7. Kết cấu của luận văn
1.3.1. Khái quát tiến trình liên kết kinh tế Mỹ Latinh
Từ lâu, các nước Mỹ Latinh đã nhận thức được rằng, một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng bất ổn định của nền kinh tế khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào kinh tế phương Tây, Bắc Mỹ và hạn chế những tác động tiêu cực của các nhân tố bên ngoài, là thực hiện liên kết khu vực, thiết lập những khối kinh tế trên cơ sở liên kết những tiềm lực kinh tế và phát huy những ưu thế của từng khối. Ngay từ cuối thập kỷ 1940, liên kết kinh tế khu vực đã được nhìn nhận là công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá. Các chuyên viên Uỷ ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribbe (ECLAC) được coi là các nhà tư tưởng của quá trình liên kết kinh tế khu vực thời kỳ này. Họ cho rằng hợp tác kinh tế chung toàn khu vực Mỹ Latinh sẽ góp phần củng cố sự độc lập về kinh tế cho cả khu vực cũng như cho nền kinh tế của
mỗi nước. Họ lập luận rằng cùng với cơ sở khu vực nhà nước tương đối mạnh và tài nguyên tích luỹ được và sự hỗ trợ của chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu, thì hợp tác kinh tế toàn khu vực sẽ góp phần thực hiện cải tổ cơ cấu kinh tế khu vực và làm thay đổi địa vị truyền thống của Mỹ Latinh trong hệ thống phân công lao động quốc tế vốn bất lợi cho họ. Tuy ý tưởng này nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của nhiều nhà hoạt động chính trị và xã hội có ảnh hưởng lớn ở khu vực nhưng trên thực tế, lịch sử liên kết kinh tế Mỹ Latinh chính thức khởi đầu vào thập kỷ 1960 với sự ra đời của Hiệp hội mậu dịch tự do Mỹ Latinh (LAFTA) trên cơ sở Hiệp ước Montevideo. Cho đến năm 1968 LAFTA gồm có 10 nước Nam Mỹ (Argentina, Brazil, Bolivia, Chile, Colombia, Equador, Paraguay, Peru, Uruguay, Venezuela) và một nước Bắc Mỹ là Mexico. Lựa chọn đàm phán tuỳ theo ý thích của các nước thành viên hơn là giảm tự động thuế quan khiến LAFTA thành một chương trình mở phát triển tương đối tốt đẹp trong những năm đầu. Trong thập niên liên kết đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, mậu dịch nội bộ khu vực tăng khá nhanh. Các nước thành viên đã soạn thảo được một số dự án đầu tư chung, trước hết là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cơ sở và đã tiến hành tự do hoá một số tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, LAFTA mất động lực từ năm 1965, và hầu như trì trệ trong những năm 1970. Mặc dù khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên, khoảng cách giữa mục tiêu ban đầu và kết quả đạt được còn quá lớn. LAFTA được chuyển tên thành Hiệp hội liên kết Mỹ Latinh (LAIA) vào năm 1980. LAIA được sử dụng như phương thức khác nhằm thúc đẩy hội nhập. Thay cho khu vực mậu dịch tự do được tạo ra bởi LAFTA, một khu vực ưu tiên kinh tế được thiết lập tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các đề xuất song phương, như cơ sở ban đầu cho thể chế quan hệ đa phương tại Mỹ Latinh. Theo tinh thần mới của Hiệp ước Montevideo (Hiệp ước này được điều chỉnh vào năm 1980), các nước thành viên được phép kí kết các hiệp định thương mại với một số nước hoặc
thậm chí với một nước (khác với Hiệp ước này năm 1960 đã đưa ra một chế độ thuế quan cứng nhắc, đó là các loại thuế quan phải được qui định xuất phát từ nguyên tắc tối huệ quốc đối với tất cả các thành viên LAFTA, điều kiện này là một trở ngại lớn trong tiến trình liên kết). LAIA vì vậy tạo tính khả thi cho các thoả thuận và hành động chung giữa các nước trong khu vực cho tới khi đã xoá bỏ những quan hệ hạn chế ban đầu. Tuy nhiên, việc thiết lập một thị trường chung vẫn là mục tiêu lâu dài.
Liên kết tiểu khu vực Trung Mỹ:
Sự kiện 5 nước Trung Mỹ: Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Nicaragua và Honduras ký Hiệp định về hợp tác kinh tế vào năm 1951 đã đánh dấu sự khởi đầu rất sớm của xu hướng liên kết tiểu khu vực ở Mỹ Latinh. Mục tiêu của các nước là thực hiện sự liên kết giữa các nền kinh tế, xây dựng một thị trường rộng lớn thông qua việc tạo lập các thiết chế và từng bước tự do hoá việc trao đổi mậu dịch ở khu vực này. Công ước về Chế độ liên kết công nghiệp Trung Mỹ ký năm 1958 và Công ước về cung ứng các thiết bị nhập khẩu năm 1959 đã mở đường cho qúa trình hình thành khu vực mậu dịch tự do, thiết lập một hệ thống thuế quan thống nhất ở Trung Mỹ. Đây cũng là tiền đề dẫn đến sự ra đời của Thị trường chung Trung Mỹ (CACM) năm 1960, thực hiện sự trao đổi tự do về hàng hoá, vốn, lao động trong nội bộ khối với một chính sách thuế quan chung trong buôn bán với các nước ngoài khối. Trong những năm đầu, CACM đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên cho đến đầu thập kỷ 1980, trong quá trình đối phó với những khó khăn bên trong và bên ngoài (khủng hoảng kinh tế, năng lượng, tiền tệ thế giới, khủng hoảng nợ…) những cam kết về liên kết đã không được các nước tôn trọng và tiến trình liên kết gần như hoàn toàn bị quên lãng.
Thị trường chung Andean (ANDEAN)
Thị trường chung Andean được thành lập ngày 26 tháng 5 năm 1969 theo Hiệp ước Cartahena (Cartagena) gồm Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru,
một số nước sau đó gia nhập thêm: Venezuela (1973), Chile (1976). Đây là tổ chức đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh nhằm xoá bỏ sự khống chế của tư bản nước ngoài đối với nền kinh tế khu vực. Mục đích chính của Nhóm Andean là chuẩn bị cho quá trình liên kết Mỹ Latinh bằng cách xây dựng một tiểu vùng kinh tế có tầm quan trọng ngang với các nước dẫn đầu của LAFTA (Argentina, Brazil, Mexico). Thực tế, nhóm này đã có nhiều tiến bộ hơn so với LAFTA, ngoài việc tự do hoá mậu dịch nội bộ dưới hình thức trực tiếp không cần thương lượng trước, các nước thành viên chủ trương thiết lập một liên minh thuế quan, thi hành một biểu thuế quan chung trong buôn bán với các nước thứ ba. Nhóm Andean cũng đã kí nhiều hiệp định kinh tế và hợp tác với nhiều nước Mỹ Latinh và châu Âu, với Hoa Kỳ và Thị trường chung châu Âu. Năm 1983, nhóm này đã thông qua một tuyên bố về sự phối hợp lập trường với nhau trong các vấn đề kinh tế tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế cũng giống như Thị trường chung Trung Mỹ, trước những khó khăn trong cũng như ngoài khối trong những năm 1970 và 1980, khối này đã ở trong trạng thái đình trệ trong một thời gian khá dài.
Thị trường chung Caribbe (CARICOM)
Khối thị trường chung Caribbe thành lập năm 1973 gồm 13 nước thành viên. Caricom đề ra ba loại hình hoạt động là: liên kết kinh tế, hợp tác điều hành trên các lĩnh vực phi kinh tế và phối hợp chính sách đối ngoại giữa các nước thành viên. Vừa mới ra đời khối này đã phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Suy thoái kinh tế, nợ nước ngoài gia tăng khiến các nước áp dụng các biện pháp chính sách đi ngược lại với mục tiêu của liên kết: tăng thuế nhập khẩu, dựng các hàng rào bảo hộ thị trường nội địa… do đó đa số các chương trình, mục tiêu liên kết để phát triển của Caricom đã lần lượt bị chết yểu.
MERCOSUR ra đời ngày 26 tháng 3 năm 1991 gồm bốn nước thành viên Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay với mục đích xoá bỏ mọi hàng rào thuế quan, tạo một khu vực buôn bán tự do, thúc đẩy phát triển kinh tế các nước thành viên, nhằm đối phó với các tác động tiêu cực và mặt trái của xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Sự ra đời của MERCOSUR đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình liên kết ở Nam Mỹ. Sau khi xoá bỏ thuế quan cho 90% số hàng hoá buôn bán qua lại nội khối và áp dụng mức thuế quan thống nhất cho 85% số mặt hàng nhập từ nước thứ ba, MERCOSUR ký Hiệp định mậu dịch tự do với Chile tháng 6-1996, Bolivia tháng 3 năm 1997 và trở thành khối liên kết kinh tế lớn thứ ba thế giới sau EU và NAFTA. Cuối những năm 1990, MERCOSUR chiếm 59% diện tích địa lý, 62% số dân, 70% GDP, 67% kim ngạch ngoại thương và sản phẩm công nghiệp khu vực Nam Mỹ. Trong thời gian từ năm 1990 đến 1997, tổng kim ngạch buôn bán nội khối tăng bình quân 22%/ năm, từ 4,1 tỷ USD lên 20,8 tỷ USD; đầu tư nước ngoài tăng bình quân 33%/năm và kim ngạch ngoại thương tăng lên từ 9 lên 25%. Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của Argentina (1998-2002) đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước thành viên khác như Brazil, Paraguay và hoạt động thương mại, đầu tư vào khu vực MERCOSUR. MERCOSUR đang xúc tiến các vòng đàm phán tiến tới thống nhất tổ chức này với Cộng đồng các quốc gia vùng Andes (CAN)... thành thị trường chung Nam Mỹ.
Xem xét lại lịch sử hội nhập kinh tế tại Nam Mỹ cho thấy một mặt MERCOSUR là thành quả lịch sử tự nhiên của quá trình hội nhập kinh tế - chính trị tại Mỹ Latinh, gồm LAFTA và LAIA, và tiếp đó là hiệp định song phương PICE, đồng thời cũng là một sự điều chỉnh với môi trường chính trị đương đại. Tiến trình chính trị thông qua đó MERCOSUR được thiết lập và củng cố làm gợi lại chiến lược và những mong muốn hợp tác trong nỗ lực hội nhập của Mỹ Latinh. Mặc dù nguồn gốc của MERCOSUR được thiết lập
vững chắc theo yêu cầu lâu dài về qúa trình hội nhập kinh tế khu vực, hình thức và thời hạn phát triển của nó rõ ràng chịu ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế và chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng về chính sách kinh tế tự do mới và thị trường tự do đương đại. Do vậy, MERCOSUR đại diện cho tập hợp chính sách công khai hiện tại xác định môi trường cạnh tranh mới cho thương mại tại Nam Mỹ.
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 (vào ngày 5/7/2006) của Khối thị trường chung Nam Mỹ ở Caracas (Venezuela), Venezuela đã được chính thức công nhận là thành viên thứ năm của khối. Tổng thống Bolivia cũng tham gia lễ ký này với tư cách quan sát viên. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của MERCOSUR nói riêng và tiến trình liên kết, hợp tác khu vực Mỹ Latinh nói chung. Theo Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thì đây là bước khởi đầu tiến tới thành lập một khu vực mậu dịch tự do Nam Mỹ thống nhất và tự do. Với việc kết nạp thêm Venezuela, MERCOSUR trở thành một thị trường khu vực đầy tiềm năng với gần 260 triệu người tiêu dùng, tạo ra một thị trường có giá trị tổng sản phẩm khu vực lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD, tương đương 3/4 tổng giá trị hoạt động kinh tế của khu vực Nam Mỹ, thương mại nội khối sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, thất bại lớn của MERCOSUR là việc khối này không có khả năng hội nhập hoàn toàn nền kinh tế của các nước thành viên. Những xung đột thương mại căng thẳng nhất đã nổ ra giữa Brazil, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ với Argentina, nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ. Các ưu tiên trái ngược nhau cũng khiến các nước thành viên của MERCOSUR không thể tạo được một mặt trận thống nhất trong các cuộc thương lượng với Mỹ về thoả thuận FTAA (Thông tấn xã Việt Nam: Tin kinh tế 17/12/2004). Ví dụ, mặt hàng đường đã không được đưa vào các thoả thuận của MERCOSUR vì Argentina muốn bảo vệ ngành sản xuất của họ, kết quả là đề nghị của MERCOSUR về vấn đề nông nghiệp trong các cuộc đàm phán thành lập
FTAA không có mặt hàng đường, mặc dù Brazil rất muốn tăng lượng đường xuất khẩu.
Như vậy, sự gia tăng gần đây trong các thoả thuận, các hiệp định thương mại khu vực ở Mỹ Latinh thể hiện một thời đại mới của quá trình mở cửa trong khu vực này. Các thay đổi này là những bước đi đầu tiên để hướng các nước trong khu vực trở thành các chủ thể quan trọng trước hết là trong châu lục này sau đó là trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Luận điểm này dựa trên bốn quan điểm chính: Trước hết, các thoả thuận này cho thấy sự thay đổi trong thay thế cơ chế phát triển từ đóng cửa thành sự kết nối mở. Thứ hai, các nước Mỹ Latinh đang sử dụng tư cách thành viên của mình trong các hiệp định thương mại khu vực như một chiến lược để đạt được nhiều lợi thế trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và WTO. Động cơ mang tính chiến lược này dẫn đến quan điểm thứ ba cho rằng quan tâm lớn
nhất của các nước này chính là tạo lập các khối khu vực “mở”. Theo Prome Braga thì một khối thươmg mại được gọi là “mở” khi các rào cản thương mại và đầu tư đối với các nước không phải thành viên không tăng và các nước thành viên mới được phép tham gia nếu như họ nhất trí với những quy định tương tự như các thành viên hiện thời. Cuối cùng, quan điểm thứ tư là thủ tục hành chính phát sinh từ các thoả thuận thương mại khu vực có thể giúp các nước tham gia hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường toàn cầu. Đây là một quan điểm thực tế. Chẳng hạn như sự thành thạo trong các cuộc thương thuyết theo lĩnh vực triển khai ở cấp độ khu vực được vận dụng ở cấp độ đa phương. Qua khái quát tiến trình liên kết kinh tế Mỹ Latinh trên có thể rút ra được những đặc điểm chung sau:
Thứ nhất, quá trình liên kết kinh tế ở Mỹ Latinh có một lịch sử khá lâu
dài và trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có nhiều dự án liên kết khu vực cũng như tiểu khu vực bị đình trệ, hay đi vào bế tắc, chẳng hạn như ANDEAN, CARICOM.
Thứ hai, ở nhiều nước Mỹ Latinh liên kết được tiến hành song song với
tự do hoá thương mại đơn phương, thậm chí ở một số nước tự do hoá thương mại đơn phương lại được tiến hành trước khi các nước gia nhập vào các khối liên kết khu vực và tiểu khu vực.
Thứ ba, mục tiêu của các khối liên kết đều vượt quá phạm vi hình thành
các khu vực tự do thương mại. Các khối liên kết tiểu khu vực ở Mỹ Latinh mặc dù có mức độ liên kết khác nhau nhưng nói chung đều hoạt động với tư cách là các liên minh thuế quan.
Thứ tư, liên kết kinh tế được tiến hành để đáp lại những thách thức cũng như những điều kiện cạnh tranh do quá trình toàn cầu hoá mang lại. Các sáng kiến khu vực hoá được coi là yếu tố bổ sung cho công cuộc cải cách kinh tế, là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển ở các nước này.
Tuy nhiên, rõ ràng là với những khối liên kết trên, việc thực hiện các mục tiêu đề ra là khó khăn, có sự trì trệ và suy giảm so với mục tiêu liên kết ban đầu.