SỰ TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA

Một phần của tài liệu Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Trang 102 - 106)

- Mặt hạn chế

2.5.SỰ TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA

LĨNH VỰC VĂN HÓA

- Mặt tích cực

Theo quan điểm chính thống trong xã hội hiện nay, văn hóa được hiểu là toàn bộ thế giới tinh thần của xã hội bao gồm: tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa, giáo dục - khoa học, văn học nghệ thuật, thông tin đại chúng, tín ngưỡng tôn giáo, giao lưu văn hóa với các nước, các thể chế văn hóa và các thiết chế văn hóa. Thông qua các chức năng quan trọng như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí… văn hóa có một vai trò cực kỳ to lớn trong đời sống mỗi quốc gia, dân tộc. Đời sống văn hóa không chỉ là bộ mặt của mỗi quốc gia mà còn phản ánh trình độ phát triển, sức sống, bản lĩnh, thậm chí tương lai của một dân tộc. Ý thức được điều này, nhà nước ta xác định phải xây dựng được một nền văn hóa lành mạnh, giàu sức sống thì mới có điều kiện để bồi dưỡng con người Việt Nam phát triển toàn diện và tiến kịp với xu thế chung của nhân loại. Do đó, pháp luật với tư cách là phương tiện quản lý của nhà nước phải là nơi phản ánh rõ nét các giá trị đạo đức tiến bộ mà chúng ta hướng tới. Cụ thể là trong Hiến pháp 1992 đạo luật cơ bản của nhà nước đã xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (Điều 30), "nghiêm cấm những hoạt động văn hóa thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam" (Điều 33). Trên cơ sở những quy định này của Hiến pháp, trong từng lĩnh vực cụ thể, chúng ta đang dần xây dựng và ban

hành khung pháp lý một cách đầy đủ hơn. Tiêu biểu là những văn bản như Luật xuất bản, Luật báo chí, Pháp lệnh quảng cáo, Pháp lệnh thư viện… Trong những văn bản này, những văn bản nhằm ghi nhận, củng cố, bảo vệ các giá trị đạo đức bao giờ cũng được thể hiện rõ ràng. Ví dụ như trong Luật xuất bản 2004 rất cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, trong đó có những quy định như: "nghiêm cấm tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục… vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân" (Điều 10). Đối với các hoạt động biểu diễn đang bùng nổ trong xã hội Việt Nam hiện nay, các cơ quan chức năng đã có những văn bản, trong đó chứa đựng nội dung đạo đức rất rõ nét, điển hình là "Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp" ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT, ngày 02 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin. Quy chế này xác định biểu diễn là: "hoạt động đưa chương trình, tiết mục vở diễn đến với công chúng… nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức, lối sống, nâng cao dân trí thẩm mỹ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam" (Điều 4). Quy chế cũng đã liệt kê những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: "nghiêm cấm truyền bá tư tưởng phản, văn hóa đồi trụy… xuyên tạc lịch sử, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân… dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát của mình… hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn nhuộm lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù, trang phục hở hang lộ liễu" (Điều 3)… Thông qua những quy định như trên (mặc dù chúng ta cũng phải nghiêm túc nhận thấy là các quy định chưa thể bao quát hết được tình hình thực tế và không phải quy định nào cũng đã thực sự chặt chẽ, thuyết phục), bước đầu các giá trị đạo đức đã được ghi nhận trong văn bản pháp luật, được đảm bảo bằng chế tài và đã phát huy được tính định hướng đối với các hoạt động văn hóa, góp phần hạn chế ở mức độ nhất định

những ảnh hưởng tiêu cực vốn luôn tiềm ẩn trong cơ chế thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức. Tính năng động, tích cực của công dân được cổ vũ, cá tính, sở trường của cá nhân được khuyến khích, không khí dân chủ trong xã hội tăng lên.

Ở chiều hướng ngược lại, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như những giá trị đạo đức mới, tiến bộ đã trở thành những định hướng quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật và là cơ sở rất thực tế tạo thuận lợi cho các văn bản này được xã hội thực hiện. Chúng ta có thể lấy nhiều ví dụ như: bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam được xác định bao gồm các giá trị:

- Lòng yêu nước nồng nàn;

- Ý thức tự cường dân tộc;

- Tinh thần đoàn kết;

- Ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - tổ quốc;

- Lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý;

- Sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống [10, tr. 203]. Sự thực, đây chính là chuẩn mực đạo đức cao nhất, tiêu biểu nhất của con người Việt Nam, chúng là nền tảng vững chắc thúc đẩy mỗi người thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước đối với vấn đề có liên quan. Đơn cử như chính sách tương trợ xã hội, "lá lành đùm lá rách" trong cộng đồng để giúp nhau vượt qua khó khăn, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống… sẽ khó mà đạt được kết quả như hiện nay nếu không dựa trên nền tảng là lối sống trọng nghĩa tình đạo lý của dân tộc ta. Hay những quy định của Hiến pháp như: "công dân phải trung thành với Tổ quốc" (Điều 76), "chấp hành những quy tắc sinh hoạt cộng đồng" (Điều 79) được hỗ trợ rất nhiều từ ý thức của cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc của người dân Việt Nam…

- Mặt hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực, đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, phản ánh ở thực trạng vi phạm pháp luật và sa sút về đạo đức lối sống của một bộ phận dân cư. Từ thực trạng này nhìn vào mối quan hệ qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong lĩnh vực văn hóa, ta thấy:

Thứ nhất, về phía nhà nước và pháp luật, trong những năm đổi mới, trong khi tập trung sức lực vào các nhiệm vụ kinh tế, chúng ta chưa đặt đúng vị trí của văn hóa, chưa lường hết được những tiêu cực của nền kinh tế thị trường… nên việc ban hành hệ thống các văn bản pháp luật nhằm xây dựng thể chế văn hóa còn chậm và không ít thiếu sót. Công tác tổ chức ngành văn hóa chưa được kiện toàn kịp thời nên hiệu lực lãnh đạo và quản lý chưa cao, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa còn hạn chế dẫn đến hai thái độ cực đoan: một là bảo thủ giáo điều, không dám chấp nhận cái mới, thậm chí còn hiểu sai cái mới. Hai là buông lỏng quản lý, xử lý vụ việc thiếu nguyên tắc, ngụy biện, bao che cho những thói xấu mới nảy sinh… Từ những thiếu sót, khuyết điểm trên của cơ chế pháp luật đã tạo ra nhiều kẽ hở để những đối tượng xấu lợi dụng vi phạm pháp luật, đồng thời xâm phạm đến các giá trị đạo đức. Thời gian qua đã ghi nhận những việc làm sai trái của một số người xuất phát từ sự lỏng lẻo của cơ chế, yếu ớt về chế tài như nạn sản xuất băng đĩa lậu, in sách lậu tràn lan, "đạo" nhạc, "đạo" tranh, "đạo" văn, hát nhép, văn hóa phẩm độc hại hoành hành…

Thứ hai, về phía đạo đức, trong những năm qua, cơ chế thị trường vận hành, sự giao lưu, mở cửa với các nước, bên cạnh những mặt tốt thì cũng có không ít mặt tiêu cực tác động làm biến dạng các giá trị và hành vi đạo đức rất đáng lo ngại. Về tư tưởng, lối sống, "tệ sùng bái nước ngoài, coi thường các giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì tiền

và danh vị sẵn sang chà đạp tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp" từ đó dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nổi cộm là các loại tội phạm về kinh tế, tội phạm ma túy… các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, nhiều hủ tục trỗi dậy… làm cho hiệu lực quản lý của pháp luật trong những lĩnh vực này bị giảm sút. Đặc biệt, trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước cũng xuất hiện những biểu hiện rất đáng lo ngại như quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, cục bộ địa phương, bè phái, ăn chơi lãng phí… dần dần đi vào con đường phạm pháp, làm cho nhân dân bất bình, chán nản, làm sứt mẻ uy tín của cơ quan công quyền… Trong văn học, nghệ thuật, thông tin đại chúng xuất hiện xu hướng "thương mại hóa", chạy theo lợi nhuận dẫn đến nhiều tiêu cực trong xuất bản, in ấn, cá biệt có cả những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, câu kết với tội phạm có tổ chức đặc biệt nguy hiểm hoặc có trường hợp nhà báo tống tiền doanh nghiệp bằng cách dọa đăng bài bất lợi cho doanh nghiệp đó, bị bắt quả tang khi đang nhận tiền… Thực trạng nêu trên đặt ra cho xã hội ta những yêu cầu phải có những giải pháp đồng bộ và kiên quyết nhằm từng bước loại bỏ những biểu hiện sai trái, xây dựng đời sống văn hóa xã hội ngày càng văn minh.

Một phần của tài liệu Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Trang 102 - 106)