SỰ TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Một phần của tài liệu Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Trang 106 - 110)

- Mặt hạn chế

2.6.SỰ TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường, hướng đến công nghiệp hóa hiện đại hóa ở nước ta hiện nay, khoa học và công nghệ có vai trò then chốt. Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung 2001 đã xác định: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu" (Điều 37). Bởi vì khoa học và công nghệ là cơ sở để "xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách và pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, đảm bảo tốc độ và chất lượng phát triển của nền kinh tế, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh" (Điều 7). Rõ ràng, vai trò của khoa học công nghệ với đời sống xã hội là vô cùng to lớn. Nhưng xuất phát từ thực tế

nước ta và đặc biệt là quá trình nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, chúng ta lại thấy rằng: sự phát triển của khoa học và công nghệ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hạnh phúc, thậm chí còn đưa đến những hệ lụy về mặt xã hội. Vì vậy, để có một nền khoa học và công nghệ thực sự là chân chính, nhằm phục vụ con người, thì nó phải được hướng dẫn bởi những giá trị đạo đức lành mạnh. Trong vấn đề này pháp luật có một vai trò quan trọng, có nhiệm vụ thể chế hóa những chuẩn mực đạo đức và các quy định pháp luật về khoa học và công nghệ, tạo nên sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức theo các hướng:

- Mặt tích cực

Thứ nhất, khung pháp lý về khoa học và công nghệ, trong đó tiêu biểu là Luật khoa học và công nghệ năm 2000 đã thể chế hóa nhiều chuẩn mực đạo đức nhằm định hướng cho nền khoa học và công nghệ, ngăn chặn những hành vi trái với đạo đức xã hội. Điều 5, Luật khoa học và công nghệ 2000 quy định nguyên tắc hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó xác định hoạt động khoa học và công nghệ phải đảm bảo "trung thực, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp…" đây là nguyên tắc rất quan trọng, nó không chỉ là sự quy định về thái độ làm việc trong hoạt động khoa học mà còn bắt buộc các hoạt động khoa học và công nghệ bám sát các tiêu chuẩn đạo đức.

Hoạt động nghiên cứu và sử dụng các thành quả khoa học và công nghệ luôn đòi hỏi sự chính xác, thuyết phục.

Các vấn đề như quyền tác giả, chi phí nghiên cứu khoa học, vấn đề đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện khoa học và công nghệ… lại rất phức tạp, không phải ai cũng có kiến thức, thông tin để kiểm chứng nên nguyên tắc trung thực là yêu cầu hàng đầu trong nghiên cứu khoa học.

Nguyên tắc khách quan bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phải xuất phát trên cơ sở thực tiễn, tôn trọng chân lý khách quan

đã được thực tế kiểm nghiệm. Có như vậy chúng ta mới cho ra đời được những sản phẩm phù hợp với đời sống xã hội và có tính ứng dụng cao.

Điều 8, Luật khoa học và công nghệ 2000 đã quy định các hành vi cấm trong hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó cấm: "lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc".

Thứ hai, ở chiều hướng ngược lại, những quan niệm đạo đức đúng đắn đã tác động tích cực đến việc quy định và thực thi pháp luật về khoa học và công nghệ. Trong lĩnh vực này giá trị nhân đạo, vì con người chính là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất là tác động một cách tích cực đến khoa học công nghệ. Bởi vì khoa học công nghệ luôn hàm chứa tính hai mặt của nó, nếu được sử dụng vào những mục đích tốt lương thiện thì nó đem đến cho con người cuộc sống tốt đẹp, ngược lại nếu chỉ phục vụ cho lợi ích ích kỷ của các cá nhân hay nhóm người nào đó thì hậu quả thật khôn lường. Bản thân khoa học và công nghệ không có lỗi, lỗi chính là ở những người sử dụng chúng. Do đó, một nền khoa học và công nghệ đúng đắn phải được dẫn dắt bởi những giá trị đạo đức chân chính. Nếu không sẽ có những nghịch lý mà chúng ta không mong muốn như: sự nhảy vọt về khoa học kỹ thuật vật chất lại dẫn đến sự đổ vỡ về mặt xã hội, và những thành tựu của khoa học kỹ thuật rất có thể phá hủy các điều kiện sống trên trái đất. Vì vậy, theo Goldsmith: "Khoa học không được tách khỏi đạo đức… Khoa học phải phục vụ cho xã hội… Khoa học là một công cụ hữu ích nhưng nếu không được kiểm soát … chúng có thể phá hủy sự ổn định của xã hội" [15, tr. 212], do đó khoa học và công nghệ phải "nhậy bén với những yêu cầu về luân lý đạo đức và xã hội" [15, tr. 127]. Và tất nhiên, khi các giá trị đạo đức đã được các nhà quản lý, các nhà khoa học ý thức được thì chúng sẽ phát huy tác dụng cả trong quá trình làm luật và thực thi pháp luật. Ở nước ta hiện nay, để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đời sống khoa học và công nghệ đang diễn ra rất sôi nổi và

đã tác động đến hầu hết khắp các mặt của đời sống xã hội. Trong thực tế, các giá trị đạo đức đã phát huy tác dụng nhất định, góp phần định hướng cho nền khoa học công nghệ của nước ta cũng như hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ. Nhưng chúng ta cũng thấy được thực trạng khoa học và công nghệ ở nước ta còn nhiều phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hơn nữa.

- Mặt hạn chế

Là một nước phương Đông với truyền thống nghiên cứu khoa học và công nghệ rất mờ nhạt, lại trải qua chiến tranh liên miên nên việc nghiên cứu và xây dựng một nền khoa học và công nghệ ở nước ta còn mới mẻ. Do đó, trong truyền thống của dân tộc chưa có những chuẩn mực đạo đức đặc thù cho lĩnh vực này. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều thói hư tật xấu của xã hội có dịp phát tác và đã gây ra nhiều hậu quả cho nền khoa học và công nghệ ở nước ta.

Thứ nhất, là thói quen "ăn xổi ở thì" đã dẫn đến những quan niệm không chuẩn mực trong khoa học. Bản thân hoạt động nghiên cứu khoa học là cả một quá trình gian khổ, người làm khoa học phải vượt rất nhiều khó khăn mới có thể đi đến kết quả, nhưng thói quen không tốt trên nhiều khi làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng bởi sự làm ẩu, làm rối, hời hợt, thỏa mãn nửa vời.

Thứ hai, trong xã hội còn rất nhiều người chưa coi trọng vấn đề quyền tác giả. Sự thực thì thực tế này cũng một phần bắt nguồn từ thói quen lâu ngày. Nhưng hiện nay, việc không tôn trọng bản quyền gây ra nhiều tác hại, vừa là sự vi phạm pháp luật, gây tranh chấp giữa các bên, vừa triệt tiêu động lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Đây là một thực trạng nhức nhối mà chúng ta phải tập trung dứt điểm trong thời gian tới.

Thứ ba, tác động của cơ chế thị trường, áp lực của việc phải đạt lợi nhuận tối đa… cũng làm cho hoạt động khoa học và công nghệ chịu những ảnh hưởng không tốt. Đã có nhiều chủ doanh nghiệp, do chạy theo doanh thu, nên chỉ chú trọng đến số lượng mà quên đi chất lượng của hàng hóa (gây đột

biến gien để sản phẩm to hơn, lớn nhanh hơn nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…) hoặc không chịu lắp các thiết bị bảo vệ môi trường, ngại mua các loại dây chuyền công nghệ sạch vì sợ tốn kém…

Bên cạnh đó đến việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ chưa thực sự đã theo kịp với diễn biến thực tế. Việc quy định và thực thi các biện pháp kiểm tra, chế tài (về bản quyền, về hợp đồng nghiên cứu…) chưa thực sự nghiêm khắc và hiệu quả, đã tạo điều kiện cho các hành vi xấu có dịp hoành hành. Thực trạng này đang đặt ra những bài toán đòi hỏi chúng ta phải có lời giải kịp thời và chính xác để thúc đẩy nền khoa học và công nghệ phát triển.

Một phần của tài liệu Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Trang 106 - 110)