Hoàn thiện về hình thức văn bản pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ở Việt Nam (Trang 67 - 69)

Mức độ điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động của thị trường OTC cũng khác nhau tùy theo điều kiện và mô hình tổ chức thị trường thực tế. Ở cấp độ Luật, Luật Chứng khoán nhiều nước không có chương riêng về thị trường OTC vì thị trường này thường do Hiệp hội chứng khoán đứng ra tổ chức và quản lý.

Luật Chứng khoán Thái Lan qui định trung tâm OTC có tư cách pháp nhân, do các CTCK thành viên xin phép thành lập. Ủy ban chứng khoán là cơ quan có thẩm quyền cấp phép, bao gồm các nội dung như: hồ sơ thành lập trung tâm OTC, thủ tục cấp phép do Ủy ban chứng khoán qui định cụ thể, tổ chức gồm hội đồng quản trị 9 thành viên, qui chế trung tâm OTC do Ủy ban chứng khoán phê chuẩn, thẩm quyền xử lý vi phạm của thành viên trung tâm OTC, các trường hợp giải thể trung tâm OTC. Nội dung qui chế trung tâm OTC do trung tâm tự qui định không nêu trong Luật [21].

Ở Philipin, tại Điều 32 của Luật Chứng khoán chỉ nêu nguyên tắc: không ai được thành lập và vận hành SGDCK, thị trường OTC nếu không đăng ký thành lập theo Điều 33 Luật này.

Luật chứng khoán của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc qui định nguyên tắc cơ bản tại Điều 27, Điều 84, Nhật Bản có qui định về giao dịch chứng khoán trên thị trường OTC trong Luật Chứng khoán tại chương Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán, song chỉ dừng lại ở một số nguyên tắc cơ bản.

Việc xây dựng khung pháp lý thị trường OTC ở Việt Nam cần được thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc định hướng cơ bản về việc xây dựng thị trường OTC trong một nghị định của Chính phủ qui định chi tiết các vấn đề.

Trước hết, khung pháp luật về thị trường OTC phải thể hiện được những quan điểm cơ bản trong mô hình tổ chức và quản lý thị trường OTC, cụ thể là:

Về điều kiện tham gia thị trường: cần qui định linh hoạt điều kiện tham gia thị trường đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đáp ứng đủ điều kiện niêm yết trên thị trường tập trung. Tuy nhiên để thuận lợi cho việc quản lý và tổ chức có các chứng khoán tham gia giao dịch trên thị trường phi tập trung, cần qui định rằng các chứng khoán phải được sự bảo trợ của ít nhất một công ty chứng khoán thành viên như trong Quyết định 3567/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 8/11/2007.

Các qui định về điều kiện tham gia thị trường cũng cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, tham gia thị trường, đồng thời phát huy tới đa vai trò chủ động và tích cực của các công ty chứng khoán trong việc tạo lập thị trường cho chứng khoán đó.

Ngoài ra, các qui định về nghĩa vụ công bố thông tin: nhằm đảm bảo tính thanh khoản và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cần có những yêu cầu về công bố thống tin đủ để nhà đầu tư có thể đánh giá khách quan và chính xác tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, tiêu chuẩn về công bố thông tin không thấp hơn so với thị trường giao dịch tập trung.

Tuy nhiên, có thể nghiên cứu các phương thức và thời hạn cho việc công bố thông tin linh hoạt hơn cho các tổ chức có chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC. Ví dụ chỉ yêu cầu công bố thông tin trên mạng nội bộ, nộp báo cáo tài chính qua trang web hoặc các báo cáo tài chình chỉ cần được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam mà không cần bắt buộc phải là tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Về thành viên thị trường: Cần khuyến khích các công ty chứng khoán được cấp phép tham gia với tư cách thành viên để hỗ trợ cho các tổ chức giao dịch trong vai trò là nhà tư vấn, tạo lập thị trường, bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức giao dịch cho chứng khoán.

Về giao dịch: chú trọng hình thức giao dịch thông qua môi giới và tự doanh. Không sử dụng sàn giao dịch trung tâm mà sử dụng mạng máy tính để đấu giá cạnh tranh kết hợp với việc tạo lập thị trường. Phương thức giao dịch có thể rất đa dạng linh hoạt phù hợp với mức độ thanh khoản cao có thể áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục hoặc khớp lệnh giao dịch thông qua nhà tạo lập thị trường hoặc kết hợp báo giá hàng ngày qua Trung tâm, đối với loại chứng khoán có tính thanh khoản thấp nhất có thể chỉ giao dịch thông qua môi giới hoặc nhà tạo lập thị trường.

Các dịch vụ phụ trợ cho giao dịch như: bù trừ - thanh toán giao dịch; đăng ký lưu ký chứng khoán, thông tin báo giá hoặc thông tin hướng dẫn doanh nghiệp, các dịch vụ này được cung cấp linh hoạt phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết ở Việt Nam (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)