Theo quan niệm của GS.TSKH Đào Trí Úc thì "nhà nước pháp quyền, có tiền đề từ trong chế độ kinh tế và quan hệ sở hữu. Chức năng cơ bản của nhà nước đó và bảo vệ con người, điều tiết kinh tế, duy trì trật tự về lợi ích…" [53, tr. 20]. Vì vậy, pháp luật với tư cách là phương tiện quản lý đặc thù của Nhà nước, phải hướng đến sự phản ánh các chức năng này. Xuất phát từ nhận thức này, trong nhà nước pháp quyền, pháp luật có một số vai trò cơ bản sau:
Thứ nhất, pháp luật là phương tiện để tổ chức quyền lực nhà nước, đồng thời kiểm soát nhà cầm quyền. Quyền lực nhà nước được tổ chức thông qua cách thiết kế hệ thống các cơ quan nhà nước. Nhưng quyền lực nhà nước là một thứ chất liệu đặc biệt, nó có khả năng chi phối cực mạnh đến đời sống xã hội. Vì vậy, nếu sự thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước hợp lý và chặt chẽ thì có tác dụng tốt với xã hội, ngược lại, nếu sự thiết kế này là tùy tiện, chồng chéo thì sớm muộn cũng đẩy xã hội vào sự rối loạn. Ở góc độ này, pháp luật mang đến cho tổ chức nhà nước tính pháp lý. Điều đó có nghĩa là "nhà nước, các thiết chế của nó phải được xác định rõ ràng về mặt pháp luật, tránh tùy tiện và lạm quyền" [53, tr. 19]. Bước tiếp theo phải thực hiện được sự kiểm soát nhà cầm quyền các cấp - những chủ thể mang quyền lực. Bởi vì, theo như quan điểm của J.Madison thì: "… bản thân chính quyền là gì nếu không phải là sự phản ánh rộng lớn nhất trong mọi phản ánh về bản chất con người? Nếu con người là những thiên thần thì sẽ không cần thiết phải có chính quyền…" do đó, "trước hết chính quyền phải có khả năng kiểm soát những người bị quản lý, kế tiếp chính quyền phải có nghĩa vụ tự kiểm soát mình" [29, tr. 45].
Thứ hai, pháp luật tạo dựng cơ sở pháp lý và thúc đẩy kinh tế phát triển. Bản thân các quan hệ kinh tế vốn có những quy tắc đặc thù của chúng và luôn hàm chứa tính đa dạng và phức tạp. Thực tế những thập niên vừa qua ở Việt Nam cho thấy, chỉ khi pháp luật phản ánh được quy luật khách quan của đời sống kinh tế - xã hội thì nó mới thúc đẩy kinh tế phát triển, ngược lại thì chỉ là sự kìm hãm. Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, pháp luật có hai nhiệm vụ cơ bản là: giải phóng mọi năng lực sản xuất của xã hội và khắc phục những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Như vậy, pháp luật phải xây dựng được những cơ sở pháp lý để định hướng các quan hệ kinh tế, làm cho mọi thành phần kinh tế, mọi cá nhân tin tưởng, từ đó huy động được các tiềm năng sáng tạo và sức mạnh vật chất vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Để thực hiện điều này, pháp luật phải giải quyết được một số vấn đề cơ bản như thiết lập quyền
tự do kinh doanh, đa dạng hóa các thành phần sở hữu và các thành phần kinh tế, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng kinh tế… Đơn cử như vấn đề hợp đồng kinh tế chính là sự phản ánh sự tự do trao đổi sản phẩm, hàng hóa trong nền kinh tế thị trường dưới sự chi phối của qưy luật cung - cầu, giá cả… Đây thực sự là một phần không thể thiếu được của nền kinh tế thị trường, nhưng vấn đề là những hợp đồng đó được thiết lập như thế nào để thực hiện thoát khỏi "cái bóng" của cơ chế cũ. Sự thực thì trong nền kinh tế thị trường, các hợp đồng phải ký kết trên cơ sở tự do ý chí giữa các chủ thể, chứ không phải là sự can thiệp, chỉ đạo một cách thô bạo từ phía công quyền. Do đó, những nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng kinh tế là tự nguyện bình đẳng, cùng có lợi… ở đây sự hoàn thiện của một hệ thống pháp luật về hợp đồng kinh tế có vai trò quyết định. Song song với những vấn đề trên, pháp luật cũng phải góp phần cơ bản vào việc khắc phục những mặt trái của cơ chế thị trường như: sự phân hóa giàu nghèo một cách bất hợp lý, nạn thất nghiệp, sự ô nhiễm môi trường, suy kiệt tài nguyên, các loại tội phạm về kinh tế… vốn gần như "song hành" với cơ chế thị trường, nhất là ở giai đoạn đầu.
Thứ ba, pháp luật là cơ sở để ghi nhận các quyền tự do dân chủ của công dân và là phương tiện để người dân tự bảo vệ mình. Khi người dân thực hiện các quyền tự do dân chủ của mình có nghĩa là họ đang hiện thực hóa những khả năng để đi đến thụ hưởng những lợi ích nào đó. Nhưng quá trình này cũng hàm chứa khả năng bị xâm phạm từ phía các chủ thể khác cũng như khả năng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những chủ thể nào đó. Vì vậy, quyền tự do dân chủ của công dân cần phải được minh bạch hóa bằng các quy định của pháp luật. Trong bối cảnh dân chủ hóa đời sống xã hội, đề cao quyền con người hiện nay, khuynh hướng chung là các quyền tự do dân chủ của công dân ngày càng được mở rộng, nâng cao về chất lượng. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua các quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự v.v… Hiện nay, ở nước ta, pháp luật về các quyền tự do dân chủ của công dân đang được hoàn thiện dần trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực cơ bản như: kinh doanh,
chế độ sở hữu, sáng tác, tín ngưỡng, môi trường… Tuy nhiên, các quyền tự do dân chủ của công dân chỉ có thể trở thành hiện thực khi chúng có được đảm bảo pháp lý đủ mạnh. Vì vậy, cùng với việc ghi nhận các quyền tự do dân chủ của công dân trong Hiến pháp thì nhà nước cần chú trọng tới việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền con người, nhất là việc xây dựng một hệ thống pháp luật tố tụng minh bạch, cụ thể và thuận tiện.
Trên các cơ sở pháp lý này, người dân có điều kiện tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình. Đây thực sự là một sự thay đổi rất đáng ghi nhận trong xã hội ta hiện nay. Nó phản ánh trong sự thay đổi trong nhận thức về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Nếu như trước đây, vẫn còn những suy nghĩ chưa đúng như: coi các quyền công dân là sự ban tặng của nhà nước và người dân chỉ hưởng những quyền này được khi dựa vào nhà nước…, thì ngày nay đã có những thay đổi trong quan hệ giữa nhà nước và cá nhân theo hướng: bình đẳng dân chủ có nghĩa vụ qua lại với nhau… Pháp luật không chỉ là phương tiện quản lý của nhà nước mà còn là phương tiện để người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trước sự xâm phạm của các cá nhân khác hay từ chính cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, xét trên bình diện quốc tế, pháp luật quốc gia bảo vệ quyền con người, quyền công dân còn được phản ánh thông qua sự hợp tác quốc tế. Trong thời gian qua, Việt Nam là một nước tích cực tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, qua đó làm phong phú thêm sự ghi nhận và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân.
Thứ tư, pháp luật góp phần cổ vũ, bảo vệ những quy phạm xã hội tốt đẹp, tiến bộ và hạn chế bài trừ những cái lạc hậu, phản động. Trong đời sống xã hội, các cá nhân, bên cạnh pháp luật thì còn chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm xã hội khác (tập quán, đạo đức…) Việt Nam lại là một nước phương Đông, những yếu tố mang tính truyền thống thường có sức sống lâu bền và chi phối con người rất mạnh, đồng thời sự tác động của chúng không
phải lúc nào cũng tương đồng với mục đích của pháp luật. Nhưng pháp luật với những thuộc tính đặc biệt mà các quy phạm xã hội khác không có (tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức, tính được đảm bảo bởi nhà nước) có khả năng tác động không chỉ tới các cá nhân mà còn tới cả các quy phạm xã hội khác. Sự tác động này thường có hai hướng cơ bản là: đối với những quy phạm xã hội phù hợp với yêu cầu của xã hội của nhà nước thì pháp luật thừa nhận khuyến khích chúng, còn đối với những quy phạm đã trở lên lỗi thời, mâu thuẫn với mục đích của nhà nước thì pháp luật hạn chế, đi dần đến việc loại bỏ chúng. Tuy nhiên, những tác động này phải phù hợp với những yêu cầu khách quan của xã hội chứ không phải là chủ quan duy ý chí, yêu ghét tùy tiện của nhà cầm quyền. Mặc dù trong nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vai trò trung tâm trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc loại bỏ hàng loạt những quy tắc xã hội khác. Sự thực thì nhà nước pháp quyền phải đạt được sự hài hòa tối đa giữa pháp luật và các quy phạm xã hội khác, tạo nên cơ chế tổng hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Bởi vì xã hội không thể và không nhất thiết phải điều chỉnh mọi mối quan hệ, trong nhiều trường hợp pháp luật cũng bộc lộ tính hữu hạn của nó. Từ thực tiễn sinh động của cuộc sống cho ta thấy, mỗi tầng lớp dân cư trong xã hội hay ở những vùng miền khác nhau, thường có những chuẩn mực và quy tắc sinh hoạt nhất định. So với pháp luật, những quy tắc xã hội trong các nhóm dân cư này thường có sự điều chỉnh nhanh nhậy, linh hoạt hơn. Đây chính là điều kiện tốt để mỗi nhóm dân cư trong xã hội đạt được sự cân bằng mà "sự bình ổn của từng cộng đồng nhỏ có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì trật tự, kỷ cương trên quy mô toàn xã hội" [13, tr. 148]. Từ đây ta thấy, việc khuyến khích những nhân tố hợp lý của đời sống xã hội cần được coi trọng, cũng như xác định cái gì đã trở thành hủ tục cần xóa bỏ. Đồng thời cũng cần thấy, những quy tắc xã hội này hạn chế là nương tựa vào sức mạnh của dư luận xã hội rất nhiều, nên càng ngày chúng ta càng cần có sự hỗ trợ hiệu quả từ một hệ thống pháp luật đầy đủ.