Đặc điểm của tự do hoá thương mại hiện nay

Một phần của tài liệu Khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ tiến trình và triển vọng thành lập (Trang 25 - 32)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2.Đặc điểm của tự do hoá thương mại hiện nay

Nhiều nghiên cứu gần đây về mối liên hệ giữa tự do hoá thương mại và phát triển đã cho thấy, tuy chính sách thương mại là một công cụ thúc đẩy phát triển quan trọng, nhưng sự phối hợp với các chính sách khác mới là cốt yếu. Các chính sách trong nước nhằm thu hút đầu tư, cải thiện nguồn nhân lực và thúc đẩy điều chỉnh về tổ chức là cần thiết đối với các nước nhằm khai thác triệt để cơ hội của tự do hoá thương mại, và chúng phụ thuộc cơ bản vào cam kết của các chính phủ. Một trong những lý do giải thích tại sao nhiều nước đang phát triển lại theo đuổi tự do hoá thương mại, theo đuổi các hiệp định thương mại với các nước phát triển là do họ thấy được đó là cơ hội để thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Quá trình tự do hoá thương mại là quá trình dỡ bỏ dần dần mọi rào cản đối với thương mại, bao gồm thuế quan và phi thuế quan, trước hết nhằm đạt được sự đối xử công bằng giữa hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước với hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài, giữa các nhà sản xuất trong

nước với những nhà sản xuất nước ngoài, và sau cùng là đạt được chế độ thương mại tự do.

Do thế giới chưa sẵn sàng cho một chế độ thương mại tự do đa phương, nên các chương trình tự do hoá thương mại khu vực đang chiếm ưu thế, trong các chương trình đó, các nước không chỉ quan tâm đến việc dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại, mà còn tiến hành những cải cách nhằm thuận lợi hoá thương mại. Đặc biệt là các chương trình cấp thấp hơn, khu vực hoặc đơn phương, thường được thiết kế nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quá trình xây dựng hệ thống thương mại đa phương trong phạm vi WTO.

Ngày nay, do đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế, tự do hoá thương mại được diễn ra rộng khắp trên phạm vi toàn thế giới, trong đó các nước đang phát triển là những chủ thể tích cực của quá trình này. Cho đến cuối những năm 1980, cải cách chính sách thương mại theo hướng tự do hoá đã được tiến hành ở nhiều nước đang phát triển. Từ cuối những năm 1980, đặc biệt khi chiến tranh lạnh kết thúc, có nhiều lý do khác nhau buộc các nước đang phát triển phải quan tâm hơn đến việc tăng cường liên kết kinh tế quốc tế. Đó là sự phát triển, những thay đổi trong thương mại quốc tế và vai trò ngày càng cao của nó đối với tăng trưởng kinh tế, gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thị trường vốn, thay đổi trong lĩnh vực công ăn việc làm và tiền lương tương đối, cũng như những thay đổi trong làn sóng di dân trên thế giới.

Trong những thập kỷ gần đây, thương mại quốc tế được phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng năm thường cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, có lúc tăng gấp đôi, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thương mại của các nước đang phát triển từ cuối những năm 1980 đã vượt qua tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển. Thực tế đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô khác, như công ăn việc làm, nâng cao mức sống... ở các nước này. Điều đó đã làm gia tăng vai trò của thương mại đối với tăng trưởng kinh tế, được thể hiện thông qua mối

tương quan giữa kim ngạch ngoại thương và GDP. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu về vốn và công nghệ cho phát triển kinh tế, các nước đang phát triển càng cần liên kết chặt chẽ hơn vào các thị trường vốn quốc tế.

Một yếu tố khác làm gia tăng mức độ liên kết của các nước đang phát triển vào nền kinh tế thế giới là sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế, từ đó cơ cấu việc làm ở các nhóm nước khác nhau trên thế giới cũng thay đổi. Ở các nước phát triển, việc chuyển sang nền kinh tế tri thức đã làm gia tăng nhu cầu về lao động có tay nghề cao và chuyển các ngành công nghiệp cần nhiều lao động sang các nước đang phát triển. Để tranh thủ được những kinh nghiệm của các nước phát triển thì phương án tốt nhất cho các nước đang phát triển là tham gia tích cực hơn vào các phân công lao động quốc tế và liên kết kinh tế quốc tế.

Xuất phát từ sự cần thiết phải đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế trong nước, từ cuối những năm 1980, các nước đang phát triển đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc tham gia sâu hơn vào quá trình liên kết kinh tế quốc tế, thông qua việc tăng cường tự do hoá kinh tế và hội nhập khu vực, quốc tế. Họ đã thực sự trở thành những chủ thể tích cực trong quá trình này. Nhiều chương trình tự do hoá thương mại đơn phương đã được tiến hành ở các nước Trung Mỹ, Trung Đông Âu, Nam Á và châu Phi. Các nước đang phát triển đã tham gia vào nhiều chương trình tự do hoá thương mại khu vực, thông qua việc thành lập các khu mậu dịch tự do giữa họ với nhau và giữa họ với các nước phát triển.

Một đặc điểm nổi trội khác của tự do hoá thương mại là sự chiếm ưu thế của các chương trình tự do hoá thương mại khu vực. Cho đến tháng 6/2002 khoảng 250 Hiệp định thương mại khu vực đã đăng ký, trong đó có 129 Hiệp định đăng ký sau 1/1/1995. Hầu như mỗi nước đều tham gia tối thiểu vào một Hiệp định kiểu như vậy. Bên cạnh những biện pháp về giảm dần các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại, các nước

tham gia còn đưa ra những cam kết về hài hoà hoá các thủ tục hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như những vấn đề liên quan đến việc điều tiết chúng, đưa ra các quan điểm thống nhất về các hàng rào phi thuế quan, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến xu hướng hình thành hàng loạt các Hiệp định thương mại khu vực:

a, Đó là sự gần gũi về địa lý. Đây là nguyên nhân mang tính khách quan thúc đẩy các nước tham gia vào các Hiệp định thương mại khu vực. Các nước thành viên cho rằng thông qua các hiệp định này, thương mại giữa các nước thành viên sẽ gia tăng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất địa phương muốn vươn ra thị trường thế giới.

b, Thông qua việc ký kết Hiệp định thương mại khu vực có thể giảm bớt được những căng thẳng về chính trị giữa các nước thành viên và chống lại những mối đe doạ từ bên ngoài. Ví dụ minh chứng cho kết luận này là trường hợp giữa Pháp và Đức trong EU (việc tham gia vào liên minh châu Âu đã làm giảm đến mức tối thiểu nguy cơ bùng nổ chiến tranh dưới bất kỳ dạng nào), giữa Brazil và Argentina trong MERCOSUR (mối hiềm khích giữa hai nước đã được xoá bỏ khi họ tham gia vào khối mậu dịch này)...

c, Đáp ứng nhu cầu của các nước về một thể chế thương mại đa phương trong điều kiện các vòng đàm phán của WTO chưa đạt kết quả mong đợi, hay nói cách khác các khối, hiệp định thương mại khu vực giữ vai trò bổ sung chứ không phải thay thế hệ thống thương mại toàn cầu.

d, Việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương là bước thử nghiệm để các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, tham gia vào hệ thống tự do hoá thương mại toàn cầu. Trong khi điều kiện thế giới chưa sẵn sàng cho thương mại tự do ở mức toàn cầu thì việc tham gia vào một hiệp định thương mại khu vực nào đó, các nước thành viên sẽ có cơ hội làm quen

với tự do hoá ở cấp cao hơn và từ đó có kinh nghiệm để tham gia vào hợp tác đa phương.

Hiện nay, các hiệp định thương mại tự do khu vực ngày càng thể hiện tác động hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu. Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa khu vực hoá và toàn cầu hoá, để xác định xem liệu khu vực hoá cản trở hay thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại toàn cầu. Dựa trên thực tế về sự gia tăng sản lượng và thu nhập thế giới liên tục trong suốt thời gian sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và gắn liền với nó là sự gia tăng vượt bậc của thương mại quốc tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, có thể thấy rõ tầm quan trọng của một hệ thống thương mại đa phương đối với hầu hết tất cả các nước trên thế giới. Vì thế, thông qua các cam kết về tự do hoá thương mại đơn phương (các nước có thể đạt được chế độ thương mại tự do một cách đơn phương thông qua việc xoá bỏ mọi rào cản đối với hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu từ tất cả các bạn hàng của mình hoặc từ những bạn hàng nhất định) hoặc trong các tổ chức thương mại khu vực, các nước này đều hướng tới việc xây dựng nó trong tương lai.

Sở dĩ có thể nhận định như vậy vì:

Thứ nhất, các cam kết thương mại đều có liên quan đến việc cắt giảm

các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Thứ hai, do tác động thúc đẩy của các khối thương mại khu vực (như trên đã đề cập, theo lý thuyết hội nhập kinh tế khu vực thì khi một khối thương mại khu vực được thành lập, ngoài tác động tạo dựng thương mại và chuyển hướng thương mại, nó còn tạo nên tác động biến cải thương mại, tức làm tăng hoặc giảm thương mại với các nước ngoài khu vực. Điều này kích thích các nước không phải là thành viên xin gia nhập các khối thương mại đang tồn tại hoặc thành lập thêm các khối mới, nếu muốn gia tăng trao đổi thương mại với bên ngoài). Thứ ba, WTO có vai trò như là một chính sách quốc tế về vấn đề khu vực hoá. Trong các quy

định của mình GATT/WTO đã thể hiện rõ các nước thành viên có thể thành lập các khối thương mại khu vực, song chúng cần phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn, đó là: 1, xét về tổng thể, không được gia tăng mức độ bảo hộ chống lại các nước không phải là thành viên; 2, phải giảm mức thuế quan nội bộ xuống đến 0% và xoá bỏ tất cả các rào cản thương mại khác trong một thời hạn nhất định (thường là 10 năm), ngoại trừ những rào cản được chấp nhận theo các quy định của GATT/WTO và phải bao trùm lên hầu như tất cả mọi sản phẩm trao đổi; 3, các khối kinh tế - thương mại khu vực ngày nay chú trọng nhiều hơn đến tác động tạo dựng thương mại so với tác động chuyển hướng thương mại. Hiện tại, các khối liên minh khu vực quan trọng như EU, NAFTA đã đáp ứng rất tốt các chỉ tiêu này của WTO và chúng sẽ là nền tảng của hệ thống thương mại đa phương sau này.

Gần đây, các hiệp định thương mại tự do có xu hướng mở rộng phạm vi thành viên và mở rộng lĩnh vực. Các hiệp định trước đây chú trọng việc đối xử ưu tiên trong trao đổi hàng hoá như xoá bỏ thuế đánh vào các hàng chế tạo và hàng nông sản, nhưng những hiệp định gần đây lại phát triển theo hướng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư và dịch vụ, đồng thời bao hàm các qui định thương mại như chính sách cạnh tranh, chống phá giá, quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục hành chính...

Thực tiễn phát triển của các hiệp định thương mại tự do cho thấy, sự phân bố các hiệp định thương mại khu vực khác nhau giữa các khu vực với hơn 50% số RTA tập trung ở khu vực Tây Âu và Địa Trung Hải, tiếp đến là ở châu Mỹ và Đông Âu. Riêng các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực trước đây được nhìn nhận là không có các hiệp định thương mại khu vực, gần đây cũng bắt đầu tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến các hiệp định kiểu này. Đặc biệt sau khi Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương APEC được thành lập, một loạt các sáng kiến thiết lập khu vực mậu dịch tự do đã phát triển mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý nhất là Khu vực

mậu dịch tự do của các nước ASEAN - AFTA, Khu vực mậu dịch tự do giữa Australia và New Zealand - ANZERTA. Cùng với các FTA khu vực, các FTA song phương cũng được triển khai ồ ạt ở nhiều cấp độ khác nhau, đó là các FTA giữa quốc gia với quốc gia, giữa quốc gia với khu vực kinh tế (điển hình là Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (IAFTA), Hiệp định đối tác kinh tế ASEAN - Nhật Bản (AJEPA).

Ở châu Âu, châu Âu đặc biệt rất năng động trong chủ nghĩa khu vực và cũng là khu vực đi đầu trong việc thiết lập mô hình khu vực kinh tế, là khu vực có nhiều thoả thuận thương mại có tính khu vực nhất. Liên minh châu Âu (EU) luôn đóng vai trò là chủ thể tích cực nhất trong việc triển khai các FTA song phương và khu vực, EU không chỉ mở rộng số lượng thành viên tới các nước ở Trung Âu, Đông Âu mà còn dự định xây dựng hiệp định thương mại tự do song phương với các nước vùng Địa Trung Hải vào năm 2010.

EC mà sau này là EU đã thành công trong liên kết kinh tế khu vực thông qua hình thành các hiệp định thương mại tự do khu vực và phát triển thành liên minh thuế quan, rồi liên minh kinh tế và chính trị. Những nỗ lực liên kết khu vực đầu tiên ở châu Âu được triển khai ngay sau khi kết thúc Thế chiến II với sự ra đời của OEEC (sau này là OECD) năm 1948, sau đó là Hội đồng châu Âu (CE) năm 1949. Bước ngoặt quan trọng là việc ký kết Hiệp ước Pari 1952, tạo cơ sở cho sự ra đời của Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) cũng trong năm đó. Các Hiệp ước và Thoả ước hội nhập khu vực quan trọng trong suốt nửa cuối thế kỷ 20 đã đưa đến sự ra đời của Công đồng kinh tế châu Âu (EEC), rồi Cộng đồng châu Âu (EC) và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài khung khổ EU còn có những nỗ lực liên kết kinh tế của một số quốc gia châu Âu với nhau như nhóm các nước Bắc Âu hay các quốc gia trung lập. Với sự gia nhập của Romania và Bularia đầu 2007, đến nay EU đã

có 27 nước thành viên với tổng diện tích 4.325.675 km2

với 496 triệu dân, GDP đầu người ước đạt 28.100 USD/ năm.

Ở khu vực châu Mỹ, làn sóng FTA diễn ra chủ yếu dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Mỹ chuyển hướng mạnh sang liên kết khu vực và song phương từ giữa thập kỷ 1980, đầu thập kỷ 1990: Ký FTA với Canada, rồi NAFTA, với Chile... và hơn 300 hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống B.Clinton (1993-2000). Các nỗ lực hình thành FTA song phương đặc biệt mạnh mẽ dưới thời Tổng thống George W. Bush với chiến lược "competitive liberalization" - tạo ra cạnh tranh, đua tranh trong các sáng kiến tự do hoá thông qua một loạt các thoả thuận song phương - thuật ngữ do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick của Chính quyền Bush đưa ra. Từ năm 1994, Mỹ đã và đang thúc đẩy việc hình thành một Khu vực thương mại tự do toàn châu Mỹ (FTAA) gồm 34 nước thành viên.

Một phần của tài liệu Khu vực mậu dịch tự do châu Mỹ tiến trình và triển vọng thành lập (Trang 25 - 32)