đã định hình, có những cái còn đang phôi thai; có những nhân tố mới, tích cực và có những nhân tố tiêu cực.
Cơ chế thị trường mở ra khả năng tiềm tàng giải phóng mọi năng lực của con người, thúc đẩy văn hóa đạo đức phải gạt bỏ những cái cũ kỹ lạc hậu, cổ vũ cho những gì mới mẻ hợp quy luật. Sự phá bỏ cơ chế tập trung, bao cấp chính là sự đánh thức con người và xã hội Việt Nam, đồng thời tạo đà cho sự hình thành những chuẩn mực đạo đức mới. Nhịp sống sôi động đã thay thế cho nhịp sống đơn điệu tẻ nhạt thời bao cấp, mọi người phải phát huy cao độ tính tự giác, năng động, sáng tạo chứ không còn trông chờ, ỷ lại như trước nữa. Cơ chế thị trường cũng khuyến khích mọi cá nhân nỗ lực phấn đấu khẳng định mình và tạo lập cơ chế đại ngộ tương xứng với sự cống hiến - một biểu hiện của sự công bằng. Từ đó "các chuẩn mực đạo đức đậm đà tình cảm, nhân nghĩa, cộng đồng - những nét đặc trưng của văn hóa đạo đức truyền thống giờ đây được bổ sung các chuẩn mực lý trí, tính chính xác và giá trị pháp lý…" [28, tr. 35].
Tuy nhiên cơ chế thị trường cũng tạo cơ hội cho những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh xuất hiện và phát triển. Ở trên, chúng tôi đã điểm qua một số nét tiêu cực trong một số khía cạnh cơ bản của đời sống gia đình hay sự hủy hoại môi trường… Thực sự, đó mới chỉ là những nét chấm phá, còn thực tế đời sống xã hội Việt Nam hiện nay còn chứa đựng những vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Như vậy, bài toán đặt ra cho xã hội Việt Nam hiện nay là "làm sao vừa phát triển được kinh tế thị trường, vừa giữ được các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa xây dựng được các quan hệ và phẩm chất mới phù hợp với thời đại mới của sự phát triển kinh tế - xã hội" [9, tr. 19].