Đạo đức đã được pháp luật hóa ở mức độ nhất định

Một phần của tài liệu Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Trang 53 - 55)

Trong giai đoạn trước đổi mới, do nhiều nguyên nhân như nhận thức, tình hình chiến tranh… nên số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng còn rất hạn chế. Vì vậy, nhiều chuẩn mực đạo đức không có cơ hội được chính thức hóa về mặt pháp lý cũng như sự bảo đảm thực hiện bởi nhà nước. Hiện nay, thực tế đời sống đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải quản lý xã hội bằng pháp luật, công tác xây dựng pháp luật được đẩy mạnh. Đồng thời chúng ta cũng khẳng định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội nên bước đầu, nhiều giá trị đạo đức đã được phản ánh dưới hình thức pháp luật:

+ Về mặt nguyên tắc pháp luật:

Nhà nước ta xác định hệ thống pháp luật phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản như công bằng, dân chủ, nhân đạo… Ở đây, "ý chí của nhà nước (thể hiện trong pháp luật) và ý chí của xã hội (thể hiện trong đạo đức) gặp nhau", bởi vì trên đây "chính là những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất của con người" [50, tr. 191].

Hiến pháp 1992 với tư cách là đạo luật cơ bản của nhà nước đã có nhiều quy định phản ánh những giá trị đạo đức. Từ nền tảng là Hiến pháp, các đạo luật đã từng bước cụ thể hóa những nguyên tắc đạo đức vào lĩnh vực mình điều chỉnh như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em… Bên cạnh đó, trong sự điều chỉnh đặc thù với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế và các vẫn đề xã hội như: Luật bảo hiểm, Luật phá sản, Luật lao động, Luật bảo vệ môi trường, Luật sở hữu trí tuệ… Theo tác giả Lê Quang Thưởng thì: "không ai có thể phủ nhận nội dung, ý nghĩa đạo đức thiết thực của các luật này".

1.5.1.3.Được giao lưu với thế giới

Không phải đến thời kỳ đổi mới hiện nay, những chuẩn mực đạo đức của nhân loại mới hiện diện ở nước ta, nhưng trước đây do nhiều lý do mà trong những vấn đề đạo đức chúng ta chưa thực sự biết được một cách đầy đủ quan niệm, cách thực hiện ở các nước là như thế nào. Điều kiện toàn cầu hóa, giao lưu, hợp tác hiện nay tạo tiền đề thuận lợi để chúng ta được giao lưu với thế giới, có điều kiện để đối chiếu, so sánh mình với các nước, từ đó có cách nhìn toàn diện hơn, giúp cho xã hội Việt Nam đương đại có thể tiếp thu được những giá trị đạo đức cao quý của nhân loại.

Thời gian qua, những lĩnh vực nổi bật xuất hiện trong xã hội ta qua giao lưu quốc tế là: quyền con người, đạo đức môi trường, đạo đức nghề nghiệp, bảo về hòa bình… Lấy ví dụ về vấn đề quyền con người, theo các tác giả Hoàng Văn Hảo và Chu Hồng Thanh thì "ở nước ta, từ khi có công cuộc đổi mới… vấn đề quyền con người, quyền công dân mới được đặt vấn đề nguyên cứu một cách cơ bản" [18, tr. 10]. Đến nay, bước đầu vấn đề quyền con người đã thấm dần vào tư duy của xã hội, thể hiện ở chương trình hành động của các cơ quan nhà nước, các văn bản pháp luật cũng như những đòi hỏi chính đáng của người dân (như việc xã hội yêu cầu phải bãi bỏ những quy

định bất hợp lý của hộ khẩu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng …). Nhà nước cũng tham gia tích cực hơn vào các công ước quốc tế về vấn đề này (như việc hưởng ứng Liên Hợp Quốc lấy năm 1995 là năm của sự Khoan dung…). Thể hiện sự đồng thuận với các tuyên bố quốc tế tiến bộ như: các quyền con người là một vấn đề văn hóa đạo đức, hay quyền con người là nền tảng đạo đức của một nền văn minh thế giới…

Một phần của tài liệu Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Trang 53 - 55)