Đầu tư vào doanh nghiệp là đầu tư cho tương lai và NĐT khi tham gia mua cổ phiếu chưa niêm yết đều thừa nhận thị trường OTC vẫn mang nhiều yếu tố rủi ro, có tính chất ăn theo, biến động khôn lường và phản ứng nhanh hơn thị trường chứng khoán tập trung [19].
Ngoài việc nhà đầu tư gặp các loại rủi ro mang yếu tố chủ quan như mua phải cổ phiếu giả, dễ gặp phải các tranh chấp cổ tức, quyền mua cổ phiếu, biến động về giá, và hình thức thanh toán thì còn có những rủi ro khách quan khác mà đôi khi nhà đầu tư không lường trước được.
Thứ nhất: Rủi ro thị trường, đó là những biến động giá cả trên thị trường chẳng hạn như việc giá nhiên liệu tăng giảm thất thường sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh
nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất sử dụng nhiều nhiên liệu… hoặc gián tiếp đội chi phí của hầu hết doanh nghiệp điều này làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể chuyển giao một phần chi phí vào sản phẩm trong khi đó Chính phủ đang thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát nên việc tăng giá sản phẩm đầu ra phải có một lộ trình thích hợp tức là giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp giảm đi so với lúc ban đầu.
Điều này tác động đến tâm lý của nhà đầu tư rất lớn. Tâm lý này ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán tập trung và thị trường chứng khoán chưa niêm yết. Sự biến động này có thể theo hai xu hướng: một là, làm cho giá chứng khoán chưa niêm yết tăng nhanh và liên tục trong thời gian dài, vượt xa giá trị thực của nó (hiện tượng "bong bóng chứng khoán"); hai là, làm cho giá chứng khoán sụt giảm dưới mức giá trị thực của nó do nhà đầu tư đua nhau bán tháo chứng khoán khiến cho thị trường chứng khoán bị chao đảo [31].
Thứ hai: Rủi ro do mất giá. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất của Nhà
nước cũng như tỷ giá hối đoái thay đổi cũng đã tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán chưa niêm yết [37]. Lãi suất thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, tivi, internet dễ dàng được người tiêu dùng biết đến và thật sự nó có một tác động rộng lớn khác nhau đối với cả nền kinh tế.
Khi lãi suất tăng, hiệu ứng tổng thể là nó sẽ làm giảm lượng cung tiền nhằm mục đích duy trì lạm phát ở mức thấp. Nó cũng làm cho việc vay tiền của các cá nhân và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn, nó có tác động đến hành vi tiêu dùng của các cá nhân và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp khiến cho thu nhập thấp hơn và cuối cùng là nó có khuynh hướng làm cho thị trường chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư [30].
Thứ ba: Rủi ro do các sự kiện ngẫu nhiên, bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Bên cạnh đó các yếu tố như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tỷ lệ nhập siêu, dòng vốn FDI, sự thay đổi chính sách pháp luật của Nhà nước cũng tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán chưa niêm yết làm cho kỳ vọng về một khoản lợi nhuận của nhà đầu tư khi tham gia thị trường không như ban đầu đã làm giảm đi tính thanh khoản của các cổ phiếu này.
Thứ tư: Rủi ro lưu thông. Đây là rủi ro do cổ phiếu chưa niêm yết trong giai đoạn này còn chịu tác động của thị trường niêm yết theo kiểu "nước lên thì thuyền lên" [35], đồng thời giá cả cổ phiếu chưa niêm yết lại chủ yếu được dẫn dắt bởi môi giới và một số tổ chức có vốn lớn nên nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ gặp phải những rủi ro này. Với những cổ phiếu được môi giới quan tâm và săn lùng nhiều trên thị trường thì tính thanh khoản sẽ vượt trội so với các chứng khoán khác, với nhà đầu tư nhỏ lẻ mà mua vào trong lúc này khi thị trường diễn biến phức tạp thì khi có nhu cầu giải ngân sẽ khó hơn cổ phiếu trên thị trường niêm yết.
Bên cạnh đó nhà đầu tư còn gặp phải rủi ro phá sản, là rủi ro nhà đầu tư gặp phải khi tổ chức phát hành hoạt động không có hiệu quả hoặc không có khả năng thanh toán nợ, bị tuyên bố phá sản làm cho giá chứng khoán của nó sụt giảm nhanh chóng, nhà đầu tư có nguy cơ bị mất trắng toàn bộ số vốn đầu tư.
Ngoài ra còn có rủi ro thông tin: là rủi ro khi nhà đầu tư không có được thông tin chính xác về chứng khoán được mua bán trên thị trường nên đã đưa ra quyết định đầu tư thiếu chính xác, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.